Quản giáo người Dao xóa mù chữ cho nhiều phạm nhân

Thứ Hai, 06/07/2015, 10:30
Gặp Đại úy Chẻo A Dao (39 tuổi), Đội trưởng Đội Giáo dục của Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu vừa lúc anh tan lớp học xóa mù chữ cho các phạm nhân, anh bảo: Đây là lớp thứ tư anh đứng lớp. Trước đó, có hơn 60 phạm nhân là người dân tộc thiểu số không biết chữ đã “tốt nghiệp” lớp xóa mù do anh quản lý…

Năm 2004, tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát ngành Quản lý giáo dục cải tạo phạm nhân, Chẻo A Dao về công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu từ đó tới nay. Anh chia sẻ: “Đặc thù ở Lai Châu là địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, nhiều người vì thiếu hiểu biết, không biết chữ mà vi phạm pháp luật. Chính vì thế, thời gian họ thụ án không dài (Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu giam giữ, cải tạo một số thường án, có ý thức cải tạo tốt), ngoài quản lý giáo dục thì phải tìm cách dạy chữ, “khai thông” văn hóa, giúp họ nhận ra lỗi lầm để hướng thiện”.

Chia sẻ về lớp học đặc biệt này, anh nói: “Học sinh là các phạm nhân người dân tộc thiểu số, không biết chữ. Ở đây, các phạm nhân được học theo chương trình tiểu học, được nắn từng nét chữ, con số. Học xong lớp học này, mọi người đọc, viết thành thạo”.

Tháng 8/2014, khi vừa kết thúc lớp học xóa mù chữ cho các phạm nhân, anh đã tham mưu cho Ban Giám thị tổ chức cuộc thi viết thư cho gia đình cho hơn 60 phạm nhân. Mỗi lá thư là sự hối lỗi, là tiếng lòng hứa hẹn ngày ra trại làm lại cuộc đời. Một trong những lá thư xúc động nhất chính là của phạm nhân Chẻo A Nái ở huyện Sìn Hồ, can tội mua bán trái phép ma túy, bị phạt 60 tháng tù giam. Nái không biết chữ, khi bị bắt vẫn ngơ ngác khai nhận “thấy người khác buôn ra nhiều tiền thì mình cũng đi theo”.

Đại úy Chẻo A Dao trò chuyện với các phạm nhân sau giờ lên lớp xóa mù chữ.

Lần nào có người thân đến gặp, Nái cũng kêu chán, tìm cách trốn trại. Sau nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện Đại úy Dao đã cảm hóa được Chẻo A Nái, Nái tiến bộ lên rất nhiều, từ bỏ ý định trốn trại. Đặc biệt sau khi tham gia lớp xóa mù chữ, Nái đã tự tay viết thư cho gia đình. “Vợ tôi ở nhà nhận được thư, được nghe cậu con trai lớn đang học lớp 4 đọc cho cả nhà nghe, tất cả đều rất mừng. Vợ tôi hiểu và tin tưởng và động viên tôi yên tâm cải tạo” – Chẻo A Nái tâm sự.

Câu chuyện anh kể về đối tượng Phan Văn Miêng (35 tuổi), quê ở huyện Than Uyên cũng để lại cho tôi nhiều xúc động. Năm 2008, Miêng phạm tội hiếp, giết người và bị tuyên án tử hình. Từ khi tòa tuyên án, gia đình không đoái hoài gì nên anh ta càng chán. Những tháng ngày đó Miêng lầm lũi, trầm cảm, hối hận và tỏ ra rất ghét gia đình. 

Trong thời gian chờ thi hành án, Phan Văn Miêng coi Đại úy Dao là người thân duy nhất. Anh luôn động viên, chia sẻ, kể cho Miêng nghe những mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi hơn để Miêng thấy mình vẫn còn may mắn, vần còn những ngày sống có ích để chuộc lỗi với người, với đời. Anh còn dạy Miêng học chữ, bỏ tiền túi của mình để mua vật dụng, thức ăn thêm cho Miêng. 

Ngày ra pháp trường, Miêng đã tự tay viết cho Đại úy Dao một lá thư sám hối. Trước hội đồng thi hành án, hắn xin phép để anh Dao dẫn đi và “xin phép hội đồng cho tôi hát một bài gửi cán bộ Dao”. “Nghề này nghiệt ngã, vất vả nhưng tôi yêu nó, và tôi nhận thấy muốn phạm nhân tiến bộ phải cảm hóa họ bằng cái tâm” - Đại úy Chẻo A Dao chia sẻ. 

Được biết, bên cạnh việc cảm hóa, giáo dục và dạy chữ cho phạm nhân, gần đây Đại úy Chẻo A Dao đang xây dựng, lên kế hoạch mở lớp dạy nghề trồng nấm rơm, giúp phạm nhân có nghề ổn định khi tái hòa nhập cộng đồng.

Hoàng Hòa
.
.