Ước mơ một cây cầu trên dòng sông Sêrêpôk

Thứ Tư, 08/07/2020, 10:03
Ðêm, chìm trong tiếng nước trầm đục, tan trong hơi thở tĩnh lặng của núi rừng, chiếc xuồng bé nhỏ của ông Vinh vẫn miệt mài khua mái, lùng sục từng hốc đá, bới móc từng đụn cây dưới lòng con sông hung dữ tìm kiếm người xấu số.

Nhảy đá vượt sông

62 tuổi, tay đã mỏi, chân đã run nhưng mỗi ngày ông Lê Văn Quý vẫn gồng gánh đủ thứ đồ nghề nhảy đá vượt sông Sêrêpôk từ huyện Cư Jút (Đắk Nông) đi làm rẫy cà phê bên huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Với ông Quý, dòng sông này đã gắn bó với ông trên nửa đời người, nó lắm thác nhiều ghềnh và vô cùng dữ tợn nhưng chưa bao giờ ông sợ nó, đơn giản bởi vì nó đã quá thân thuộc.

Những năm 80 của thế kỷ trước, ông Quý rời quê hương Nam Định vào Tây Nguyên làm kinh tế. Sức trẻ hừng hực, ông cần cù chịu khó khai khẩn đất hoang trồng cà phê, hoa màu. Từ những vùng đất hoang tàn cỏ dại, lau sậy, những khu đồi lởm chởm đá ong, đá voi, chỉ vài năm sau được phủ một màu xanh thắm của cà phê, đậu, bắp...

Vợ chồng ông Quý gắn cuộc đời bên nương rẫy, vợ mang bầu đứa nào là sang bên này sông (huyện Cư Jút) để sinh nở. Cứ thế, 4 đứa con của ông lớn lên qua hai bờ sông cách trở. Chúng quen thuộc và thành thạo việc đu dây, nhảy đá từ nhỏ.

Cậu con trai lớn lập gia đình riêng, được ông Quý chia cho 2 ha đất cũng lập lán trại, chăn nuôi và dành phần lớn thời gian ở rẫy. Anh để vợ và con nhỏ ở nhà, một tuần anh đu dây về thăm một lần. Vào mùa cà phê, có khi cả tháng anh không về.

Một trong các cách vượt sông là đu cáp treo.

Con trai thứ 2 của ông Quý không thích làm rẫy vì sợ nước, sợ đu dây. Ông Quý bán số đất cấp vốn cho cậu mở tiệm sửa điện thoại ở thị trấn Ea TLinh (Cư Jút, Đắk Nông). Còn hai cô con gái chưa chồng, nhưng chẳng chịu làm rẫy, chỉ thích làm công nhân ở thành phố. 

Ông Quý buồn và thương con đến quặn lòng. "Mang tiếng nhiều đất đai mà con cái phải đi làm thuê, ở trọ vất vả khổ cực. Nhưng chúng là phận gái, cũng không thể ngày nào cũng đu dây vượt thác đi làm nương rẫy, cuộc đời rồi sẽ về đâu", ông Quý trải lòng.

Nhung, con gái út của ông Quý nếu không bị chết hụt năm lên 10 tuổi có lẽ đã không bỏ nhà đi thành phố làm công nhân. Năm đó, Nhung theo anh trai nhảy đá sang rẫy. Vì trời mưa rất to vào hôm trước nên các vách đá trở nên trơn trượt. 

Người lớn nhảy quen và sải chân rộng thì không sao, trẻ em như cô bé Nhung chân vừa ngắn, yếu lại không có kinh nghiệm nhảy nên đã bị trượt đập đầu vào mỏm đá. Từ phía sau, anh trai Nhung phản xạ nhanh đã nhảy chồm lên giữ lấy em để khỏi rớt xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy xiết. Nhung bị rách một vệt dài trên trán, máu chảy rất nhiều, cô bé khóc ngất. Anh trai cõng em chạy về nhà được mẹ đưa ra trạm y tế sơ cứu kịp thời. 

Sau đận đó, Nhung không bao giờ dám nhảy đá nữa. Mỗi lần Nhung muốn sang thăm rẫy, phải có người lớn chở xe máy đi theo đường Cầu 14, xa gấp 10 lần đi tắt đường sông.

Nhảy đá hoặc đu dây chỉ mất khoảng 5 phút là sang tới bên này bờ, nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi ấy được ví như "tử thần" có thể "nuốt chửng" bất cứ ai, chỉ trong tích tắc. 

Ông Quý cho biết, trường hợp của con gái ông nếu chẳng may bị rơi xuống nước sẽ lập tức bị dòng xoáy cuốn đi. Nước ở Sêrêpôk từ xưa đến nay là hung dữ và khó lường, người biết bơi khỏe mạnh còn khó chống cự được huống hồ là một đứa trẻ.

Nhiều năm qua, đã có không ít trường hợp chết thương tâm do lật xuồng hoặc rớt nước. Ông Quý còn nhớ như in một buổi chiều chạng vạng ánh hoàng hôn vào giữa ngày Tết Trung thu của năm 2005. 

Hôm ấy, ông đang từ bên này sông chuẩn bị về nhà. Đứng trên bờ, ông thấy rõ chiếc xuồng nhỏ của hai mẹ con chị Lê Thị T. đang khua mái chèo. Chỉ còn cách bờ khoảng 30m, chiếc xuồng húc vào mỏm đá khiến tay chèo của chị T. loạng choạng. Vừa lúc đó, một cơn gió thốc mạnh đẩy chiếc xuồng đi chệch hướng bờ. Chị T. cố gắng chèo, đứa con nhỏ hoảng sợ bám chặt vào mẹ khóc càng làm chị thêm rối ren. 

Ở trên bờ, ông Quý linh cảm có chuyện chẳng lành, ông vứt hết đồ đạc trên người nhảy đá lao ra chiếc xuồng đang chấp chới. Khi chỉ còn chục bước chân, chiếc xuồng bị dòng xoáy cuốn vào lật úp. Chị T. chỉ kịp ú ớ vài tiếng, đứa trẻ thì bị hất văng xuống nước. Ông Quý nhảy ra lấy hết sức lực chụp lấy tay bé kéo vào lòng, vì quá đuối sức nên ông không thể bơi tới chỗ người mẹ.

Em bé trên tay ông lúc này đã ngất lịm, ông phải nhanh chóng đưa vào bờ sơ cứu. Ông cố gắng gào thét thật to xem có ai xung quanh nhờ cứu giúp, nhưng vào thời khắc quyết định lại chẳng có một bóng người. Vậy là "hà bá" đã nuốt mất người mẹ. 3 ngày sau, người ta tìm thấy xác của chị T. dưới chân Cầu 14, cách vị trí gặp nạn khoảng 3km.

Cứu sống được đứa trẻ nhưng trong lòng ông Quý mang nỗi buồn thăm thẳm. Cho đến bây giờ, ông vẫn day rứt, tiếc nuối và tự trách bản thân vì đã không thể làm gì để cứu người mẹ khỏi lưỡi hái tử thần. Hình ảnh chị T. tuyệt vọng giơ tay cầu cứu, luôn hiện về mỗi khi ông Quý đi qua dòng sông này.

Những dãy đá nhấp nhô, lởm chởm là con đường đi của dân lao động hai bờ.

Mong nhịp cầu nối hai bờ sông

Để qua bên kia sông có 3 cách, nhảy đá, đi thuyền và đu cáp treo. Ông Quý cho biết, đu cáp treo là nguy hiểm và phiêu lưu hơn cả vì dây cáp có thể đứt bất thình lình. Một khi nó đứt thì chuyện xấu nhất có thể xảy ra, khó mà tránh khỏi. Vì vậy, chính quyền địa phương khuyến cáo bà con không nên đi "cáp treo". Vài năm nay, tuyến đường "trên không" ấy chỉ có vài người "khỏe tim" mới dám sử dụng. Còn lại, đa phần chọn phương án nhảy đá và chèo thuyền.

Sêrêpôk đoạn qua thác Trinh Nữ có những tảng đá lởm chởm, đủ kích cỡ, hình dáng nằm rải rác giữa lòng sông. Người dân sẽ nhảy từ hòn này sang hòn kia để qua bờ và chỉ mất 5 phút với người đã quen thuộc. Cách phụ nữ, trẻ em chân yếu sẽ chọn chèo thuyền vừa nhẹ nhàng lại chở được nhiều đồ đạc.

Buổi sáng trời trong gió mát, hai anh em Văn Bền (21 tuổi) và Thanh Tú (15 tuổi) nhận lệnh từ cha mang gạo và đồ ăn qua rẫy. Bền nhiệt tình mời gọi chúng tôi đi cùng cho biết cảm giác vượt sông Sêrêpôk là như thế nào. Thấy chúng tôi do dự, Bền trấn an: "Mùa này nước nhiều, buổi sáng dòng chảy êm lắm nên không sao đâu". Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã không dám đi, vì sợ hãi. 

Trên chiếc thuyền độc mộc xám ngắt màu rêu, Bền thoăn thoắt dậm mái chèo luồn qua những gờ đá nhan nhản, nhọn hoắm đưa chiếc thuyền vào đúng luồng nước. Thuyền khuất xa tầm mắt của chúng tôi, nhỏ bé tựa lá tre bồng bềnh, chấp chới giữa mảng màu xanh thắm của dòng sông. Chỉ tầm 10 phút, hai anh em Bền đã cập bến an toàn.

Bao nhiêu năm qua, cuộc sống đôi bờ Sêrêpôk cứ lặng lẽ trôi đi, theo cách tự nhiên của nó, con đường vượt sông thì luôn rình rập rủi ro, bất trắc nhưng không ngăn nổi những phận người cả đời cày sâu cuốc bẫm trên vạt cà phê. Dòng sông năm nào cũng "ngoạm" người, tang thương cứ lặn theo dòng nước, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, con người vẫn phải đánh đu với tử thần.

Ông Vinh đã có gần 30 năm vớt xác trên sông Sêrêpôk.

Ông Nghiêm Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút chia sẻ: "Nhu cầu học tập, lao động, giao thương của người dân rất lớn. Mặc dù địa phương đã tuyên truyền, giải thích và khuyến cáo về sự nguy hiểm nhưng ở khu vực thác Trinh nữ vào mùa khô, khi nước cạn thì người dân vẫn qua sông bằng những cách rất nguy hiểm như nhảy đá, bơi xuồng, đu cáp tự chế... Việc có cây cầu qua sông thật sự là nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương".

Trần Ngọc Vinh là cái tên được dân đôi bờ Sêrêpôk nhắc đến nhiều nhất vì ông là người chuyên tìm và vớt xác miễn phí ở khu vực này. Nhà ông Vinh nằm bên bờ sông Sêrêpốk, sát khu du lịch thác Trinh Nữ. 

Tên thác gắn liền với truyền thuyết về cô gái người Ê Đê xinh đẹp đã gieo mình xuống dòng sông hùng vĩ để giữ trọn tình yêu. Không biết có phải vì lời nguyền xa xưa linh ứng hay không mà năm nào cũng có ít nhất một cô gái trẻ chết đuối tại khu vực thác Trinh Nữ. 

Như có một sự dẫn dắt vô hình, ông Vinh luôn là người đầu tiên phát hiện xác chết ở thác Trinh Nữ. Hỏi ông Vinh một ký ức đáng nhớ nhất trong những lần vớt xác. 

Ông nhìn ra dòng sông, thẫn thờ trả lời: "Mỗi cái xác đều là một ký ức ám ảnh, không thể nào quên được. Lần đầu tiên là năm 1997, đó là một cô gái còn rất trẻ. Hôm ấy bé đi học về rồi cùng bạn ra bờ sông nhảy đá, chẳng may trượt chân đập đầu vào đá rớt xuống bị nước cuốn trôi. Đến bây giờ, cũng phải trên 30 trường hợp tôi phát hiện và trực tiếp vớt".

Hễ có ai mất tích là người ta gọi ông, phát hiện thấy xác trôi cũng ông. Những lúc như thế, dù đang làm gì, ở đâu ông đều bỏ hết để lao ra sông. Một ngày chưa tìm thấy, thì sang ngày thứ hai, đêm tối mệt quá thì nằm trong hốc đá thiếp đi một lúc, tỉnh dậy lại tiếp tục mò tìm. Như cái duyên, cái nghiệp vận vào thân, ngót 30 năm qua, tên ông Vinh trở thành "thương hiệu vớt xác" trên dòng Sêrêpôk.

Ngọc Thiện - Linh Lan
.
.
.