Truy quét “vàng tặc” vùng giáp ranh

Thứ Tư, 13/12/2023, 09:32

Cuối năm, khi lớp sương đêm vẫn còn ngự trị đặc quánh mặt đất, Đại úy Trần Hồng Đăng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ Công an huyện Đức Trọng và đồng đội đã rẽ hơi lạnh, rời trung tâm huyện lên đường phối hợp với Công an xã Đạ Quyn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng tiến hành truy quét “vàng tặc” tại khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh là Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Từ đầu năm 2023 tới nay, Công an huyện Đức Trọng đã tổ chức 16 đợt truy quét “vàng tặc”, thu giữ 29 thiết bị máy móc các loại, trong đó có cả máy múc, ôtô, chuyên phục vụ cho việc khai thác, chiết tách quặng vàng. Lực lượng Công an cũng đã băng rừng, truy tìm, phát hiện, đánh sập hoàn toàn 23 hầm hố len lỏi trong nhiều cánh rừng và vùng sản xuất nông nghiệp do các đối tượng tạo ra để khai thác quặng vàng nằm sâu hàng chục mét dưới lòng đất. Nhiều lều bạt, dụng cụ đào bới, hóa chất liên quan cũng đã bị lực lượng chức năng phát hiện, tiêu hủy tại chỗ.

Truy quét “vàng tặc” vùng giáp ranh -0
Truy quét “vàng tặc” vùng giáp ranh -0
Lực lượng Công an huyện Đức Trọng tiêu hủy tang vật vụ khai thác quặng vàng trái pháp luật tại vùng giáp ranh.

“Với chúng tôi, truy quét các đối tượng khai thác quặng vàng trái pháp luật trong rừng sâu, nơi có địa hình hiểm trở ở khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh nhiều năm qua thực sự đã trở thành cuộc chiến rất gian nan, dai dẳng nhưng không khoan nhượng!..”, Thượng tá Lê Thái, Trưởng Công an huyện Đức Trọng cho biết.

Mỗi lần ra quân truy quét, CBCS Công an tiền trạm buộc phải “nằm vùng”, nắm rõ vị trí và quy luật hoạt động của các đối tượng, vô hiệu hóa các “tay chân” của “vàng tặc” được cài cắm khắp nơi, đảm bảo cho đợt ra quân truy quét được bí mật, hiệu quả.

“Gian khổ nhất vẫn là mùa mưa, đường mòn lối mở trong rừng lầy lội, trơn trượt, việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Anh em trong tổ công tác còn phải đối mặt với vắt rừng, muỗi đói, giá lạnh!..”, Đại úy Bùi Văn Tiệp, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ Công an huyện Đức Trọng chia sẻ. Khó khăn, gian khổ nhưng Công an huyện Đức Trọng vẫn đều đặn, kiên trì băng rừng, vượt núi, truy quét các đối tượng khai thác khoáng sản trái pháp luật, đồng thời mời gọi, răn đe những đối tượng đang có ý định vào rừng khai thác quặng vàng dưới hình thức nhỏ lẻ để bán lại cho đầu nậu.  

Khi bị lực lượng chức năng phía Lâm Đồng truy quét, các đối tượng lập tức tháo chạy sang địa phận tỉnh Ninh Thuận hoặc Bình Thuận và ngược lại. UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và UBND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã có văn bản tăng cường phối hợp, tuần tra, xử lý chung nạn khai thác quặng vàng ở vùng giáp ranh giữa các địa phương.

Trong năm qua, Công an huyện Đức Trọng đã phát hiện, xử lý có hiệu quả nhiều trường hợp khai thác, chế biến quặng vàng trái pháp luật tại các xã vùng Loan (gồm xã Tà Hine, Ninh Loan, Đạ Quyn, Đà Loan và Tà Năng).

Điển hình là vụ phát hiện 6 máy xay đá, 2 máy đập đá, 1 máy sàng cùng 12,5m3 đất đá (được cho là có lẫn quặng vàng) tại một bãi tập kết ở thôn Ma Bó, xã Đạ Quyn. Công an huyện Đức Trọng xác định toàn bộ tang vật trên là của ông Lô Gia Toàn (SN 1981, ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng). Người này đã thuê một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương khai thác, đem về địa điểm trên tập kết với mục đích nghiền nhỏ số đất đá đã khai thác sau đó cho lên máy để sàng đãi, tuyển lựa kim loại vàng.

Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ Công an huyện Đức Trọng đã lập hồ sơ, chuyển cấp có thẩm quyền xử lý đối với Lô Gia Toàn về hành vi khai thác khoáng sản là vàng mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Vàng tặc” tại vùng giáp ranh giữa huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), Ninh Sơn (Ninh Thuận) và huyện Bắc Bình (Bình Thuận) thường chia thành nhóm nhỏ, tổ chức khai thác quặng vàng vào ban đêm và vận chuyển tang vật rời khỏi hiện trường khi trời vừa sáng. Các nhóm thường liên kết với nhau, cắt cử người canh gác tại nhiều đường mòn, lối mở hoặc những nơi có thể di chuyển được vào rừng để thám thính. Khi phát hiện có sự xuất hiện của lực lượng chức năng hoặc chỉ là người lạ, cảnh báo lập tức được phát ra, “vàng tặc” nhanh chóng tổ chức di chuyển, cất giấu thiết bị máy móc trong rừng và trốn khỏi hiện trường.

Theo Thượng tá Lê Thái, Trưởng Công an huyện Đức Trọng, để đấu tranh với hành vi khai thác khoáng sản trái phép có hiệu quả ở vùng giáp ranh 3 tỉnh, ngoài triển khai đồng bộ công tác nghiệp vụ với quyết tâm cao, Công an huyện Đức Trọng còn thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin với Công an huyện Ninh Sơn và Công an huyện Bắc Bình về hoạt động của các nhóm chuyên tổ chức khai thác quặng vàng để kịp thời phối hợp, xử lý các đối tượng vi phạm.

Khắc Lịch
.
.
.