Tản mạn về hai cột mốc số 0

Thứ Ba, 05/02/2019, 22:30
Mốc số 0 của Việt Nam nằm ở cực Tây Bắc Tổ quốc, trên đỉnh Khoan La San, tại bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.


Tôi đã đến mốc số 0 ở A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; mốc số 0 ở cửa khẩu Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum và mốc số 0 ở ngã ba biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar ở bản Mom, huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo, nước Lào. Trong 3 cột mốc này thì có 2 cột mốc để lại ấn tượng sâu đậm nhất với tôi, đó là cột mốc số 0 ở ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào và mốc số 0 ở ngã ba biên giới Lào - Thái - Myanmar.

Mốc số 0 của Việt Nam nằm ở cực Tây Bắc Tổ quốc, trên đỉnh Khoan La San, tại bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Tháng 3-1984, tôi đã lên mốc số 0 và ngày ấy, trong tình trạng biên giới hai nước còn đang cực kỳ căng thẳng. Vì thế, Đồn Biên phòng A Pa Chải đã phải lùi về tuyến 2, nghĩa là cách mốc số 0 khoảng 15km, tuy nhiên, nếu theo đường chim bay thì chỉ khoảng 5km.

Tác giả tại mốc số 0 ở ngã ba biên giới Lào - Thái - Myanmar.

Đại úy Tô Minh Điến - Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải, cùng hơn một chục anh em biên phòng dẫn tôi lên một điểm chốt, cách mốc số 0 khoảng hơn 1km. Từ đây nhìn sang đỉnh núi có cột mốc 0, chỉ thấy một đỉnh núi ngập trong sương mù. Đồn trưởng Tô Minh Điến bảo rằng: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần lên kiểm tra mốc số 0 và trên đó chỉ có một tảng đá, cũng chẳng khắc tọa độ, và từ xưa đến nay, đều nói đó là mốc số 0”.

Anh Điến bảo đường lên mốc số 0 cực kỳ hiểm trở, phải leo qua những con dốc dựng đứng. Dốc đứng đến nỗi, người sau tưởng như chạm gót giày vào người trước. Sau lần đi đó, trong đầu tôi cứ ám ảnh bởi mốc số 0 và ước mơ có một ngày được lên cột mốc ấy. Rồi thời gian trôi đi, mãi đến tận sau này mới biết đã mở đường lên mốc số 0, nhưng cũng mới chỉ là đường ô tô đi được từ Đồn A Pa Chải lên đến chân mốc; còn từ đấy, muốn leo lên đến nơi có mốc số 0 thì còn khoảng 7km “cuốc bộ” nữa, mà đó lại là đoạn đường hiểm trở nhất.

Đường biên giới quốc gia bao giờ cũng là địa chỉ thiêng liêng với tất cả con dân, và hầu như ai cũng mong trong đời được có lần đến đường biên, chạm tay vào cột mốc chủ quyền… Và ở Việt Nam, hầu hết cột mốc biên giới Việt - Trung; Việt - Lào, đều nằm ở những vị trí “ thâm sơn cùng cốc”… Đến được cột mốc có số đã khó, còn như đến được mốc 0 thì đúng là “thiên nan, vạn nan”.

Năm 2015, trong một chuyến đi làm công tác từ thiện của báo Năng lượng Mới, được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng và anh em dân quân xã Sín Thầu, chúng tôi quyết tâm đi lên mốc số 0. Từ dưới lưng chừng dốc leo lên, gần như chúng tôi phải bò ngược lên dốc, tôi đã đi miền núi nhiều, nhưng chưa thấy có chỗ dốc nào hiểm hóc như dốc lên mốc số 0. Đường mòn len lỏi trong rừng già và bị cỏ cây phủ kín. Anh em biên phòng phải đi trước để mở đường, còn chúng tôi bám theo sau, có những chỗ phải bám theo dây bò ngược lên. Và đến lúc này mới thấy, đối với mình, tuổi tác là cả một gánh nặng, mọi người cứ đi phăm phăm, nhưng tôi thì có đoạn phải có người dìu. Người dìu tôi đi là cháu Pờ Chinh Lan - con gái của ông Pờ Sì Tài và anh Pờ Dần Sinh - em trai ông Tài.

Nói thêm một chút về ông Pờ Sì Tài và dòng họ Pờ ở vùng ngã ba biên giới này, đó là dòng họ danh giá và tiếng tăm nhất. Đặc biệt, dòng họ Pờ mà đứng đầu là ông Pờ Sì Tài đã có công rất lớn trong việc giữ gìn bình yên cho mảnh đất ngã ba biên giới, nhất là trong những năm chống Mỹ và những năm chiến tranh biên giới phía Bắc. Không những thế, dòng họ Pờ còn đi đầu trong việc vận động người dân không sử dụng ma túy, bảo vệ rừng và chống di cư trái phép. Ông Pờ Sì Tài mấy chục năm nay coi tôi như em trai, việc lớn việc bé trong dòng họ, ông đều bảo tôi.

Chặng đường lên mốc 0 chỉ khoảng 7km mà sao thấy dài đến thế! Phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới lên đến đỉnh dốc. Mốc số 0  bây giờ đã được xây dựng cẩn thận, phía đường lên ở bên Trung Quốc có xây bậc hẳn hoi, làm lan can tử tế, còn phía bên Lào thì không có đường lên. Cột mốc làm bằng đá hoa cương, được đặt trên một bệ xi măng hình lục lăng. Cột mốc là một khối trụ 3 cạnh có khắc chữ Lào, chữ Việt và chữ Trung Quốc. Đứng ở trên cột mốc, thì thấy tất cả những ngọn núi khác đều thấp hơn và nhìn xa tít có thể thấy được cột mốc số 3, thấy được cửa khẩu A Pa Chải.

Cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23'53"N 102°8'51"E, nằm trên đỉnh núi Khoan La San có độ cao gần 1.894 mét.

Cột mốc là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cột mốc được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào ngày 27-6-2005, được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2m có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia.

Tác giả tại Mốc số 0 của Việt Nam nằm ở cực Tây Bắc Tổ quốc.

Khi chạm tay vào cột mốc, tự nhiên, một cảm giác thiêng liêng đến khó tả bao trùm tất cả chúng tôi. Và mọi người chỉ ước ao được… ngủ lại một đêm trên đỉnh núi này.

Năm sau, tôi lại lên mốc số 0 một lần nữa cùng với các nhà báo Xuân Ba, Hải Đường, Hoàng Hữu Lượng... Nhưng lần này thì không phải leo dốc ngược như vậy mà anh em Đồn biên phòng đã dùng xe máy chở chúng tôi lên cách chân mốc chỉ khoảng hơn 1km. 

Hôm ấy trời mưa lăn phăn, đường trơn như đổ mỡ, ngồi sau xe máy của anh cán bộ Công an tỉnh đi lên mốc số 0 mà tôi cứ dựng hết tóc gáy vì chặng đường quá nguy hiểm. Và thế là tôi gọi điện về yêu cầu mọi người không được lên mốc số 0 nữa vì không an toàn. Nhưng lời khuyên của tôi chẳng có giá trị gì đối với anh Xuân Ba, anh Lượng, anh Đường… 

Hình như với mọi người, khi lên mốc số 0 ai cũng đều có một tâm lý là phải vượt bằng được chặng đường nguy hiểm đó và đó cũng là dịp để chiến thắng chính mình. Thế rồi mọi người cũng lên tới nơi, và ngạc nhiên hơn nữa là hôm ấy, có một cặp vợ chồng trẻ, đã leo bằng được lên mốc số 0 để chụp ảnh.

Bây giờ mốc số 0 đường lên đã được sửa lại đẹp đẽ và đánh bậc thang với 600 bậc tất cả. Nhưng cũng phải là người có sức khỏe mới vượt qua 600 bậc thang này, bởi độ dốc là khoảng hơn 60°. Leo bậc thang mệt hơn leo dốc rất nhiều, bởi lẽ, khi leo dốc, ta có thể đi bước ngắn, nhưng bậc thang thì đã có cữ, mà thường là bậc cao hơn 30cm, cho nên có khi chỉ leo được 20 bậc là đã thở dốc…

Vào mùa khô, không mấy ngày không có người lên mốc số 0 tham quan; thậm chí bây giờ có những cặp trai gái cưới nhau cũng lên mốc số 0 để chụp ảnh. Hi vọng rằng một vài năm tới, bản A Pa Chải và cột mốc số 0 sẽ trở thành một điểm du lịch đáng chú ý của tỉnh Điện Biên.

2Còn với mốc số 0 ở ngã ba biên giới Lào - Thái - Myanmar, đây là một cột mốc danh tiếng bởi nằm ngay ở góc ngã ba sông và nằm đối diện với doi cát giữa sông Mê Kông - được gọi là mảnh đất Tam giác vàng. Từ xưa, người ta cứ gọi cột mốc này là cột mốc Tam giác vàng; thực ra, đây là cách nói không đúng, bởi lẽ mảnh đất Tam giác vàng và khu Tam giác vàng là hai khái niệm khác nhau.

Mảnh đất Tam giác vàng chỉ là một bãi cát có hình mũi thanh long đao, nằm ngay giữa sông Mê Kông mà mũi nhọn của nó hướng về phía Lào. Mảnh đất Tam giác vàng này chỉ rộng chừng 1ha, mùa khô thì nước ngập, mùa cạn lại nổi lên và bà con Myanmar tận dụng trồng lạc, ngô.

Muốn sang mảnh đất Tam giác vàng thì từ bên Lào phải sang Thái Lan rồi thuê xuồng máy đi sang. Ở bên Thái Lan có một quả đồi trông xuống Tam giác vàng và người ta đã tận dụng quả đồi này biến thành một điểm du lịch và gọi là đồi Tam giác vàng. Còn khu Tam giác vàng thì lại là một khu vực rộng lớn bao gồm  tỉnh Chiang Rai của Thái Lan; tỉnh Tachilek của Myanmar và một phần tỉnh Bokeo của Lào. Khu vực Tam giác vàng này có diện tích rộng bằng gần một nửa miền Bắc Việt Nam và trong suốt nhiều năm, đây là trung tâm sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới.

Năm 2009, tôi đã vào thủ phủ của khu Tam giác vàng ở biên giới Thái Lan - Myanmar. Nhờ sự giúp đỡ của Bộ Công an Việt Nam, Bộ An ninh quốc gia Lào, tôi đã vào được đến khu nhà của Khun Sa - ông vua vùng Tam giác vàng. Vào đến đây mới thấy rằng, báo chí bấy lâu nay thêu dệt nên một ông vua ma túy mang nhiều màu sắc huyền thoại. 

Đã có tờ báo viết rằng dinh thự của ông vua ma túy này xây dựng như một lâu đài và mang phong cách kiến trúc của tòa Nhà Trắng (Mỹ); rồi trong khu dinh thự rộng hàng chục ha có vườn thú, có bể bơi, có cả sòng bạc... Nhưng khi tôi đến thì mới thấy rằng, đó chỉ là những căn nhà cấp 4 lợp tôn, thấp lụp xụp mà giờ đã được Chính phủ Thái Lan tôn tạo thành khu di tích cho khách du lịch đến tham quan. 

Nhưng không phải nhiều khách du lịch đã dám bén mảng đến đây, bởi đường vào là đường độc đạo, xung quanh khu vực này đều là con cháu họ hàng, đệ tử của Khun Sa. Những người này vẫn thờ phụng Khun Sa và trong thâm tâm họ rất biết ơn Khun Sa; bởi với cư dân quanh vùng, Khun Sa biết lo cho mọi người

Như vậy, cột mốc ngã ba biên giới Lào - Thái - Myanmar nổi tiếng chính là nhờ tên tuổi của khu Tam giác vàng và mảnh đất Tam giác vàng. Khi chúng tôi đến, khu vực quanh mốc số 0 ở đây đang được Trung Quốc xây dựng thành một khu phức hợp gồm casino, nghỉ dưỡng và giải trí quy mô cực lớn. 

Đi từ đầu đến cuối khu, ô tô chạy mất gần nửa tiếng và ở đây chỉ thấy công nhân người Trung Quốc lao động. Cũng phải rất vất vả, anh em Công an huyện Tonpheung mới tìm thấy được cột mốc số 0 nằm sát bờ sông Mê Kông và anh em phải rất vất vả mới tới được cột mốc có cạnh đáy rộng 1m, ở giữa cắm một cọc sắt và 2 mặt có khắc tọa độ của cột mốc, nhưng chỉ có tiếng Lào. Tất cả chỉ có vậy.

Xuân về, có chút tản mạn về mốc số 0 là thế!

Nguyễn Như Phong
.
.
.