Hội thảo khoa học “Công tác phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay”

Thứ Ba, 30/11/2021, 14:05

Những năm gần đây, số vụ phạm tội về hình sự giảm qua từng năm, như năm 2018 giảm 0,61% so với năm 2017; năm  2019 giảm 7,3% so với năm 2018 và năm 2020 giảm 5,43% so với năm 2019.

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Bộ Công an tổ chức Hội thảo Khoa học “Công tác phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay”. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo về phía lãnh đạo Bộ Công an có Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án Hình sự, Cơ quan Quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an.

Đổi mới các giải pháp phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay -0
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu khai mạc hội thảo.

Về phía lãnh đạo các hộ, ngành có đồng chí Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Phạm Thế Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội.

Cùng dự có các đại diện lãnh đạo các vụ, cục, viện thuộc các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương…

Hiện nay, các báo cáo đánh giá của Bộ Công an về tình hình tội phạm phân loại thành 5 nhóm tội phạm tương ứng với phân công nghiệp vụ của các lực lượng và nhóm các tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự gồm: Tội phạm về trật tự xã hội (tội phạm hình sự); tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; tội phạm về ma túy; tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường; tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra hơn 34 nghìn vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 11,23% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 17.16% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các loại tội phạm đều giảm; tuy nhiên, hoạt động của tội phạm vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Đổi mới các giải pháp phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại hội thảo.
Cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 300 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ; gần 4.000 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; hơn 300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, triệt phá nhiều đường dây quy mô lớn; gần 800 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm…

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giãn cách xã hội, tăng cường làm việc trực tuyến, sử dụng Internet nên tội phạm, vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao tăng tới hơn 85%...

Hội thảo Khoa học “Công tác phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay” được tổ chức nhằm góp phần làm rõ các luận cứ khoa học trong việc đổi mới các giải pháp phòng ngừa tội phạm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu làm giảm tội phạm theo Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương.   

Quá trình tổ chức Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 40 bài viết của đại biểu đại diện cho 15 bộ, ngành, đoàn thể, UBND địa phương; các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Công an một số địa phương.

Các bài viết khá đa dạng, cung cấp những góc nhìn khác nhau cả về lý luận và thực tiễn trong công tác phòng ngừa tội phạm theo chức năng của các Bộ, ngành, đoàn thể, UBND địa phương; vừa đề cập đến những vấn đề chung về công tác phòng ngừa tội phạm; vừa đi sâu phân tích công tác phòng ngừa tội phạm theo lĩnh vực và các nhóm tội phạm cụ thể.

Đổi mới các giải pháp phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay -0
Đại biểu phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, quán triệt triển khai các quan điểm chủ đạo của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, lực lượng CAND đã phát huy vai trò nòng cốt cùng các bộ, ban, ngành triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng ngừa tội phạm.

Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, giữa phòng ngừa tội phạm với tấn công, trấn áp tội phạm, đạt được những kết quả tích cực, tình hình tội phạm được kiềm chế. Những năm gần đây, số vụ phạm tội về hình sự giảm qua từng năm, như năm 2018 giảm 0,61% so với năm 2017; năm  2019 giảm 7,3% so với năm 2018 và năm 2020 giảm 5,43% so với năm 2019.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, việc kéo giảm tội phạm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bởi chỉ cần giảm được 5% số vụ phạm tội hằng năm, nước ta sẽ có 2.000 gia đình không bị tội phạm xâm hại, cùng với đó có khoảng 2.000 người không phải chấp hành hình phạt, các cơ quan tư pháp bớt đi được số lượng lớn công việc cần phải giải quyết, tiết kiệm chi phí xã hội rất lớn. 

Tuy nhiên, việc giảm tội phạm hiện nay chưa thực sự bền vững. Các hoạt động tội phạm còn diễn biến rất phức tạp và đang hình thành những loại hình tội phạm mới gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay…

Do vậy, công tác phòng ngừa tội phạm cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Đây là vấn đề thực tiễn đặt ra, cần có lời giải về mặt lý luận. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đại biểu dự Hội thảo thảo luận, cung cấp những góc nhìn đa dạng về công tác phòng, ngừa tội phạm theo chức năng của từng ngành; giúp nhận diện đầy đủ hơn các khía cạnh của công tác phòng ngừa tội phạm; góp phần tìm ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình hiện nay của tội phạm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những nội dung trọng tâm về quan điểm, chủ trương phòng ngừa tội phạm, lý luận phòng ngừa tội phạm; phân tích, đánh giá, nhận diện và dự báo tình hình tội phạm; đánh giá kết quả việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm thời gian qua; phân tích, làm rõ căn cứ để đề xuất những giải pháp mang lại hiệu quả và cần bổ sung những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay…

Đổi mới các giải pháp phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay -0
Ban Tổ chức đã nhận được 40 bài viết của các đại biểu.

Cụ thể, với tham luận “Phòng ngừa xã hội với tội phạm nhìn từ thực tiễn và những định hướng giải pháp”, Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị CAND cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng công tác phòng ngừa vẫn còn có những hạn chế, thiếu sót.

Trước những thách thức đặt ra hiện nay, Trung tướng Trần Vi Dân nêu rõ, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức gắn với trách nhiệm trong công tác phòng ngừa xã hội; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Không phải lồng ghép, phòng ngừa tội phạm phải được đưa vào như một nội dung của các chương trình phát triển kinh tế-xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đồng chí Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải Quan kiến nghị bổ sung thẩm quyền của cơ quan Hải quan khởi tố, điều tra một số tội danh khác ngoài các tội phạm quy định tại Điều 188, 189 và 190 Bộ luật Hình sự xảy ra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước và phạm vi địa bàn quản lý của cơ quan Hải quan.

Quy định rõ các biện pháp điều tra và hoạt động điều tra cơ quan Hải quan có thẩm quyền áp dụng giữa các Điều 39 Bộ luật Tố tụng Hình sự với các điều luật cụ thể quy định về từng biện pháp và hoạt động điều tra để đảm bảo áp dụng thống nhất theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực nông thôn, Đại tá Nguyễn Văn Trầm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định nêu các phương hướng, giải pháp như: Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở các xã, thị trấn vững mạnh, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng thế trận an ninh nhân dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản; làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn. Tham mưu chỉ đạo và phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật; kịp thời thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Duy trì các mô hình phong trào đang phát huy tác dụng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và cảnh giác, tự phòng ngừa tội phạm của quần chúng nhân dân ở địa bàn nông thôn.

Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho rằng, để phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và căn cước công dân trong phòng chống tội phạm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phải đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khẩn trương đề xuất số hóa, xây dựng và hoàn thiện hệ thống để kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, phục vụ phòng ngừa, đầu tranh chống tội phạm…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thế Dũng phát biểu tham luận: “Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt: Những vấn đề đặt ra đối với phòng ngừa tội phạm”.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu với chủ đề: “Vai trò của tổ chức công đoàn với công tác phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trong công nhân, lao động”.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Thành viên Ban Nghiên cứu Chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an trình bày nội dung về: “Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa tôi phạm trong giai đoạn hiện nay”.

Trung tướng, T.S Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phát biểu về một số kinh nghiệm quốc tế phòng ngừa tội phạm và khuyến nghị với Việt Nam…

Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn các đại biểu đã có những ý kiến tâm huyết, đóng góp và trực tiếp phát biểu tại hội thảo; đồng thời khẳng định, đây là những ý kiến rất cần thiết, quan trọng giúp cho Ban tổ chức tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu Đảng, Nhà nước, Bộ Công an ban hành các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống tội phạm; góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Vũ Linh
.
.