Vụ 3 nữ sinh bị lũ cuốn ở Quảng Ninh: Nỗi đau xé lòng người ở lại

Thứ Tư, 06/07/2016, 08:37

Mấy ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa khi hay tin 3 nữ sinh của Trường Đại học Ngoại Thương đã bị lũ cuốn trôi trong lúc tham gia tình nguyện giúp đỡ bà con và các em nhỏ tại huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Cả ba nữ sinh này đều sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nghị lực vươn lên để trở thành những sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Ngoại Thương. Trước khi trở về nghỉ hè với gia đình, các em đã đăng ký đi đến những vùng sâu, vùng xa để làm việc thiện nguyện, không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của đời mình.

 

Trắng đêm tìm kiếm thi thể các nạn nhân xấu số

Những cơm mưa dai dẳng cũng không làm bớt đi độ nóng ở thị trấn Bình Liêu. Chiều ngày 2/7, thông tin 4 nữ sinh viên tình nguyện bị lũ cuốn trôi khiến cả thị trấn nghèo chìm trong lo lắng. Trong lúc chơi đùa tại khu vực đập tràn, không may 4 nữ sinh viên bị lũ cuốn trôi. May mắn 1 trong 4 nữ sinh đã được cứu thoát. Bốn nữ sinh viên này thuộc đoàn tình nguyện của trường Đại học Ngoại Thương gồm 21 thành viên. Trước khi đến tình nguyện tại huyện Bình Liêu, đoàn đã liên hệ trực tiếp và đến thẳng xã.

Khi sự việc xảy ra, thông tin nhanh chóng được báo cho cơ quan chức năng, hàng trăm người trong đội cứu hộ được huy động. Công tác tìm kiếm rơi vào khó khăn do trời tối, nước đục và rất xoáy. Tuy nhiên lực lượng cứu hộ, lực lượng chi viện của Huyện đội Tiên Yên cùng các lực lương của tỉnh Quảng Ninh được chỉ đạo phải tìm kiếm với khả năng nhanh nhất có thể. Hàng trăm người đã tiến hành khơi dòng chảy ở đập Pác Hoóc để rút bớt nước, đồng thời dùng lưới chặn dưới chân đập.

Trắng đêm tìm kiếm thi thể 3 nữ sinh xấu số.

Khoảng 1h giờ sáng ngày 3-7, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể 3 nạn nhân là: Nguyễn Thị Xoa, SN 1996 (Hải Dương); Nguyễn Thị Hải, SN 1997 (Nghệ An); Nguyễn Thị Ngân, SN 1997 (Hà Nội). Ngay sau khi được đưa lên bờ, thi thể các nạn nhân đã được đưa về bệnh viện huyện Bình Liêu.

Hai ngày trước đó (30-6, 1/7), trên địa bàn Quảng Ninh đã có mưa, có nơi mưa rất to. Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà bị ngập lụt nghiêm trọng. Huyện Bình Liêu và huyện Tiên Yên cũng bị ảnh hưởng khá lớn, lượng nước mưa đo được nhiều nơi lên tới 100mm. Chính vì vậy khu vực đập Pác Hoóc có mức nước dâng lên khá lớn, nước qua đây rất xoáy.

Anh Nguyễn Văn Minh người dân thị trấn Bình Liêu cho biết: "Khu vực đập tràn Pác Hoóc khá nguy hiểm mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Đã từng xảy ra những vụ tai nạn đau lòng ở đây rồi. Chính vì thế những người dân sống quanh đây rất cảnh giác mỗi khi có mưa lũ". Bà Nguyễn Thị Hạnh sống cạnh khu vực đập tràn Pác Hóoc cho biết thêm: "Thường ở đây mỗi khi có mưa lớn chúng tôi rất ít khi dám ra ngoài. Vì khi nước lên cao sẽ tạo ra lũ rất mạnh. Các cháu mới đến đây, không thông hiểu địa hình nên mới xảy ra vụ việc đau lòng này".

Chuyến đi định mệnh

Chiều ngày 3-7, thi thể nữ sinh Nguyễn Thị Ngân đã được đưa về nghĩa trang Ngọc Long, phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây rất đông người thân và bạn bè đã đến để tiễn đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng.

Chứng kiến cảnh mẹ và em gái của Ngân khóc ngất bên quan tài, nhiều người không cầm được nước mắt. Từ khi nghe tin con gái tử nạn, chị Huệ như người mất trí. Chị cứ lẩm nhẩm như thể đang nói chuyện với người con gái xấu số: "Mới mấy hôm trước con xin mẹ đi tình nguyện ở vùng sâu vùng xa, mẹ bảo con gái đi như thế thì vất vả lắm. Thế mà con cứ năn nỉ mẹ cho đi bằng được. Mẹ cho con đi rồi đấy, sao con lại đi mãi thế này hả Ngân. Về với mẹ đi con, về với mẹ nhé!".

Ngân là con gái lớn trong gia đình có hai chị em gái, gia cảnh khó khăn, bố đau ốm liên miên, kinh tế gia đình dựa cả vào mẹ. Là phụ nữ nhưng mẹ Ngân đã phải đi quét sơn thuê để có tiền nuôi chồng và 2 con ăn học. Mẹ Ngân đã cố xoay xỏa bằng mọi cách để nuôi em học đại học.

Chị Hiền khóc ngất khi trông thấy quan tài con gái.

Chị Song đau đớn khi nghe tin con gái Nguyễn Thị Ngân tử nạn.

"Ngân học giỏi lắm, năm trước em ấy nhận được học bổng du học bên Nhật nhưng vì thương bố yếu, mẹ vất vả nên em ấy quyết định không đi nữa mà đăng ký vào học Khoa Kinh doanh Quốc tế của Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Cô chú mình lúc nào cũng tự hào và hy vọng vào em ấy. Vậy mà giờ em ấy lại ra nông nỗi này, đau xót quá" - chị Lệ, chị họ của Ngân chia sẻ.

Nghe tin dữ, cả gia đình và người thân của Ngân đã bắt xe vội vã đi ngay trong đêm đến địa điểm em cùng hai người bạn mình mất tích. Trong lúc lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm, người thân của em chỉ còn biết cầu nguyện để điều kỳ diệu sẽ đến. "Mẹ ở trên bờ ngóng tin con từng giây từng phút. Chỉ mong sao con bình yên trở về. Lúc đó dù có phải đánh đổi cả tính mạng mẹ cũng cam lòng mà. Thế nhưng ông trời đã không nghe thấy lời cầu nguyện của mẹ. Ông đã cướp mất con của mẹ đi rồi, con ơi" - chị Huệ gào khóc trong đám tang con gái.

Cùng chịu nỗi mất mát như chị Huệ là chị Nguyễn Thị Song - mẹ của nữ sinh Nguyễn Thị Xoa. Vừa từ trên xe bước xuống, bố mẹ Xoa đã lao thẳng vào nhà quàn của Trung tâm Y tế Bình Liêu ôm chầm lấy thi thể con gái. Chị Song khóc ngất bên thi thể Xoa.

Vừa khóc chị vừa lay con gái và trách: "Vừa mới tối hôm kia con còn gọi điện về cho mẹ nói là nhớ bố mẹ, nhớ anh mà. Con còn khoe với mẹ là vừa được tăng mức học bổng khi nào về sẽ mua quà khao cả gia đình mà. Sao bây giờ con lại nằm đây, con lừa mẹ mà đi thế này hả con. Mẹ sẽ phải sống thế nào đây?".

Nhìn thấy con gái nằm đó bất động, bố Xoa không sao nén được nỗi đau. Ông Lũy ôm mặt khóc nức nở. Ngồi cạnh thi thể con, ông Lũy hết vuốt mái tóc dài của con lại nắm chặt bàn tay Xoa lay mạnh: "Dậy đi con, bố mẹ xuống với con rồi này. Con đừng nằm bất động thế, dậy nói với bố mẹ câu gì đi cho bố mẹ yên lòng. Con gái ngoan, lúc nào cũng bảo thương bố mẹ vất vả sẽ cố gắng học thật giỏi để kiếm tiền sau này nuôi bố mẹ già. Thế mà sao con lại nằm đây, hả trời!".

Bạn bè tiễn đưa Ngân về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người thân của Xoa kể rằng em rất ngoan và học rất giỏi. Năm trước em đỗ liền một lúc 2 trường đại học nhưng đã chọn Trường Ngoại thương để theo học.

Ở nơi quê nhà Nghệ An xa xôi người thân, bạn bè và hàng xóm láng giềng cũng đã đến trật nhà của nữ sinh Phan Thị Hải để đón em về. Bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ của Hải từ khi nghe tin mất con bà đã bất tỉnh nhiều lần. Hễ tỉnh dậy bà Hiền lại nhắc lại lời con gái dặn: "Mới hôm kia nó còn gọi điện về bảo tôi làm việc ít thôi. Nó bảo giờ sức khỏe mẹ không được như trước nữa, chúng con cũng đã lớn hơn rồi nên mẹ không cần phải vất vả quá đâu. Bố bây giờ cũng có việc làm, nhà mình đỡ khổ hơn trước nhiều rồi. Nó dặn dò tôi kỹ lắm. Dặn thế rồi nó đi mãi sao?".

Trước đó, trên trang facebook cá nhân, Hải viết: "Mùa hè của tôi. Tôi đã sẵn sàng đi đến nơi không có đường và để lại dấu vết". Có một chút gì đó tâm linh, nhiều bạn bè và người thân của Hải đã cho rằng những lời em nói như một điềm báo trước. Hải vừa thi xong học phần, chỉ kịp gửi một ít hành trang về quê rồi lên đường đi tình nguyện. Địa điểm mà em cùng các bạn của mình đến là bà con và các em học sinh của huyện Bình Liêu. Một người bạn của Hải kể, trước khi đi Hải có tâm sự rằng "sẽ cống hiến tuổi trẻ cho cuộc sống này". Không ngờ đâu rằng niềm khát khao cống hiến ấy của em đã dang dở giữa chừng.

Tại nhà tang lễ Bệnh viện Bãi Cháy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Thu Thủy và Vũ Văn Diện cùng đại diện huyện Bình Liêu, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh và Sở Giáo dục và Đào tạo đã đến chỉ đạo công tác lo hậu sự và chia buồn, động viên người thân của 3 sinh viên thiệt mạng.

Chia sẻ mất mát với gia đình nạn nhân, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa về phương tiện, trang, thiết bị và nhân lực để các gia đình nạn nhân lo công tác hậu sự cho nạn nhân. Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân thiệt mạng 6 triệu đồng, huyện Bình Liêu hỗ trợ mỗi gia đình 6 triệu đồng, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh hỗ trợ mỗi gia đình 3 triệu đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 1 triệu đồng.
Phong Anh
.
.
.