Chuyện tình buồn của đôi vợ chồng tật nguyền

Chủ Nhật, 13/08/2017, 17:00
Ở làng Ấm, xã Lương Nội, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), không ai không biết đến đôi vợ chồng tật nguyền: Anh Bùi Văn Tăng (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Sim (35 tuổi).


Họ được mọi người cảm phục về nghị lực vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống, đối mặt với bệnh tật cũng như tình yêu mà họ dành cho nhau. Nhìn bề ngoài, đôi vợ chồng ấy có vẻ hạnh phúc, thế nhưng đằng sau đó lại là những chuỗi ngày đau thương, cơ cực, bởi anh Tăng phải nằm liệt, còn chị Sim cũng chịu thiệt thòi về thể chất.

Số phận nghiệt ngã của hai phận đời

Hôm chúng tôi đến thăm, chị Sim đang chăm sóc con nhỏ, còn anh Tăng thì nằm liệt, co quắp trên tấm phản gỗ. Khi biết chúng tôi là phóng viên, chị Sim rót nước mời khách. Nhìn xung quanh ngôi nhà là không gian trống trải, ngoài chiếc tivi cũ, chẳng có vật gì đắt giá. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Tăng nhấn nhá hồi tưởng lại những tháng ngày nghiệt ngã của cuộc đời mình. 

Hạnh phúc lớn nhất của đôi vợ chồng tật nguyền là đứa con.

Anh Tăng rơm rớm nước mắt tâm sự: “Khổ lắm chú à, trước đây ai cũng bảo thằng Tăng mày có phước lớn, được trời thương, lúc mẹ ốm nặng sắp mất lại lấy được vợ”.

Đối với anh Tăng, vợ tựa như là mẹ, lúc lại giống em gái, lúc tựa như con chăm bố. Mọi sinh hoạt ở trong nhà, như tắm rửa, vệ sinh cá nhân, ăn uống, anh Tăng đều trông cậy vào người vợ. Anh Tăng bảo: “Cả ngày vợ tôi chăm sóc chồng con cũng đã thấm mệt nên chẳng làm thêm được việc gì”. 

Anh Tăng là con đầu trong một gia đình có 7 người con. Lúc mới sinh ra do đẻ khó nên anh Tăng bị tróc một nửa lớp da ở đỉnh đầu, may mắn mà qua khỏi. Đến năm 16 tuổi, anh bị trượt ngã, khiến cho đôi bàn chân sưng phù. Kể từ đó, anh bắt đầu có triệu chứng đau buốt toàn thân, rồi nhức mỏi khắp các cơ gân, căn bệnh ngày một nặng thêm.

Do gia đình hoàn cảnh nên cũng không có điều kiện đưa anh đi chữa trị, mà chỉ lấy lá thuốc ở nhà. Được khoảng 6 tháng, các cơ chân của anh co rút lại, không thể duỗi thẳng được. Đến tháng 9 năm 1986, anh phải ngồi xổm. Hết ngồi rồi lại nằm, anh phải đi lom khom bằng 4 chi từ đầu làng đến cuối làng để uốn lưỡi câu cho trẻ nhỏ.

Sau đó được 4 năm, anh lại bị một trận ốm “thập tử nhất sinh”. Đau buốt rồi lại đau nhói, cuối cùng anh phải nằm liệt một chỗ. Mặc cảm với số phận, nhưng rồi anh cũng tự nhủ với lòng rằng, chỉ cần có niềm tin, ắt sẽ có người thương, bao dung che chở cho mình.

Trong những ngày tháng nghiệt ngã đó, anh muốn có sự đồng cảm, muốn tìm một công việc để quên đi nỗi đau bệnh tật. Đối với anh, để có một công việc phù hợp, đó cũng chỉ là ước mơ, hoài bão.

Theo lời anh Tăng, nhờ có chiếc điện thoại nên anh mới lấy được vợ. Lúc đầu anh chỉ nghĩ, mình lên mạng, được nói chuyện với những người có cùng cảnh ngộ, như vậy cũng đã là hạnh phúc rồi.

Trong một lần gõ Google, tìm đến Trung tâm “Vì ngày mai” (nơi chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và tổ chức sản xuất cho thanh thiếu niên khuyết tật ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây, anh đã đọc được dòng tâm sự của chị Sim khi bị lạc mất con, kèm theo đó là số điện thoại. Và cũng nhờ có số điện thoại nên hai người mới quen nhau.

Khác với hoàn cảnh của anh Tăng, chị Nguyễn Thị Sim, quê ở Phấn Mễ, Phú Lương (Thái Nguyên) từ nhỏ đã mồ côi mẹ, lại bị cha ruồng bỏ nên phải sống với bà ngoại. Do thiệt thòi về thể chất nên khi lớn lên, chị Sim chỉ cao được 1,1 mét, nặng 26kg.

Lúc mới quen nhau, anh Tăng động viên chị Sim rất nhiều, nói chuyện được khoảng 4 tháng, giữa họ bắt đầu có điểm chung, để rồi hai người yêu nhau lúc nào không biết. Anh Tăng bảo: “Hơn 40 tuổi tôi chưa biết yêu là gì, cũng may trời thương nên tôi mới có hạnh phúc”.

Chị Sim góp chuyện: “Trước khi đến với anh Tăng, tôi đã kết duyên cùng với một người có chung cảnh ngộ ở Ninh Bình. Lúc tôi mang thai được khoảng 6 tháng thì anh kia trở mặt”. Buồn bã cho số phận mình, chị Sim trở về quê sinh con, rồi đặt tên cháu là Nguyễn Thị Thu Hà.

Chị Sim đỡ cho anh Tăng ngồi dậy. 

Khi cháu được 6 tháng tuổi, chị Sim lại đưa con xuống Hà Nội để mưu sinh. Do hoàn cảnh khó khăn nên chị phải gửi con ở Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An, Ba Vì (Hà Nội). Đến năm 2013 khi chị Sim trở lại Trung tâm thăm con thì không thấy cháu đâu nữa.

Mãi về sau, Trung tâm mới báo tin cho chị Sim biết, cháu đã được một đôi vợ chồng người Pháp xin về làm con nuôi. Theo hồ sơ thủ tục pháp lý, khi chuyển sang Pháp, cháu được đổi tên là Trần Uyển Nhi, hiện cháu đã 8 tuổi. Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thụy An, Ba Vì (Hà Nội), vẫn theo dõi sức khỏe của cháu từ xa, thỉnh thoảng lại thông báo cho chị Sim. 

Cảm phục mối tình tật nguyền

Câu chuyện giữa anh Tăng và chị Sim khiến chúng tôi cảm phục. Ngày chị Sim và anh Tăng gặp nhau cũng thật lãng mạn. Cuối năm 2013, chị Sim xin được chiếc xe lăn của một người ở bên Mỹ tài trợ.

Theo tiếng gọi của tình yêu, từ Hà Nội, chị Sim ngược về miền sơn cước xứ Thanh để tặng xe lăn cho người yêu. Khi chị Sim tìm đến nơi, phía gia đình anh Tăng ai cũng ngưỡng mộ, và cả xóm núi ấy, không ai ngờ rằng anh lại có… người yêu.

Mẹ con chị Sim đứng trước cửa nhà.

Vẫy biết yêu nhau sẽ là rào cản lớn, nhưng không ai có thể ngăn cấm được. Đám cưới của đôi vợ chồng tật nguyền diễn ra thật chóng vánh, bình dị. Hai bên nội ngoại cũng chỉ làm dăm mâm cơm để ra mắt họ hàng. Đám cưới của đôi vợ chồng lay động cả xóm núi, họ bàn tán xì xào về tương lai sau này.

Cưới vợ được một thời gian, anh Tăng, chị Sim quyết định chuyển ra ở riêng. Hai vợ chồng gom góp mua được một túp lều tranh của một người dân ở trong làng. Và đó cũng chính là mái ấm để họ vun vén, nương tựa vào nhau. Lúc anh chị mới ra ở riêng, người thì cho bó rau, bát gạo, người thì cho ngô, sắn, ai cho gì thì ăn đấy, kể cả những người bán hàng rong họ cũng cho.

Cưới nhau gần được một năm thì chị Sim sinh cháu. Ngày chị Sim trở dạ cũng chính là ngày mẹ anh Tăng ốm nặng. Một bên mẹ, một bên vợ nên anh Tăng phải nhờ hàng xóm đưa vợ đi bệnh viện.

Anh Tăng giụi mắt kể: “Lên đến Bệnh viện Bá Thước, các bác sỹ bảo không đủ khả năng để mổ đẻ, nên phải chuyển xuống Bệnh viện Ngọc Lặc. Khi xuống đến Bệnh viện Ngọc Lặc, các bác sỹ nhìn thấy hoàn cảnh của vợ chồng tôi ai cũng thương”.

Ngày 7-3-2015, chị Sim sinh hạ một bé trai kháu khỉnh, nặng 3,4kg. Anh chị đặt tên cháu là Bùi Lương Bằng (theo lời anh Tăng, anh chị mong sau này cháu sẽ là người lương thiện và công bằng). Đứa con chào đời được một tuần sau thì mẹ anh Tăng qua đời.

Ngôi nhà mà vợ chồng anh Tăng đang ở là do Công ty Viettel trao tặng. Số tiền trợ cấp xã hội của hai vợ chồng cộng lại chỉ được 945 nghìn đồng/ tháng. Mỗi tháng con anh Tăng lại ốm một lần, mỗi lần đưa con đi bệnh viện hết 1 triệu đồng. Với số tiền trợ cấp ít ỏi đó không đủ để trang trải cho cuộc sống hiện tại. Do chị Sim bị bệnh rối loạn tiền đình nên cũng không thể làm được việc nặng. Mảnh vườn của gia đình, anh Tăng phải giao cho người em trai làm giúp.

Chị Sim rơm rớm nước mắt tâm sự: “Điều mà vợ chồng tôi mong muốn, đó là ông bà ở bên Pháp biết bố mẹ đẻ cháu Hà vẫn đang còn sống. Tôi cũng không dám mong cháu trở về với gia đình. Mặc dù thương con nhưng cháu được người ta chăm sóc, đó cũng là số may cho cháu rồi. Chỉ sợ sau này khi cháu lớn lên, nó ân hận, cho rằng bố mẹ bỏ nó, chứ tôi ở nhà cũng rất là đau khổ”.

Thông tin báo cáo tình hình phát triển của cháu Hà từ Pháp gửi về.

Chia tay gia đình khi đã gần trưa, chị Sim lại chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc, và có lẽ hạnh phúc lớn nhất đối với họ đó chính là đứa con trai. Với anh chị, đứa con chính là hạnh phúc, là nghị lực để gia đình vượt qua nỗi đau bệnh tật. Hiện tại anh Tăng không còn đau nhức các khớp xương nữa...

Anh chỉ mong có chút vốn để có thể theo nghề sửa đồ điện tử mà anh yêu thích. Hiện nay, gia đình anh Tăng vẫn chưa có giếng nước để sinh hoạt. Anh còn phải nộp 1,5 triệu đồng mới có đường điện kéo về nhà nên rất cần sự chia sẻ giúp đỡ của cộng đồng. 

Mọi thông tin gúp đỡ xin liên hệ địa chỉ: Anh Bùi Văn Tăng, làng Ấm, xã Lương Nội, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) hoặc Quỹ xã hội từ thiện Báo CAND, 92 Nguyễn Du, Hà Nội, ĐT: 024.9420595, tài khoản: 0021000019774 Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội.


Minh Phượng
.
.
.