Loại bỏ ung thư bằng chính tế bào của bệnh nhân

Thứ Năm, 14/06/2018, 16:22
Để điều trị cho từng bệnh nhân, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Steven Rosenberg, Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã giải trình tự bộ gen các khối u của họ để tìm ra được những đột biến gây bệnh.

Sau đó, họ thử nghiệm các tế bào miễn dịch được rút ra từ chính cơ thể bệnh nhân ung thư, nhằm xác định những tế bào nào có khả năng nhận diện được đột biến ung thư. Những tế bào miễn dịch này được nuôi rồi nhân lên thành hàng tỷ tế bào trong phòng thí nghiệm. Cuối cùng, chúng được truyền lại vào máu cho bệnh nhân.

Liệu pháp nuôi tế bào miễn dịch

Một người phụ nữ sống ở bang Florida Hoa Kỳ mắc ung thư vú tiến triển được coi là không thể chữa được. Nhưng sau 2 năm rưỡi sử dụng một liệu pháp miễn dịch, cô ấy vẫn sống khỏe mạnh, trong khi căn bệnh ung thư gần như được "chữa khỏi".

Trước đó, 2 ca bệnh tương tự cũng được báo cáo: một bệnh nhân ung thư gan và một bệnh nhân ung thư đại tràng tiến triển cũng thuyên giảm sau khi sử dụng liệu pháp miễn dịch. Cả 3 bệnh nhân này đều được điều trị bởi cùng một nhóm nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, dưới sự dẫn dắt của bác sĩ Steven Rosenberg, một nhà tiên phong về liệu pháp miễn dịch.

Bệnh nhân Judy Perkins (bên phải).

Bác sĩ Rosenberg nhấn mạnh rằng cách tiếp cận này được gọi là liệu pháp nuôi tế bào miễn dịch, mới đang trong giai đoạn thử nghiệm. Một số bệnh nhân khác được điều trị theo cùng cách này đã không đáp ứng và có những bệnh nhân đã chết. 

Tuy nhiên, ông cho biết 3 ca bệnh đáp ứng điều trị cho thấy phương pháp này có tiềm năng để nhắm mục tiêu đến một loạt các khối u rắn, bên trong các cơ quan nội tạng bao gồm dạ dày, thực quản và buồng trứng. 

Cách tiếp cận này dựa vào những đột biến, thay vì chỉ trên loại bệnh ung thư, bác sĩ Rosenberg nói: "Những đột biến gây ung thư sẽ là gót chân Achilles của chúng".

Báo cáo ca bệnh ung thư vú được công bố mới đây trên tạp chí Nature Medicine. Các trường hợp còn lại đã được công bố trước đó vào năm 2014 và 2016, cũng trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu. 

Trường hợp mới nhất là của bệnh nhân có tên Judy Perkins, một kỹ sư 52 tuổi sống ở Port St. Lucie, Florida. Cô này được chẩn đoán mắc ung thư vú từ năm 2003 và đã phẫu thuật cắt bỏ vú ngay sau đó.

Thế nhưng ung thư vẫn tồn tại và 10 năm sau đã di căn lan sang các phần khác của cơ thể. Perkins tiếp tục trải qua nhiều phương pháp điều trị, nhưng tất cả đều thất bại. 

Năm 2015, sau cuộc gặp gỡ tình cờ với một nhà khoa học hàng đầu tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, cô đồng ý tham gia thử nghiệm liệu pháp miễn dịch.

"Đội quân TIL"

Một trong những khối u của cô, đã từng được cắt bỏ bằng phẫu thuật, có tới 62 đột biến khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã trích xuất tế bào miễn dịch khỏi khối u ác tính đó - các tế bào gọi là tế bào lympho thâm nhập khối u (TIL). 

Họ tìm thấy một số tế bào có thể nhắm mục tiêu vào 4 đột biến của Perkins. Sau đó, TIL được nuôi và nhân bản thành hàng chục tỷ tế bào. Perkins được hóa trị, sau đó truyền trở lại các tế bào miễn dịch của cô. Năm tháng sau, các xét nghiệm cho thấy ung thư đã biến mất và không tái phát kể từ đó tới nay. "Đó là nhờ đội quân TIL của tôi", cô nói. 

Mặc dù vậy, kết quả thí nghiệm ở một, hoặc thậm chí một số lượng nhỏ bệnh nhân, không chứng minh rằng việc điều trị sẽ có hiệu quả ở những bệnh nhân khác.

Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Rosenberg đã điều trị hơn 40 bệnh nhân với các khối u rắn thông thường trong 4 năm qua, bằng cách sử dụng liệu pháp TIL cá nhân hóa với từng người. 

Hầu hết bệnh nhân bước vào thử nghiệm với tiên lượng rất hạn chế, và khoảng 15% đã đáp ứng điều trị. Nhưng những phản ứng này rất khác nhau, Stephanie Goff, một bác sĩ lâm sàng trong nhóm cho biết. Perkins là một bệnh nhân "đáp ứng hoàn toàn" nên không cần điều trị thêm, cô ấy là ngoại lệ. 

Các nhà nghiên cứu đang "cố gắng tìm cách" để cũng đạt được kết quả đó trên tất cả các bệnh nhân, Goff nói. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, chỉ 3 ca bệnh ung thư hồi phục được báo cáo đã là một tiến bộ quan trọng.

Celine Ryan (trái) và bác sĩ Rosenberg.

Trong khi liệu pháp miễn dịch đã mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư máu, phổi và một số khối u ác tính khác với số đột biến lớn, nó thường không có hiệu quả chống lại ung thư bắt đầu trong các cơ quan - gọi là ung thư biểu mô - với ít đột biến hơn.

Các nhà khoa học khác hoan nghênh kết quả điều trị này nhưng cũng khá thận trọng. Carl June, một chuyên gia về liệu pháp miễn dịch tại Đại học Pennsylvania, cho biết sự đáp ứng của bệnh nhân ung thư vú đối với tế bào TIL rất đáng chú ý.

Nguyễn Minh
.
.
.