Xung quanh vụ điệp viên Canada đánh cắp thông tin mật

Thứ Ba, 01/10/2019, 07:15
Chính quyền Canada đã bắt giữ một trong những sĩ quan tình báo hàng đầu và buộc tội cố  ý bán bí mật quốc gia. Cameron Ortis, 47 tuổi, giám đốc Trung tâm Điều phối tình báo quốc gia (NICC) thuộc Cảnh sát Kỵ mã Hoàng gia Canada (RCMP), bị buộc tội vào vào giữa tháng 9-2019 với 3 tội vi phạm Đạo luật Thông tin An ninh và 2 tội vi phạm luật hình sự.


Các cáo buộc về an ninh, có từ năm 2015, cho rằng Ortis đã cố bán bí mật cho một "thực thể nước ngoài" giấu tên. Câu chuyện có khả năng gây bối rối lớn cho lực lượng an ninh Canada, đặc biệt là trong mối quan hệ tình báo với các đối tác trong liên minh tình báo Five Eyes (bao gồm 5 nước sử dụng tiếng Anh là Mỹ, Anh, Australia, Canada  và New Zealand).

Với quyền được tiếp cận thông tin tình báo "Tuyệt Mật", Ortis không chỉ truy cập vào các tập tin 20 cơ quan tình báo của Canada, mà còn có nhiều lưu lượng truy cập giữa các đối tác của Five Eyes. Thủ tướng Justin Trudeau, bắt đầu vận động cho một cuộc bầu cử vào ngày 21-10-2019, và nữ giám đốc RCMP là Brenda Lucki, đã cố gắng để Canada được coi như một đối tác tình báo đáng tin cậy.

Nữ giám đốc RCMP Brenda Lucki.

Trudeau cho biết các đồng minh tình báo và an ninh Canada đang được thông tin đầy đủ: "Chúng tôi cũng đang làm việc với họ để trấn an họ, nhưng chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người đều hiểu rằng chúng tôi đang xử lý tình huống này rất nghiêm túc".

Brenda Lucki đã xác nhận trong cuộc họp báo rằng Ortis "có quyền tiếp cận thông tin tình báo đến từ các đồng minh của chúng tôi cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi đảm bảo với bạn rằng các chiến lược giảm thiểu nguy cơ đang được áp dụng theo yêu cầu.

Tại thời điểm này, sự hợp tác với các đồng minh của chúng tôi hoàn toàn không bị xâm phạm". Vì nhiều lý do hợp lý, suy đoán đầu tiên trên phương tiện truyền thông Canada - được hỗ trợ với các trích dẫn từ các nguồn thông tin tình báo - đã chỉ tay vào Trung Quốc.

Quan hệ Canada với Trung Quốc gặp khủng hoảng sau vụ giam giữ Mạnh Vãn Chu, nữ giám đốc tài chính của tập đoàn công  nghệ Trung Quốc Huawei Technologies theo lệnh bắt giữ do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ban hành vào tháng 5-2018. Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách bắt giữ hai người Canada - nhà ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor.

Bắc Kinh có nhiều điệp viên săn lùng công nghệ hữu ích để mua hoặc ăn cắp. Do đó, việc tìm cách ép buộc một sĩ quan cao cấp của Canada có kiến ##thức về các hoạt động chống tình báo của Ottawa sẽ là một động thái tự nhiên.

Trong khi đó Ortis có một nền tảng kiến thức sâu rộng về các vấn đề Đông Á và biết nói tiếng Hoa. Ortis lấy bằng tiến sĩ tại Đại học British Columbia năm 2006 với luận án về các mối đe dọa an ninh Internet được giám sát bởi hai giáo sư nổi tiếng là Paul Evans và Brian Job. Cả hai giáo sư đóng vai trò lớn trong sự phát triển và duy trì mối quan hệ Canada với Trung Quốc và châu Á.

Câu chuyện của Tập đoàn phát thanh Canada (CBC) cho biết một email năm 2018 đã bị chặn trong đó Ortis đã viết cho một người tên Vincent Ramos - người sinh ra ở Winnipeg, đã bị kết án 9 năm tù bởi một Tòa án San Diego vì tội lãnh đạo một doanh nghiệp tội phạm tạo điều kiện cho việc nhập khẩu và phân phối ma túy xuyên quốc gia thông qua việc bán các thiết bị và dịch vụ liên lạc được mã hóa.

Ramos bị bắt vào tháng 3-2018, tại Bellingham, ngay bên kia biên giới Mỹ từ vùng ngoại ô Vancouver, nơi ông điều hành một công ty có tên Phantom Secure Communications do ông thành lập năm 2008.

Ramos cung cấp điện thoại thông minh BlackBerry đã được điều chỉnh để chỉ có thể được sử dụng để gửi và nhận email được mã hóa thông qua các máy chủ riêng ở Hồng Kông và Panama mà không thể bị hack. Các khách hàng mới phải được khuyến nghị bởi các khách hàng hiện tại và điện thoại cũng được cho là sẽ xóa tất cả mọi thông tin lưu trữ nếu rơi vào tay cảnh sát.

Đó là một doanh nghiệp… ăn nên làm ra! Bằng chứng trong vụ án Ramos, trong đó ông nhận tội đã bán khoảng 20.000 chiếc BlackBerry được bảo chứng với số lượng đăng ký 4.000 USD mỗi tháng.

Công ty được cho là đã thu về khoảng 90 triệu USD mỗi năm. Khách hàng bao gồm băng đảng ma túy Sinaloa khét tiếng ở Mexico, trong khi khoảng 10.000 điện thoại đã được bán cho những kẻ buôn bán ma túy ở Australia.

Chính tại Australia, mọi thứ bắt đầu làm sáng tỏ về Ramos và Phantom. Vào năm 2016, một nhân viên Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) đã nắm giữ một trong những chiếc điện thoại do Phantom cung cấp mà không bị xóa thông tin như đã từng làm. Sử dụng điện thoại này, đặc vụ AFP đã liên lạc với một kẻ buôn ma túy ở Los Angeles và sắp xếp 10 kg cocaine để được chuyển đến Australia. Chiến dịch dẫn đến một chuỗi các vụ bắt giữ và các vụ kiện ở tòa án ở Mỹ và Australia.

Diên San
.
.
.