Loay hoay dạy học tích hợp chương trình mới

Thứ Tư, 28/09/2022, 08:33

Năm học 2022-2023 là năm thứ 2 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới, trong đó có dạy học tích hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Gọi là tích hợp nhưng vẫn tách bạch các mảng kiến thức riêng biệt.

Đội ngũ giáo viên dạy tích hợp chưa "ra lò", thế là giáo viên các bộ môn riêng lẻ phụ trách từng mảng kiến thức liên quan dẫn đến tình trạng "3 thầy 1 sách", "2 thầy 1 sách" hết sức phức tạp trong bố trí giáo viên, đặc biệt là khâu kiểm tra đánh giá, nhận xét kết quả học tập của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Nga, Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) có thâm niên hơn 10 năm dạy môn Địa lý cho biết: Năm nay, cô phải đảm nhận bộ môn tích hợp Lịch sử - Địa lý. Để đứng lớp, cô H. phải đi học một khoá ngắn hạn để lấy chứng chỉ dạy học tích hợp. Thế nhưng, cô H. cho rằng, chỉ học trong thời gian ít tháng, giáo viên “bơi” trong bể kiến thức, đòi hỏi mỗi ngày đều phải đọc, nghiên cứu sách và cập nhật thông tin may ra mới có thể đảm nhiệm được.

308252594_635805678059015_3429402958232248090_n.jpg -0
Việc giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng phải dạy tích hợp đa môn sẽ khó đảm bảo chất lượng môn học. Ảnh minh hoạ

“Giáo viên phải thực sự có kiến thức chuyên sâu, biết 10 dạy 7, làm chủ kiến thức đó mới mong dạy hấp dẫn, thu hút học sinh, có sáng tạo. Còn giáo viên tự tập huấn lẫn nhau hoặc truyền thụ những gì sách giáo khoa viết là chưa đầy đủ. Chưa kể, trong lớp sẽ có những học sinh có năng lực đòi hỏi giáo viên dạy kiến thức chuyên sâu, đặt câu hỏi khó khi đó giáo viên không trả lời được thì rất dở, ảnh hưởng rất lớn đến tâm thế của người thầy”-cô H chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Lan Anh, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) cũng cho rằng, việc dạy tích hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hoá học) trên thực tế rất khó vì đây đều là các môn học đặc thù. Trong khi đó, thời gian tập huấn dạy tích hợp rất ngắn nên giáo viên rất khó khăn khi phải đảm nhiệm cùng một lúc 2-3 môn học. Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội cũng chia sẻ: “Thực sự mình rất đồng cảm với các thầy cô cấp 2 khi dạy Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Bản thân mình hiện tại dạy Sinh học cấp 3, dạy cả Khoa học tự nhiên lớp 6 và lớp 7 nhưng cũng chỉ dám đảm nhận 2 phần Hoá và Sinh mà cũng đã toát mồ hôi với 3 bộ sách”.

Bà Hoàng Thanh Thuỷ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên dạy tích hợp đối với học sinh lớp 6, nhà trường sắp xếp 3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, trong đó mỗi người một phân môn. Đối với chương trình lớp 7 năm nay, tuy kiến thức tích hợp sâu sắc hơn, khó hơn rất nhiều nhưng trường vẫn phải sắp xếp 1 giáo viên cáng đáng toàn bộ môn học vì như vậy mới có thể đi tuần tự các bài học, có lợi cho học sinh tiếp nhận kiến thức và thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, bà Thuỷ cho rằng, với sách giáo khoa lớp 7 mới, kiến thức môn Khoa học tự nhiên thay đổi hoàn toàn, tích hợp rất nhiều, rất sâu. Mỗi giáo viên phụ trách một phân môn mới đảm bảo kiến thức, còn đảm trách 3 phân môn cần có thêm thời gian để học tập, bồi dưỡng thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Hiệu trưởng một trường THCS ở Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cũng thừa nhận, bản thân ông khá lúng túng trong việc phân công giáo viên dạy tích hợp. Theo vị này, nếu muốn giáo viên dạy theo mạch kiến thức của chương trình, hết chủ đề này rồi đến chủ đề khác thì không thể đủ giáo viên dạy cho các lớp. Để đảm bảo chất lượng, trường đang bố trí 3 giáo viên dạy một môn Khoa học Tự nhiên. Còn môn Lịch sử và Địa lý, do quá thiếu giáo viên Lịch sử nên trường phải bố trí giáo viên môn Địa lý dạy luôn. Dù biết rõ hiệu quả dạy học sẽ không cao nhưng trong bối cảnh hiện nay, trường không còn lựa chọn nào khác.

“Khó khăn và lúng túng nhất hiện nay là việc kiểm tra và đánh giá học sinh. Khi kiểm tra định kỳ buộc phải làm đề chung, như vậy để xây dựng 1 đề thì phải 3 giáo viên cùng làm, rồi 3 giáo viên cùng chấm. Rồi bố trí phân công cho giáo viên nào vào điểm, đánh giá, viết lời phê và ký trong học bạ, đó cũng là cả một vấn đề”- vị hiệu trưởng này cho biết.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, dù đã nỗ lực rất nhiều để chạy đua dạy học, tập huấn cho giáo viên dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018, đặc biệt là các môn tích hợp nhưng cách làm của Bộ GD&ĐT vẫn có bất cập, đẩy giáo viên và các trường vào thế khó khi chương trình đi trước, đào tạo con người theo sau. Giáo viên vất vả, khổ sở khi phải loay hoay dạy tích hợp đã đành nhưng phần thiệt thòi lớn nhất vẫn là người học.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT giao quyền chủ động cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục. Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS linh hoạt trong phân công giáo viên, sắp xếp thời khoá biểu dạy môn học tích hợp Khoa học tự nhiên để đảm bảo tính logic, khoa học của chương trình môn học và giúp học sinh tiếp thu thuận lợi kiến thức.

Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự chuyển hướng rất đúng đắn, trong đó chuyển đổi phương thức dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, các điều kiện đảm bảo đi kèm để triển khai chương trình như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đáp ứng, đặc biệt là giáo viên dạy tích hợp. Điều này cho thấy sự chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, thậm chí là có phần bị động của ngành giáo dục. Lẽ ra, để thực hiện chương trình, Bộ GD&ĐT phải đôn đốc các địa phương có kế hoạch từ 3-5 năm để “đặt hàng” các trường đại học sư phạm đào tạo đội ngũ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là các môn tích hợp. Bên cạnh đó, cũng phải thiết kế chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm và làm bền bỉ chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa” bằng hình thức trực tuyến.

Huyền Thanh
.
.
.