Kết luận thanh tra liên quan an ninh, quốc phòng phải báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp

Thứ Ba, 25/10/2022, 14:15

Đây là một trong những nội dung quy định tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) nhằm ràng buộc trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, kể cả với nội dung thanh tra liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ việc phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm.

Ngày 25/10, Quốc hội tiếp tục Kỳ họp thứ 4, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.

Sỹ quan CAND công tác ở đơn vị khác 5 năm trở lên được bổ nhiệm Thanh tra viên

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, để tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước (QLNN), dự thảo luật đã bỏ quy định tại khoản 2 Điều 43, khoản 1 Điều 51 của luật hiện hành về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra của thủ trưởng cơ quan QLNN.

Kết luận thanh tra liên quan an ninh, quốc phòng phải báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã tiếp tục chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo luật để quy định rõ hơn trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan QLNN trong tổ chức hoạt động thanh tra và khẳng định rõ, thủ trưởng cơ quan QLNN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình liên quan đến hoạt động thanh tra (khoản 3 Điều 6); quy định rõ và tăng cường trách nhiệm chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra cũng như đối với người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra tại các điều khoản có liên quan trong dự thảo luật.

Đồng thời, bổ sung quy định "Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp"; quy định rõ chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan QLNN cùng cấp phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo (khoản 1 Điều 76 của dự thảo luật).

Kết luận thanh tra liên quan an ninh, quốc phòng phải báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp -0
Toàn cảnh hội trường.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên (Điều 37), UBTVQH cho rằng, quy định tiêu chuẩn Thanh tra viên phải có ít nhất 2 năm làm công tác thanh tra là quy định của Luật Thanh tra hiện hành, quá trình thực hiện cho thấy phù hợp; do đó, đề nghị Quốc hội cho kế thừa trong dự thảo luật. Về các đối tượng khác, tiếp thu ý kiến của đại biểu, xin được chỉnh lý lại khoản này để làm rõ cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan QĐND, sỹ quan CAND công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác từ 5 năm trở lên thì cũng được bổ nhiệm làm Thanh tra viên.

Chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra khi có dấu hiệu tội phạm

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, quy định như tại điểm p, khoản 1, Điều 78 về việc người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang Cơ quan điều tra (CQĐT) khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm còn có hạn chế. Đó là, không thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng, vì cả hai văn bản luật này đều quy định phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang CQĐT là trách nhiệm chứ không phải là nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra.

Kết luận thanh tra liên quan an ninh, quốc phòng phải báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp -0
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà thảo luận tại hội trường.

Bên cạnh đó, không bảo đảm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phòng, chống tội phạm nói chung và các tội phạm tham nhũng nói riêng, đó là xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản...

"Không thể hiện thái độ kiên quyết, mạnh mẽ của Quốc hội và mệnh lệnh rõ ràng, dứt khoát của nhân dân đối với trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như trong xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra", đại biểu phân tích. Cùng với đó, không đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm về tham nhũng trong tình trạng hiện nay...

Kết luận thanh tra liên quan an ninh, quốc phòng phải báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp -0
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân thảo luận tại hội trường.

Với những hạn chế nêu trên, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị bổ sung từ "trách nhiệm" vào sau từ "quyền hạn" trong tên Điều 78 và mũ của khoản 1, Điều 78. Đồng thời, bổ sung từ "phải" và từ "ngay" vào Điểm p, khoản 1, Điều 78 của dự thảo luật thành "phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật, hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang CQĐT"; bổ sung một cách hợp lý các từ "phải" và "ngay" nêu trên trong một số điều khác cho phù hợp...

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, quy định như điểm p, khoản 1, Điều 78 là chưa đồng bộ và đầy đủ, vì tại khoản 3, Điều 66 quy định "Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra chuyển hồ sơ cho CQĐT có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp biết".

Do đó, cần phải quy định theo hướng, sau khi kết thúc thanh tra, kết luận thanh tra phải được gửi đến CQĐT và VKSND. Nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho CQĐT và thông báo cho VKSND cùng cấp biết để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.

Quỳnh Vinh
.
.
.