Tìm giải pháp ngăn chặn HIV đang lây lan trong lứa tuổi học đường

Thứ Ba, 25/07/2023, 07:28

Nếu như trước đây, tỷ lệ nhiễm HIV tại Bình Dương lây lan chủ yếu qua đường tiêm chích ma tuý, mại dâm, thì hiện nay, căn bệnh này lại lây lan nhanh trong giới trẻ, tập trung lớn trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM). Đáng báo động, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong lứa tuổi học sinh, sinh viên gia tăng, trong khi tiếp cận giáo dục, truyền thông cho nhóm đối tượng này còn nhiều khó khăn.

Một lần sa chân - cả đời ân hận

14 tuổi, P.D.H. (Bình Dương) bàng hoàng phát hiện mình nhiễm HIV sau vài lần "bán dâm" đồng giới. Cậu bé giấu gia đình, không đến trường, hoang mang tột độ không biết chia sẻ với ai. Cậu đã lặng lẽ tìm đến cán bộ đồng đẳng viên (CBO) trong nỗi sợ hãi và bất an.

Theo BSCKI Vương Thế Linh, Trưởng khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương, H. là một trong hai thiếu niên nhỏ tuổi nhất được phát hiện nhiễm HIV do bán dâm. Qua tâm sự của H. với CBO, cậu bé nghiện game và cần tiền để chơi game, đã "lang thang" lên mạng, vô tình biết đến "chợ tình" ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) thông qua app Blue - D (app hẹn hò của cộng đồng MSM). Em tìm đến "chợ tình" và bị dụ dỗ bán dâm đồng giới. Bắt gặp cậu bé ở đây, các CBO đã tiếp cận vì H. là đối tượng nguy cơ cao hoạt động tại chợ tình.

Các CBO đã giới thiệu H. đến CDC Bình Dương để xét nghiệm nhanh. Sau khi thử 3 test nhanh đều cho kết quả dương tính, các cán bộ y tế thuyết phục H. chỉ cần có người lớn trong gia đình làm giám hộ thì đưa em vào điều trị. Tuy nhiên H. đã từ chối vì không dám nói cho bất kỳ người thân nào. "Các em dưới 15 tuổi không được tự xét nghiệm mà phải có người lớn đi cùng. Để điều trị các em phải có người giám hộ, nên nhiều em giấu gia đình, đã bỏ lỡ mất cơ hội vàng điều trị", BS Linh cho biết.

Tìm giải pháp ngăn chặn HIV đang lây lan trong lứa tuổi học đường -0
Tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong học sinh, sinh viên ở Bình Dương.

Nếu để H. không được điều trị, cậu bé sẽ trở thành đối tượng lây lan cho nhóm MSM, lúc ấy hậu quả vô cùng lớn. Không chỉ H, mà còn những trẻ có HIV khác, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ trở thành mối nguy cơ rất lớn cho thế hệ trẻ của tỉnh Bình Dương. "Chúng tôi không biết các em có bao nhiều bạn tình là người lớn hay trẻ vị thành niên. Các em sẽ lây cho F1, F2…con số này sẽ rất nhiều. Tới đây chúng tôi sẽ có nhiều giải pháp liên quan đến nhóm tuổi này", BS Linh cho hay.

Theo BS Linh, có nhiều em sau khi biết mình nhiễm HIV đã thực sự hoang mang, lo sợ, thậm chí là hoảng loạn. Ở lứa tuổi của các em chưa định hình hết những hậu quả trong tương lai, nên khi đón nhận tin mình mắc bệnh đã cực kỳ sốc. "Có em cần tiền chơi game, hoặc cần tiền làm việc gì đó, bị dụ dỗ quan hệ đồng giới hoặc bán dâm đồng giới", BS Linh chia sẻ.

Theo BS Linh, Bình Dương có 4 "chợ tình" hoạt động gồm ở: TP Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát và TP Dĩ An. Có chợ tình hoạt động cả ngày, có nơi chỉ hoạt động hàng đêm, hoặc khi có sự kiện thì mới hoạt động. Có thời điểm xác nhận qua app hẹn hò của cộng đồng MSM lên tới 6.000-7.000 trường hợp có mặt. Nơi đây ngoài cộng đồng MSM còn có sinh viên, học sinh là MSM. Các em đã trở thành "con mồi" ở những chợ tình này. Vì thiếu hiểu biết về tình dục an toàn, vì tưởng mình trót quan hệ 1-2 lần chắc không sao, nhiều em đã phải trả giá rất đắt. 

Khó khăn trong tiếp cận và truyền thông tới đối tượng học sinh

Bình Dương hiện có khoảng 15.000 người trong nhóm MSM, chiếm 54,6% trong đó là độ tuổi từ 20-29, độ tuổi 15-19 chiếm 10%; trên 30 tuổi chiếm 35,4%. Trước đây, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm này chỉ khoảng 1-2%, thì nay tăng khoảng 10%. Nếu như năm 2014, tỷ lệ lây nhiễm qua tình dục đồng giới chỉ khoảng 6,2%, con số này tăng mạnh vào năm 2021 với 80% số ca phát hiện. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Bình Dương đã ghi nhận 67,3% số ca nhiễm HIV là nhóm MSM.

Theo BS Linh, để ứng phó với tỷ lệ lây nhiễm HIV mới gia tăng nhanh, CDC Bình Dương đã có nhiều hoạt động triển khai như truyền thông nhóm nhỏ, tuyên truyền đến khu nhà trọ, chủ doanh nghiệp, khu công nghiệp, trường đại học…Với sự hỗ trợ của dự án EPIC, trong hơn 10 năm qua, Bình Dương là một trong những tỉnh nhận hỗ trợ kinh phí cao nhất trong triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, cử cộng tác viên tiếp cận tại các khu "chợ tình" và lập kế hoạch tiếp cận phù hợp với nhóm khách hàng, tiếp cận, phát sinh phẩm tự xét nghiệm HIV có hỗ trợ.

Tuy rằng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong giới trẻ MSM nhanh, nhưng BS Linh cũng thừa nhận, hoạt động truyền thông đến học sinh, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chưa truyền thông được tới nhóm trường THPT. Hiện nay, mới chỉ có Trường Đại học Thủ Dầu Một là cơ sở đầu tiên xây dựng phòng khám chăm sóc sức khoẻ tâm sinh lý và phòng chống bệnh tật trong giới học đường. ThS Nguyễn Bình Phương, Khoa Y dược, Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết: Trường có 18.000  sinh viên, 14 khoa, nam chiếm 40%, nên cần thiết triển khai một dự án Prep (thuốc dự phòng chống lây nhiễm HIV) cho những đối tượng nguy cơ cao ở trường, để bảo vệ sinh viên không vướng phải căn bệnh HIV. Dự kiến 2-3 tháng nữa phòng khám sẽ đi vào hoạt động.

Theo anh Phương, mục đích thành lập phòng khám là điều trị dự phòng Prep và ham muốn những người điều trị thuốc Prep không cảm thấy "nhạy cảm" nữa, mà coi đó là điều bình thường; sinh viên vào tư vấn sử dụng thuốc cũng coi là chuyện bình thường.

Nguyễn Văn Thanh, Trưởng nhóm CBO Hạt giống (Thuận An, Bình Dương) cũng cho biết, nhóm ra đời và hoạt động đến nay đã 5 năm, truyền thông các khu vực xung quanh Đại học Thủ Dầu Một. Tháng 8/2022, nhóm làm dự án "Bước ra ánh sáng", tổ chức được 12 buổi truyền thông và quy tụ được 200 sinh viên tham dự và có 18 bạn sử dụng Prep. Hàng tháng cả nhóm tiếp cận được 6-9 ca dương tính và 10-14 ca sử dụng Prep, trong đó khai thác thông tin có bạn là sinh viên, học sinh. Hiện nhóm hỗ trợ được 18 sinh viên tham gia chương trình. Tuy nhiên CBO Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết, mới chỉ truyền thông và hỗ trợ được đến các bạn là sinh viên, còn nhóm học sinh THPT thì chưa tiếp cận được vì để tuyên truyền vào các trường học này rất khó khăn do nhà trường còn e dè. "Chúng tôi phải tác động từ từ, Sở Giáo dục cũng có công văn cho các trường THPT nhưng hiệu trưởng chưa đồng ý. Năm 2024 chúng tôi cố gắng can thiệp ở các trường THPT này", BS Linh cho hay.

Để lứa tuổi của các em không bị dụ dỗ quan hệ đồng giới và mắc phải căn bệnh thế kỷ, BS Linh kiến nghị: "Trước năm 2020 lứa tuổi tự nguyện đi xét nghiệm HIV là 16, giờ hạ xuống 15. Ngay cả trẻ em tiểu học đã được biết HIV, biết đến thuốc dự phòng uống vào không lây nhiễm. Vì vậy, cần thiết phải sửa luật với sự tham gia của nhiều ban, ngành và Bộ Y tế phải tham mưu chính sách để sửa đổi. Cần phải đưa các em dưới 15 tuổi vào chương trình để xét nghiệm, các em được tiếp cận sớm thuốc thuốc ARV và sử dụng thuốc dự phòng chống lây nhiễm Perp, mới ngăn ngừa được lây lan trong cộng đồng.

Trần Hằng
.
.
.