Đậm tính nhân văn chương trình “Cùng em đến trường”

Chủ Nhật, 22/12/2019, 05:33
Thượng úy Phạm Hoàng Hồng Minh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết, trong năm 2019, tiếp tục chương trình “Cùng em đến trường”, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã nhận đỡ đầu 25 em học sinh, hỗ trợ mỗi em hằng tháng từ 300-500 nghìn đồng; tặng 50 bộ bàn ghế, 1.000 suất học bổng và quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.


 Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của tuổi trẻ CAND, nhằm giúp đỡ các em có thêm điều kiện để tiếp tục theo đuổi con đường học tập của mình. 

Ngoài ra, đơn vị còn hướng dẫn các tổ chức Đoàn cơ sở thực hiện các hoạt động hướng về cộng đồng, như Tình nguyện mùa Đông, Xuân tình nguyện, Tháng thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2019… với hơn 90 chương trình, hoạt động tình nguyện xã hội có tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Qua các hoạt động này đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh của người chiến sĩ CAND trong lòng dân.

Trung úy Lê Oanh Việt tặng quà, trao tiền hỗ trợ “Cùng em đến trường” cho em Đạt.

Cùng với Trung úy Lê Oanh Việt, Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Nam, đến nhà em Võ Trương Duy Đạt (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Trãi), ở xã Tam An, huyện Phú Ninh. Căn nhà cấp 4 của gia đình em Đạt đã xuống cấp, nằm sâu trong con hẻm nhỏ. 

Khi chúng tôi đến, cửa cổng được khóa kỹ, bên trong sân nhà có một người đàn ông ngồi thẫn thờ và thoáng hoảng sợ khi nhìn thấy người lạ. Lát sau, một cụ già chạy ra hỏi thăm và cho biết bà tên là Đinh Thị Cam (83 tuổi), là bà nội của Đạt. 

“Thằng ngồi trong sân kia là con tôi, cha của thằng Đạt. Hắn ngây ngây dại dại như đứa trẻ, không biết chi mô. Nhà lúc mô cũng đóng cổng lại, chứ không hắn bỏ đi lang thang không biết đâu mà tìm”. Nói rồi bà Cam mở cổng mời chúng tôi vào. 

Vừa rót chén nước mời khách, bà Cam chia sẻ với chúng tôi về hoàn cảnh bi đát của gia đình em Đạt, rằng Đạt là con út trong gia đình. Đạt có 2 người chị hiện là công nhân may và đều đã lập gia đình. Năm 2013, sau một vụ tai nạn giao thông bị chấn thương não bộ, cha Đạt là ông Võ Quang Nguyên đã gần như mất trí nhớ hoàn toàn. Tiếp đến năm 2016, sau cơn bạo bệnh, mẹ Đạt mất. Giờ đây căn nhà nhỏ là nơi sinh sống của bà Cam, Đạt và vợ chồng người chị lớn. 

Bà Cam ngậm ngùi: “Mẹ thằng Đạt mất khi nó mới được có 6 tuổi, còn nhỏ quá không nhớ nổi mặt mẹ. Hai người chị của thằng Đạt giờ đã có gia đình, nhưng kinh tế cũng không mấy khá giả nên tôi già cả cũng phải làm lụng chung cùng bữa rau, bữa cháo với gia đình”. 

Trò chuyện một lúc thì Đạt đi học về. Cậu bé có nước da ngăm đen, dáng người gầy như que củi. Thấy chúng tôi, Đạt lễ phép vòng tay chào. Hỏi chuyện mới hay, Đạt rất chăm học. Mấy năm liền em đều là học sinh giỏi của trường, của lớp. Trường của Đạt cách nhà gần 1km, song vì biết được hoàn cảnh khó khăn của Đạt nên lãnh đạo nhà trường đã tạo điều kiện để em học bán trú, hỗ trợ bữa trưa miễn phí tại trường. 

Thời lời Trung úy Lê Oanh Việt, tháng 11-2016, đơn vị có cuộc hành quân dã ngoại về xã Tam An và biết hoàn cảnh đáng thương của Đạt nên đến tìm hiểu và nhận giúp đỡ em thông qua chương trình “Cùng em đến trường”. Hằng tháng, Đạt được hỗ trợ 300 nghìn đồng để có thêm điều kiện để mua sắm dụng cụ học tập. 

“Chúng tôi nhận giúp đỡ Đạt đến nay đã hơn 3 năm rồi. Ngoài việc hỗ trợ tiền hằng tháng cho em, chúng tôi cũng thường cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên em trong quá trình học tập, tặng quà vào dịp Quốc tế thiếu nhi hay lễ, Tết. Chúng tôi rất mừng vì Đạt là một học sinh ngoan hiền, học giỏi. Ngoài Đạt thì hiện nay, thông qua chương trình “Cùng em đến trường”, Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát cơ động còn nhận giúp đỡ em Nguyễn Văn Vinh, học sinh lớp 10, trú tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc”, Trung úy Lê Oanh Việt chia sẻ.

Ngọc Thi
.
.
.