Mặt tối ngành công nghiệp sòng bạc trên đất người da đỏ

Thứ Hai, 07/12/2020, 20:23
Không có mấy vết nhơ trong lịch sử nước Mỹ lại đỏ màu máu hơn việc người da đỏ bị đẩy khỏi đất đai của họ. Trong gần hai thế kỷ liên tiếp, người da trắng di cư từ châu Âu đã từng bước cướp đoạt đất đai của những cư dân bản địa bằng chiến tranh và luật pháp. Dần dần các bộ tộc da đỏ bị quây lại trong những mảnh đất cằn cỗi gọi là "khu bảo tồn".


Chính phủ Trung ương coi mỗi khu bảo tồn là một quốc gia tự trị. Họ không can thiệp vào việc nội bộ của khu bảo tồn. Họ không có bất cứ nguồn lực nào để có thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói.

"Cứu cánh" khỏi đói nghèo

Vậy nhưng "cứu cánh" của họ lại đến từ chỗ ít người ngờ nhất. Vào cuối thập niên 1970, bộ lạc Seminole tại Florida mở một Trung tâm chơi bingo - một trò chơi đánh số mang tính may rủi. Khi đó Florida và nhiều bang khác tại nước Mỹ cấm hoàn toàn hoạt động bài bạc, nhưng chính quyền địa phương không thể làm gì với Trung tâm nói trên vì nó nằm trên đất khu bảo tồn. Vụ tranh chấp đã được đưa lên toà án tối cao Mỹ, và cuối cùng người Seminole cũng thắng kiện, tạo ra tiền lệ cho những bộ lạc da đỏ khác mở sòng bạc ngay giữa những bang cấm hoạt động đánh bạc.

Năm 1987 Quốc hội Mỹ lại thông qua bộ luật kiểm soát hoạt động kinh doanh đánh bạc của người da đỏ. Theo bộ luật này, các bộ lạc da đỏ chỉ cần thông báo chứ không cần xin phép chính quyền bang trước khi mở sòng bạc trong khu bảo tồn.

WinStar Casnio là sòng bạc lớn nhất nước Mỹ nằm trên đất của người da đỏ.

Ngày nay kinh doanh sòng bạc đã trở thành ngành công nghiệp "hái ra tiền". Tổng số lợi nhuận mà các sòng bạc trên đất người da đỏ hằng năm đạt mức trung bình 30 triệu USD, cao gần gấp đôi so với San Vegas và Atlantic City -  hai "thủ đô cờ bạc" của nước Mỹ. 10 sòng bạc lớn nhất nước Mỹ đều nằm trong khuôn viên các khu bảo tồn. Người da đỏ không quản lý các sòng bạc này mà là các công ty ở bên ngoài như: Harrah's, Prairie Band Casino, và Ak-Chin Casino. Ngay cả nguyên Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng sở hữu một sòng bạc trên đất người da đỏ, tuy nhiên ông đã bán cơ sở này vào năm 2006.

Lợi nhuận thu được từ các sòng bạc trong khu bảo tồn được miễn hầu hết các loại thuế liên bang và tiểu bang. Ban quản lý chỉ phải trả cho chính quyền một số danh mục phí nhất định như phí sử dụng máy đánh bạc (khoảng 25% lợi nhuận thu được). Ngược lại, những doanh nghiệp kinh doanh sòng bạc có trách nhiệm thực thi nhiều nghĩa vụ khác nhau đối với bộ lạc đã cho phép họ đặt cơ sở kinh doanh. Trước hết là tiền lệ phí. Với mỗi 1 đồng khách hàng đánh cá, sòng bạc sẽ phải trả cho bộ tộc 0,2 đến 0,25 đồng. Công ty quản lý cũng phải làm cam kết bảo vệ môi trường và thuê phần lớn đội ngũ nhân viên là người da đỏ địa phương. Đây là cái giá doanh nghiệp ngoài phải trả để được hưởng tất cả những ưu đãi từ lãnh đạo các bộ tộc da đỏ.

Xã hội người dân da đỏ dựa rất nhiều vào dòng tiền từ các sòng bạc để có thể tồn tại. Ngoài vấn đề công ăn việc làm, chính quyền bộ tộc có sử dụng khoản tiền thu được để duy trì hoạt động các dịch vụ an sinh thiết yếu như cung cấp nước sạch, hoạt động bệnh viện và trường học, duy trì một đội ngũ cảnh sát, v.v… Bộ mặt các khu bảo tồn đã hoàn toàn thay đổi nhờ kinh doanh bài bạc. Từ chỗ chỉ là những ngôi làng nghèo khó không kém gì châu Phi, nay người thổ dân được sống trong các thành phố hiện đại đầy đủ các tiện nghi. Chất lượng sống được tăng lên rõ rệt, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khoẻ cộng đồng và dân trí. Quan trọng nhất là nó giúp các bộ tộc không bị tan rã do người dân có thể sống trên chính mảnh đất của mình chứ không phải tha hương cầu thực.

Nhiều gia đình người da đỏ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải rời khỏi mảnh đất hương hoả để nhường chỗ cho sòng bạc.

Chưa phải là giải pháp cuối cùng

Phát triển kinh doanh đánh bạc đã giúp nhiều bộ tộc thoát khỏi xiềng xích nghèo đói, nhưng điều này không có nghĩa sòng bạc là giải pháp cuối cùng với tất cả mọi người. Lấy ví dụ như bộ tộc Pequot. Đã từng có một thời tộc Pequot chiếm vị trí thống trị trên các đồng cỏ thảo nguyên Nam Trung Mỹ. Vậy nhưng chiến tranh và bệnh tật đã cướp đi mạng sống của hầu hết người Pequot. Thành viên cuối cùng của bộ lạc mất vào thập niên 1960. Con cháu của bà mới tập hợp nhau lại và cùng đưa ra quyết định cuối cùng: tự mình hồi sinh bộ tộc Pequot. Thế nhưng chính quyền liên bang lại không công nhận họ là một bộ lạc người da đỏ. Khi đó họ sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi, trong đó có quyền tự do mở sòng bạc. Những người này phải mất gần 20 năm đấu tranh pháp lý mới được chính phủ Mỹ công nhận tư cách bộ tộc.

Hiện tại Mỹ có tới hơn 562 bộ tộc người da đỏ được Washington D.C. công nhận, trong đó có 200 nhóm người tham gia kinh doanh sòng bạc. Ngoài ra có 150 bộ lạc khác đang tìm kiếm quyền được chính phủ liên bang công nhận. Chắc hẳn trong số 150 bộ lạc đấy có một số tộc người đang nghĩ đến việc mở sòng bạc. Nhiều bộ tộc đã và đang sở hữu sòng bạc vì sợ hãi đối thủ cạnh tranh mới nên mới có các hành động cản trở quyền được công nhận của những người da đỏ khác. Ví dụ tai tiếng nhất là vụ kiện giữa hai bộ lạc Comanche và Chicksaw.

Danh tiếng những chiến binh Comanche dũng cảm đứng lên chống lại người da trắng còn lưu lại đến ngày hôm nay. Nhưng hậu duệ của họ thì đang sống trong cái nghèo tận cùng. Có hơn 70.000 người Navajo sống trong cảnh không có nước. Nhiều gia đình phải thường xuyên đi lại hàng chục

kilomét để mua nước rồi chở nước về nhà. Những người Navajo tại bang Oklahoma mong thành lập được một sòng bạc để có tiền xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và cải thiện chất lượng sống.

Sòng bạc đang là thứ nuôi sống nhiều cộng đồng da đỏ.

Dự án xây dựng của họ vừa được cấp phép thì đã bị bộ lạc Chicksaw đưa ra toà. Những người Chicksaw cũng có một sòng bạc ở ngay bờ sông bên kia sòng bạc của người Navajo. Để bảo vệ nguồn lợi nhuận trị giá hàng triệu USD, người Chicksaw sẵn sàng kiện một bộ lạc láng giềng. Đến nay vụ kiện vẫn còn đang vướng mắc tại toà, sòng bạc chưa được khởi công, và cuộc sống của người Navajo vẫn chưa có cải thiện gì.

Người da đỏ có những mối liên kết tâm linh rất bền chặt đối với đất đai và thiên nhiên. Nhiều khi các sòng bạc "động chạm" đến chính những mối quan hệ thiêng liêng này. Sòng bạc Fire Rock tại bang New Mexico đã gây ra một scandal lớn vì những hành động thiếu tinh tế, nếu không muốn nói là báng bổ của mình. Trong khi xây dựng sòng bạc, họ lấy đất mồ mả của bộ tộc Navajo  đổ vào các hố cọc, mà người Navajo tin rằng linh hồn người chết sẽ hoà vào làm một với đất. Bộ tộc Navajo đã tổ chức biểu tình từ đầu đến cuối quá trình xây dựng, và đến khi sòng bạc được cắt băng khánh thành họ lại phải chịu thêm một tai nạn nữa: Da họ bắt đầu nổi lên vô số mụn nước hay vết bỏng mà không biết lý do vì sao.

Những người da đỏ Navajo phải một phen hoảng hồn vì tin rằng, tổ tiên họ đã trù úm con cháu do không vừa lòng với sự xâm phạm của sòng bạc. Thiếu chút nữa người dân đã cầm đuốc thiêu rụi Fire Rock. Một đoàn chuyên gia phải đến tận nơi khảo sát và sau khoảng thời gian dài nghiên cứu mới đưa ra được kết luận: Đất đai khu mồ mả của người Navajo có hàm lượng Uranium cao hơn mức bình thường.

Quá trình xây dựng sòng bạc Fire Rock đã tạo cơ hội để chất phóng xạ này thoát khỏi đất mà lan ra môi trường bên ngoài, gây nên những phản ứng tiêu cực nơi người da đỏ. Doanh nghiệp quản lý Fire Rock sau đó đã phải trả một khoản tiền lớn bồi thường cho những thiệt hại về sức khoẻ và tinh thần mà họ gây ra. Cơ thể rồi sẽ khoẻ lại, nhưng thật khó để tin rằng vết thương tâm lý và tín người người Navajo phải chịu sẽ sớm hồi phục.

Không phải bộ tộc da đỏ nào cũng giàu được nhờ sòng bạc.

Tương lai mù mịt

Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp đánh bạc. 500 sòng bạc trên đất của người da đỏ đã buộc phải đóng cửa, kéo theo đó là hơn một triệu việc làm bị mất. Theo lời ông Phil Haugen, Giám đốc thường trực của Cơ quan Quản lý kinh tế Bộ lạc Kalispel, thì: "Không có các sòng bài, chúng tôi không kiếm đâu ra tiền để tiếp tục hoạt động hệ thống cơ sở hạ tầng cùng đội ngũ nhân viên công… Các lực lượng như bác sỹ, cảnh sát, lính cửu hoả, v.v… đều đang hoạt động cầm chừng vì tình trạng khủng hoảng  kinh phí. Bộ tộc Kalispel đã - đang  phải chịu sự nguy hiểm không chỉ từ COVID-19 mà còn từ bệnh tật, hoả hoạn, hạn hán, v.v...".

Một số các doanh nghiệp quản lý sòng bạc đã cho thôi việc hàng loạt nhân viên người da đỏ để tiết kiệm chi phí. Nhưng cũng có các công ty khác vì thoả thuận từ trước với lãnh đạo bộ lạc nên tiếp tục giữ nguyên đội ngũ của mình, đồng thời trả đủ các khoản hỗ trợ, bảo hiểm cho nhân viên đang nghỉ. Dù thế nào đi nữa sau hơn 7 tháng đóng cửa, các cộng đồng người da đỏ đang trong cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Do đó, chính phủ Mỹ đã có một gói cứu trợ 8 tỷ USD dành cho các khu bảo tồn; thế nhưng cho đến nay phần lớn số tiền này vẫn chưa đến được tay người dân.

Cảnh "vất vưởng" hiện nay đang khiến nhiều người da đỏ nghi ngờ về tính bền vững của một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào sòng bạc. Gần như chắc chắn những virus còn nguy hiểm hơn COVID-19 sẽ xuất hiện, và liệu các bộ lạc có thể tiếp tục sống qua một đợt giới nghiêm nữa không?! Trong khi đó nguồn lợi từ các sòng bạc lại đang giảm do những người trung lưu trở xuống tại Mỹ càng ngày càng ít đánh bạc, trong khi giới thượng lưu thường chỉ lui tới Las Vegas hay Atlantic City. Khách du lịch nước ngoài ngày nay không còn phải đến Mỹ mới được chơi bạc nữa. Họ có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau như Tây Ban Nha, Hi Lạp, Na Uy, Singapore, Cam-pu-chia, v.v… Thậm chí trong trường hợp khách hàng không muốn ra khỏi nhà, họ hoàn toàn có thể đánh bài hay đánh cược qua mạng. Tất cả những thay đổi nói trên đã khiến số lượt khách lui tới các sòng bạc của người da đỏ suy giảm rõ rệt ngay cả trước khi đại dịch bùng phát.

Mặt khác, không phải bộ tộc nào cũng có thể làm giàu từ sòng bạc. Việc một sòng bạc có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố địa điểm. Đây là một bài học mà bộ tộc Hualapai tại Arizona đã cay đắng nhận được sau thất bại trị giá 1 triệu USD của họ. Người Hualapai nằm trong số những cộng đồng nghèo đói nhất nước Mỹ, phần nhiều vì họ bị đẩy đến sống tại khu bảo tồn phía Tây dãy Grand Canyon vô cùng cằn cỗi. Trong tình trạng không còn sự lựa chọn nào khác, bộ lạc phải đi vay mượn ngân hàng để xây dựng sòng bạc với mục đích thu hút khách du lịch đến thăm Grand Canyon.

Trong vòng chưa đầy một năm, sòng bạc đã phải đóng cửa, để lại khoản nợ khổng lồ đối với người Hualapai. Với vị trí cách thành phố gần nhất 564 km trong khi thiếu thốn những hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản nhất, sòng bạc của người Hualapai không thể nào giữ chân dù chỉ một khách du lịch. Đây cũng là vấn đề chung của bất kỳ sòng bạc nào. Chỉ có những cơ sở ở gần các thành phố lớn, được đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng bài bản mới có thể thành công được. Chưa đến 20% trong tổng số 130 bộ lạc kinh doanh sòng bạc kiếm được số lợi nhuận đủ để chi trả cho các dịch vụ công thiết yếu. Đã có không ít doanh nghiệp "hứa hẹn" về một khu sòng bạc kiêm resort có thể hoàn toàn "đổi đời" cho người da đỏ, thế nhưng đến khi kinh doanh thất bại, họ lại "bỏ của chạy lấy người", để lại cho bộ tộc những khoản nợ khổng lồ.

Các bộ lạc da đỏ đang đưa nhau ra toà vì bất đồng xoay quanh sòng bạc.

Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, nhiều quyền lợi của người lao động đã bị cắt giảm và đẩy nhân viên sòng bạc đến chỗ khó khăn. Họ mất đi các khoản bảo hiểm và trợ cấp nuôi con, trợ cấp tăng ca, v.v… Tại một số nơi người lao động đã kiến nghị tập thể hay đình công, nhưng điều họ đang thiếu nhất là công đoàn vốn đã từ lâu bị giới chủ đè nén. Cô Susan Lewis, một người da đỏ Saginaw Chippewa làm việc lao công cho sòng bài Soaring Eagle, bang Michigan, đã cố tổ chức một công đoàn tại chính nơi làm việc của mình. Ban lãnh đạo Soaring Eagle lại tìm cách tác động lên các chức sắc trong bộ lạc để họ ra quy định cấm mọi hoạt động tổ chức hay tham gia công đoàn. Vụ kiện giữa cô Susan, giới chủ và lãnh đạo bộ tộc Saginaw Chippewa đang diễn ra tại toà dự báo sẽ chỉ là "phát súng mở đầu" trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi lao động người da đỏ sắp diễn ra.

Một nền kinh tế bền vững là một nền kinh tế đa ngành. Sự thật là người da đỏ không thể mãi phụ thuộc vào việc kinh doanh đánh bạc được. Nhiều lãnh đạo của các bộ tộc cũng nhận ra điều này và đã có những động thái đáng quan tâm nhằm mục đích đa dạng hoá nền kinh tế địa phương. Ngoài việc phân bổ lợi nhuận thu từ sòng bài cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ công thiết yếu, khoản tiền vốn này nay còn được dùng với mục đích tạo công ăn việc làm mới cho người dân.

Điều này có thể là đi tìm mua một giống cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng khu bảo tồn, hay mời nghệ nhân thủ công về dạy cho dân làng. Ngay cả hoạt động kinh doanh du lịch cũng đã có bước thay đổi, đi từ chỗ chỉ nhăm nhăm đưa khách vào sòng bạc đến mô hình du lịch cộng đồng và du lịch tự nhiên. Không những người da đỏ tự mình kiếm được nhiều tiền hơn, mà họ còn có thể giới thiểu quảng bá rộng hơn nền văn hoá đặc trưng của dân tộc mình đến bạn bè bốn phương.

Xin được nhắc lại một lần nữa: Lợi ích mà các sòng bạc đem lại cho người da đỏ Mỹ không thể chối cãi được! Thế nhưng ngành công nghiệp dịch vụ này cũng ẩn chứa không ít góc khuất. Cho dù là bộ tộc đã thành công hay thất bại trong việc thoát nghèo, họ cũng không thể tiếp tục chỉ dựa vào kinh doanh sòng bài được. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, không những sẽ có thêm nhiều cá nhân, bộ tộc lại phải chịu đựng sự bất công, mà về lâu về dài người da đỏ sẽ lại rơi vào cảnh khó khăn. Việc giảm dần sự phụ thuộc vào sòng bạc và đa dạng hoá nền kinh tế vì thế là cách tốt nhất để bảo vệ -  phát triển các bộ tộc người da đỏ trên xứ cờ hoa.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.
.