Những sứ giả hòa bình của Công an Việt Nam tại Nam Sudan

Thứ Tư, 21/06/2023, 08:56

Ngày 13/10/2022 không chỉ là một ngày đặc biệt, ghi dấu sự kiện 3 sĩ quan CAND Việt Nam bắt đầu hành trình tham gia nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Nam Sudan (Phái bộ UNMISS) mà còn là dấu mốc quan trọng, điểm sáng nổi bật và bước phát triển mới về trình độ hội nhập quốc tế của Lực lượng CAND Việt Nam. Sau hơn 7 tháng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, những câu chuyện, những dấu ấn đặc biệt đã được những sĩ quan Công an mang mũ nồi xanh chia sẻ với phóng viên báo CAND trong chuyến nghỉ phép ngắn ngày cuối tháng 5 vừa qua...

Những dấu ấn khó quên…

Trước khi tham gia nhiệm vụ GGHB LHQ tại Nam Sudan (phái bộ UNMISS), tổ công tác của Lực lượng CAND Việt Nam gồm Đại tá Lê Quốc Huy, Thượng tá Vũ Việt Hùng và Trung tá Lương Thị Trà Vinh đã được tập huấn, cung cấp thông tin cũng như tìm hiểu về đất nước, con người Nam Sudan. Nhưng, với Thượng tá Vũ Việt Hùng, cảm nhận đầu tiên khi anh đặt chân đến mảnh đất này là thời tiết, khí hậu không quá khắc nghiệt như từng nghĩ. Người dân hiền lành, chất phác, thân thiện và điều khiến anh ấn tượng hơn cả, là mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn lạc quan, vui vẻ, suy nghĩ tích cực. Đặc biệt, người dân Nam Sudan luôn dành tình cảm yêu mến cho lực lượng tham gia GGHB LHQ. Mỗi khi bắt gặp xe dán logo của lực lượng GGHB LHQ trên đường, họ luôn vẫy chào, cười rất tươi. Các nhân viên LHQ cũng thường xuyên nhận được thái độ vui vẻ, thân thiện, hợp tác của họ trong công việc.

Trang 26: Những sứ giả hòa bình của Công an Việt Nam tại Nam Sudan  -0
Tổ công tác của lực lượng CAND Việt Nam làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình tại Nam Sudan trao quà tặng phụ nữ bị khuyết tật tại địa phương.

Còn với Trung tá Lương Thị Trà Vinh, mặc dù lần đầu tiên đặt chân tới một đất nước cách quê hương tới 10.000km, khác màu da, văn hóa… nhưng ngay từ ánh mắt đầu tiên chạm vào đất nước ấy chị đã có những cảm xúc rất đặc biệt. “Từ khi nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, làm việc với chính quyền, tiếp xúc với nhân dân, tôi chưa một lần cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ. Cuộc sống vất vả, khó khăn của người dân nơi đây lại nhắc tôi nhớ về những gì mình đã trải qua. Tôi sinh ra khi đất nước đã hết chiến tranh, nhưng từ khi còn nhỏ, tôi đã cùng gia đình trải qua cuộc sống khó khăn chung của đất nước. Nhìn những ngôi nhà tranh vách đất, gặp những em nhỏ thiếu thốn đủ bề ở Nam Sudan, tôi như gặp lại một phần tuổi thơ của mình. Vì thế, trên tất cả là cảm giác gần gũi, thân thương đến kỳ lạ” – Trung tá Lương Thị Trà Vinh chia sẻ.

Một khó khăn mà cả tổ công tác phải vượt qua trong những ngày đầu đến Nam Sudan là vấn đề ngôn ngữ. Mặc dù các cán bộ của lực lượng CAND Việt Nam đều có vốn tiếng Anh khá tốt (đây cũng là ngôn ngữ chung trong quá trình làm việc tại Nam Sudan),  tuy nhiên, với lực lượng cảnh sát đến từ các nước cũng đồng nghĩa với việc tiếng Anh được phát âm theo nhiều cách khác nhau. Đại tá Lê Quốc Huy chia sẻ bí quyết để vượt qua khó khăn trong giao tiếp giữa “một rừng tiếng Anh” khi sang làm việc tại Nam Sudan là chỉ có cách giao tiếp thật nhiều, nói chuyện thật nhiều. Ngoài ra, một bí quyết mà các sĩ quan Việt Nam trong tổ công tác thường xuyên sử dụng đó là nụ cười rạng rỡ. Trung tá Lương Thị Trà Vinh tâm sự: “Cảnh sát đồng nghiệp các nước và người dân thường khen cảnh sát Việt Nam thân thiện. Tôi nhận ra rằng, chúng ta có thể khác biệt về màu da, ngôn ngữ, văn hóa nhưng tình cảm là điều ai ai cũng cảm nhận được. Đặc biệt. nụ cười luôn là phương tiện hữu hiệu để mọi người gần với nhau hơn”.

Một điều dễ nhận thấy khi trò chuyện cùng chúng tôi, những sĩ quan CAND trong tổ công tác nhắc nhiều đến niềm vui hơn là những khó khăn. Trung tá Lương Thị Trà Vinh hồ hởi: “Thú thực là từ ngày đầu tiên sang đất nước Nam Sudan đến khi về phép, chưa một ngày nào tôi thấy buồn cả. Dù có khi công việc bận rộn từ sáng đến tối nhưng tôi luôn thấy mình ngập tràn năng lượng. Tôi trân quý từng ngày làm việc tại phái bộ. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Nhưng với tôi, ngay ở những tháng ngày công tác tại đất nước Nam Sudan, tôi đã cảm thấy gắn bó, yêu quý mảnh đất này. Tôi nhìn thấy bóng hình tuổi thơ của mình trong các em nhỏ, tôi như gặp những người thân của mình trong hình ảnh những người ông, người bà dắt cháu đi chơi”.

Đưa hình ảnh Việt Nam thân thiện, hòa bình đến với bạn bè quốc tế

Những sĩ quan CAND Việt Nam luôn nói rằng mỗi ngày công tác tại phái bộ LHQ một ngày vui. Đây cũng thực sự là môi trường làm việc lý tưởng, nơi mà tinh thần “tôn trọng sự đa dạng” được đặt lên hàng đầu. Tất cả mọi người đến với mái nhà chung lực lượng GGHB với duy nhất mục đích cống hiến nên ai cũng đều cởi mở chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau một cách vô tư, hết lòng, không toan tính. Những ngày làm nhiệm vụ đặc biệt này, họ cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết ý nghĩa của việc cho đi để nhận lại. Đại tá Lê Quốc Huy chân tình: “Mỗi ngày, chúng tôi nhận thêm được tình cảm yêu mến của người dân Nam Sudan, của cảnh sát đồng nghiệp các nước. Không chỉ có vậy, còn là sự động viên, hỗ trợ hết mình từ gia đình, đồng nghiệp ở Việt Nam. Vậy là chúng tôi nhận được rất nhiều chứ”. Với Thượng tá Vũ Việt Hùng, thời gian công tác tại Nam Sudan còn mang đến cho anh một dấu ấn đặc biệt, rất vinh dự, tự hào. Đó là anh được nhận quyết định thăng cấp bậc hàm từ Trung tá lên Thượng tá khi đang tham gia phục vụ tại phái bộ GGHB LHQ với sự có mặt của lãnh đạo cấp cao và lực lượng cảnh sát các nước cùng đại diện tổ công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Nam Sudan.

Trang 26: Những sứ giả hòa bình của Công an Việt Nam tại Nam Sudan  -0
Trung tá Lương Thị Trà Vinh giới thiệu nón lá Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Đại tá Lê Quốc Huy cho biết, trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là một đất nước anh hùng, đã giành được chiến thắng vĩ đại trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Bạn bè quốc tế cũng nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… với niềm tôn kính đặc biệt. Thời gian gần đây, họ đặc biệt ấn tượng với sự ổn định chính trị, kinh tế phát triển vượt bậc của Việt Nam. Nhiều người bày tỏ mong muốn cơ hội được đến thăm đất nước Việt Nam… Với mỗi sĩ quan CAND, khi nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan thì bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, tâm niệm “mỗi người là một Đại sứ Việt Nam” luôn nhắc nhớ trong lòng, như lời dặn dò của  các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an dành tặng trước ngày lên đường. Hơn bao giờ hết, đây là cơ hội để giới thiệu hình ảnh một Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình đến với bạn bè quốc tế. Vì thế, bên cạnh việc hoàn thành tốt công tác chuyên môn, trong thời gian công tác tại Nam Sudan, tổ công tác đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, tạo ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế. Trong đó, sự kiện Tết cổ truyền Việt Nam đã được 3 sĩ quan tổ chức chu đáo với sự có mặt của gần 80 quan khách là lãnh đạo cảnh sát phái bộ, chỉ huy trưởng cảnh sát các nước cùng sự chung vui của đông đảo sĩ quan cảnh sát các nước. Những phong tục độc đáo của Việt Nam ngày đầu năm mới như tục lì xì, giới thiệu những món ăn truyền thống, tặng thiếp chúc mừng… đã khiến bạn bè quốc tế rất ấn tượng. Sự kiện còn được đưa lên bảng tin của phái bộ.

Trung tá Lương Thị Trà Vinh hồ hởi chia sẻ, mới đây thôi, vào ngày 20/5 vừa qua, chị đã là cầu nối để chuyển 52 suất quà (bao gồm chiếu, màn) của Hội Phụ nữ Bộ Công an tặng  phụ nữ khuyết tật và bị xâm hại tình dục tại Nam Sudan. Lần đầu tiên, một sự kiện từ thiện được tổ chức quy mô với món quà thiết thực, ấm áp như thế khiến nhiều phụ nữ Nam Sudan nghẹn ngào xúc động không ngừng “Thankyou Vietnam!” (Cảm ơn Việt Nam).

Trải qua thời gian làm việc tại đất nước Nam Sudan, với vai trò thành viên của lực lượng GGHB LHQ, các sĩ quan CAND Việt Nam đều cho rằng, đó là quãng thời gian vô cùng giá trị. Đây không chỉ là nhiệm vụ, thử thách để thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của CAND Việt Nam mà thực sự là cơ hội. Mỗi CBCS đều học được nhiều kỹ năng trong môi trường làm việc quốc tế. Thượng tá Vũ Việt Hùng động viên các đồng nghiệp trẻ trong lực lượng Công an hãy mạnh dạn trải nghiệm công tác ý nghĩa này. Còn ở vai trò nữ sĩ quan Công an, Trung tá Lương Thị Trà Vinh nhắn nhủ: “Phụ nữ có ước mơ, khát vọng, hãy cố gắng hiện thực hóa giấc mơ ấy của mình. Nếu mình thực sự mong muốn, khó khăn cũng sẽ tìm ra cách”. Bởi hơn bao giờ hết, điều tổ công tác nhận ra khi tới làm việc ở một đất nước còn nhiều khó khăn và chưa ổn định như Nam Sudan, chính là việc mỗi người đều cảm thấy yêu quê hương, đất nước, yêu công việc, cuộc sống của mình hơn mỗi ngày.

Thảo Duyên
.
.