Phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris từ chương trình trò chơi 3D

Thứ Tư, 24/04/2019, 07:56
Song song với việc điều tra nguyên nhân vụ cháy, người Pháp cũng đã nhanh chóng lên kế hoạch phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris. Gần 2 tỷ USD đã được quyên góp cho kế hoạch này. Cùng với, chính quyền Paris còn mở một cuộc thi thiết kế mái vòm Nhà thờ Đức Bà.

Kinh nghiệm từ vụ cháy ở Reims

Tin từ hãng CNN cho hay, một tuần sau vụ cháy kinh hoàng ở Nhà thờ Đức Bà Paris, chính quyền Pháp đã thừa nhận rằng, dù 90% thánh tích và các tác phẩm nghệ thuật được cứu và di chuyển đến nơi an toàn thì nhà thờ vẫn bị thiệt hại nặng nề và rất có thể hàng chục năm sau mới phục chế lại nguyên vẹn như xưa. 

Đáng chú ý, không có một chính sách bảo hiểm nào có thể hỗ trợ ngân sách phục dựng di sản văn hoá 865 năm tuổi này bởi Nhà thờ Đức Bà Paris thuộc sở hữu nhà nước. Theo Liên đoàn Bảo hiểm Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris, cùng 82 thánh đường khác được xây dựng trước năm 1905, đều thuộc sở hữu của chính phủ Pháp. 

Vì vậy, có thể hiểu chính phủ sẽ tự bảo hiểm cho những cơ sở này và sẽ phải lo kinh phí tái thiết và phục dựng. Một công ty bảo hiểm của Pháp ước tính, chi phí phục dựng có thể lên tới hơn 1 tỷ USD. Rất may là đến nay, vấn đề tài chính không còn là mối lo ngại bởi chỉ 2 ngày sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, quỹ đóng góp hỗ trợ phục dựng công trình 850 năm tuổi đã lên tới gần 2 tỷ USD. 

Hôm 18-4, Chính phủ Pháp đã mở cuộc thi thiết kế phần mái vòm của Nhà thờ Đức Bà. Thủ tướng Pháp Édouard Philippe cho biết, cuộc thi này dành cho các kiến trúc sư đến từ mọi nơi trên thế giới và đưa ra nhiều lựa chọn như: bảo tồn kiến trúc vốn có của tòa tháp hay thay thế nó bằng một diện mạo khác.

Báo cáo nhanh từ cơ quan điều tra cho hay, vụ cháy kéo dài 12 tiếng đồng hồ đã làm sập một phần mái của Nhà thờ Đức Bà Paris. Tuy nhiên một "khu rừng" lưới mắt cáo bằng gỗ bên trong Nhà thờ Đức Bà đã đốt cháy ngọn lửa thiêu rụi nhà thờ mang tính biểu tượng. Cấu trúc mái thời trung cổ "đã bị mất", theo Đức ông Patrick Chauvet, người đứng đầu nhà thờ nói. 

Cũng theo Đức ông Patrick Chauvet, khung gỗ của nhà thờ, chủ yếu bao gồm gỗ sồi, chứa các dầm có niên đại xa như khung đầu tiên được xây dựng cho nhà thờ. Khung hình đó có những cây bị chặt hạ giữa năm 1160 và 1170, tạo thành một trong những phần lâu đời nhất của cấu trúc. 

"Khung hiện đại là khung thứ hai được dựng từ năm 1220 và phản ánh các điều chỉnh được thực hiện sớm trong quá trình xây dựng của nhà thờ. Phong cách kiến trúc thịnh hành được gọi là trần vòm cao. Để phù hợp với điều này, kế hoạch của nhà thờ đòi hỏi những cây sồi cao, cứng cáp từ một khu rừng gần đó. 

Để khởi động dự án, công nhân đã dọn sạch 21 ha gỗ sồi. Mỗi chùm của tác phẩm chéo bằng gỗ phức tạp được rút ra từ một cây khác nhau: ước tính tổng cộng có 13.000 cây. Để đạt đến độ cao mà các thợ mộc cần để xây dựng cấu trúc, những cây đó có thể đã 300 hoặc 400 năm tuổi, nghĩa là chúng sẽ mọc lên khỏi mặt đất trong thế kỷ thứ tám hoặc chín", trang web nhà thờ có đoạn viết.

Vì thế, theo các chuyên gia, nhiệm vụ khó nhất là phục hồi mái của nhà thờ. Và dù những cây gỗ lớn dùng để xây mái nhà thờ "đã biến mất ở Pháp" nhưng Bertrand de Feydeau, Phó chủ tịch Quỹ Di sản Pháp vẫn bày tỏ sự lạc quan rằng có thể áp dụng kinh nghiệm phục dựng từ nhà thờ Đức Bà ở thành phố Reims. 

Nhà thờ Đức Bà thành phố Reims, thuộc vùng Marne của Pháp được xây dựng vào thế kỷ thứ XIII, được coi là phiên bản thứ nhất của Nhà thờ Đức Bà Paris và cũng đã chịu hai trận hỏa hoạn. 

Lần đầu vào thế kỷ thứ XV, lần thứ hai trong thế chiến lần thứ nhất. Đạn pháo của Đức đã phá hủy hoàn toàn phần mái và một phần không nhỏ của tòa tháp cao. Nhưng dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư trưởng Henri Deneux, nhà thờ Reims đã được xây dựng lại phần mái bằng vật liệu mới được phát minh bởi Philibert Delorme vào thế kỷ XVI, phần cấu trúc gỗ sồi đã bị phá hủy được thay thế bằng một cấu trúc nhẹ hơn và không bắt lửa, bao gồm các thanh rầm nhỏ bê tông, cốt thép đúc sẵn, kết nối bằng các phím gỗ sồi để đảm bảo tính linh hoạt của toàn bộ khung mái. Kích thước nhỏ gọn của bộ khung đã cho phép phần mái nhẹ hơn, có không gian hơn và quan trọng là không dễ bắt lửa. 

Kiến trúc sư Virginie Thevenin, Viện Kiến trúc và Di sản Pháp cho biết: "Giải pháp của thời kỳ đó đến nay đã được hơn 100 năm và công trình vẫn luôn ở tình trạng rất tốt. Bộ khung làm bằng bê tông nhẹ cho đến nay vẫn rất bền vững. Dùng vật liệu mới thay cho bộ khung gỗ ở Nhà thờ Đức Bà Paris cũng là một giải pháp, tại sao không?".

Những chi tiết phức tạp bằng gỗ bên trong mái vòm Nhà thờ Đức bà Paris trước khi bị cháy rụi.

Và gợi ý từ trò chơi 3D

Trong khi đó, Eric Fischer, người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm phục dựng nhà thờ Strasbourg 1.000 năm tuổi ở Pháp lại cho rằng vẫn có thể xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris mà vẫn giữ nguyên hình thức và đặc tính ban đầu phụ thuộc vào kế hoạch, sơ đồ cùng những vật liệu có được. 

"Các kiến trúc sư cần dữ liệu lịch sử ở mức tối đa, hoặc những dữ liệu gần đây được thu thập bằng công nghệ hiện đại như quét 3D, giống như kỹ thuật dùng để phục hồi nhà thờ Strasbourg", Eric Fischer nói. 

Nhiều nhà phân tích khác cũng đồng quan điểm này và chỉ rõ, nhà phê bình kiến trúc người Bỉ Andrew Tallon đã tạo ra một bản quét kỹ thuật số của Nhà thờ Đức Bà Paris năm 2015. 

Trước khi mất, Andrew Tallon từng miêu tả: "Khi đặt lên chân máy ảnh, các tia laser quét xung quanh các vị trí trong nhà thờ, như chỗ ngồi của dàn hợp xướng chẳng hạn, và tính toán khoảng cách giữa máy quét và các vị trí nó tiếp cận. Mỗi lần đo đạc được thể hiện bằng một chấm màu, và chúng gộp lại để tạo thành một hình ảnh ba chiều của nhà thờ. Nếu thực hiện đúng, bản vẽ sẽ có độ chính xác trong khoảng 5 milimet".

Một số người khác thì cho rằng, việc kết hợp mô hình của Andrew Tallon với mô hình 3D chi tiết Nhà thờ Đức Bà Paris trong game Assassin's Creed: Unity có thể sẽ thực sự hữu dụng trong kế hoạch phục dựng công trình lịch sử này. Không gian của game Assassin's Creed là thành phố Paris trong cuộc cách mạng Pháp năm 1789. 

Nhà thiết kế đồ họa Caroline Miousse đã dành gần hai năm để tạo ra mô hình 3D hoàn chỉnh của Nhà thờ Đức Bà Paris với tỉ lệ mô phỏng chính xác cả cấu trúc bên trong lẫn bên ngoài nhà thờ. Trả lời phỏng vấn tờ The Verge, Caroline Miousse cho rằng Nhà thờ Đức Bà tại Paris là tòa nhà lớn nhất và chi tiết nhất trong Assassin's Creed: Unity, và cô từng dành nhiều năm theo nghĩa đen để ghi lại các chi tiết dù là nhỏ nhất của tòa nhà. 

"Tôi đã xem lại tất cả những bức ảnh cũ, và thậm chí đã làm việc với các nghệ sĩ kết cấu để đảm bảo rằng “mỗi viên gạch đều được tái hiện lại chân thực", Caroline Miousse nói. Hiện tại, Ubisoft - chủ quản của game Assassin's Creed: Unity cũng tỏ ra rất thiện chí trong việc kết hợp với các kỹ sư công trình để hoàn thiện bản thiết kế lại tòa nhà. 

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.