Thể thao Việt Nam: Đầu tư phải thiết yếu

Thứ Năm, 31/03/2016, 17:09
Thể thao Việt Nam tiếp tục chờ đợi những suất chính thức dự Olympic 2016. Mặc dù vậy, người làm nghề mong mỏi cần có sự đầu tư đúng người đúng việc hơn thì kết quả mới xứng tầm…

Tiếc cho boxing nữ

Đội boxing Việt Nam đang thi đấu vòng loại Olympic của khu vực châu Á (tổ chức tại Trung Quốc). Chúng ta chỉ còn niềm hy vọng số 1 của boxing nữ là tuyển thủ Lừu Thị Duyên (hạng 60kg). Cô đã lọt vào bán kết nội dung. Vòng loại này, quy định của ban tổ chức là vận động viên lọt vào chung kết sẽ được trao vé Olympic 2016 ngay. 

Chia sẻ về từ nơi thi đấu trong ngày 31-3, trưởng bộ môn boxing (Tổng cục TDTT) – ông Vũ Đức Thịnh cho biết Lừu Thị Duyên đã dừng bước tại bán kết do đối thủ người Trung Quốc quá mạnh. Như vậy, chúng ta vẫn chưa có niềm vui giành tấm vé Olympic lịch sử. Cơ hội vẫn còn cho boxing nữ Việt Nam do trong tháng 4 và tháng 5 sắp tới, một số giải có tính suất Olympic được diễn ra và các tuyển thủ của chúng ta sẽ thi đấu.

VĐV Nguyễn Thị Lụa.

Nhìn vào môn boxing nữ, phải nhận định, tiền đầu tư không nhiều. Bộ môn boxing thuộc Tổng cục TDTT và ở vai trò là cơ quan quản lý nhà nước nên số tiền được rót cho hoạt động trong năm không quá 50 nghìn USD. Người làm chuyên môn mong mỏi, liên đoàn boxing Việt Nam là nơi có thể tìm thêm nguồn lực tài chính bằng hình thức xã hội hóa để đầu tư mạnh hơn cho vận động viên. 

Tuy nhiên, vào lúc này, sự vận hành của liên đoàn boxing Việt Nam vẫn khá cầm chừng. Nếu không muốn nói, sự hoạt động chưa tạo tính đột phá. Trước khi thi đấu vòng loại Olympic của khu vực châu Á, nhóm vận động viên trọng điểm là Lê Thị Bằng và Lừu Thị Duyên đã được đi tập huấn nước ngoài dài ngày. 

Bằng tập tại Mỹ còn Duyên tập ở Thái Lan. Theo tìm hiểu, nguồn kinh phí được chi ra từ tiền của bộ môn. Tất nhiên, trong hoạch định đầu tư, liên đoàn boxing Việt Nam có nhiều kế hoạch cụ thể. Những vận động viên như Lừu Thị Duyên, Lê Thị Bằng đang là các tay đấm sáng giá nhất của boxing nữ. Họ đã giành được những tấm huy chương vàng tại SEA Games, ASIAD để làm nên lịch sử. Cơ hội và con người không phải lúc nào cũng có. Khi đã có rồi mà không tận dụng đầu tư hiệu quả, nhà quản lý phải có trách nhiệm.

Nếu đầu tư cao, vật có thể tiệm cận huy chương

Một năm, môn vật (Tổng cục TDTT) được duyệt kinh phí hoạt động khoảng 90 nghìn USD. Trong con số ấy, công tác tổ chức những giải thi đấu trong nước chiếm trọn số tiền được phê duyệt. Một số ít tiền được chi ra dành cho vật nữ thi đấu quốc tế và vòng loại Olympic (theo tìm hiểu khoảng 15 nghìn USD). So với những môn khác, môn vật là sự đầu tư “đáng đồng tiền bát gạo”. 

Chi phí đầu tư không được nhiều nhưng kết quả đã có hai suất trực tiếp dự Olympic 2016. Chưa kể, đội tuyển vật Việt Nam còn dự nốt hai vòng tuyển chọn của Olympic tại thế giới tổ chức tại Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ (trong tháng 4, tháng 5). Mục tiêu của vật Việt Nam là tìm thêm một suất chính thức nữa. Nếu thành công, đó là lịch sử của làng vật Việt Nam.

Năm 2012, Nguyễn Thị Lụa lần đầu giành suất chính thức dự Olympic cho vật nữ Việt Nam tại London (Anh). Tiếc cho Lụa vì cô dừng bước ở vòng đầu tiên trước đối thủ Carol Huỳnh (Canada). Lần này, Lụa tiếp tục dự Olympic. Chúng ta có thêm Vũ Thị Hằng. HLV trưởng đội vật quốc gia Đới Đăng Hỷ xác nhận, trong sự chuẩn bị hiện tại, ngoài chuyên môn, nếu có lá thăm may mắn thì tuyển thủ vật có thể tiến sâu vào vòng cuối cùng tại Olympic 2016. 

Tất nhiên, người làm nghề rất kiêng kỵ chuyện “nói trước bước không qua”. Dù vậy, những đối thủ mạnh nhất trong hạng cân của Lụa và Hằng đều lộ diện tại giải vô địch châu Á 2016 và thi đấu vòng loại Olympic. Chúng ta nhắm được năng lực của mình thì sẽ có thành công nhất định.

ĐẦU TƯ SẼ CAO HƠN?

Trong ngày 31-3, đội tuyển bóng đá nam về tới Việt Nam sau khi kết thúc thi đấu tại Iran ở vòng loại World Cup 2018. Theo tìm hiểu từ liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), đội tuyển đang hình thành được lối chơi phù hợp. Năm nay, mục tiêu chính nhất là đội tuyển tranh chấp ngôi vô địch ở AFF Cup 2016. Do đó, VFF sẽ không ngại đầu tư hiệu quả nhất cho đội tuyển. Chúng ta đã thấy sự đầu tư hiệu quả ban đầu là VFF chi số tiền lên tới trăm triệu đồng để mua dữ liệu của phần mềm InStat qua đó nắm bắt được các thông số kỹ thuật của những đội bóng trên thế giới. Đây chính là bước đột phá của VFF. Dù vậy, tất cả phải thấy được tín hiệu thành công trong tương lai thì mới có sự đầu tư sát sườn như vậy. (DP)

Hoài Việt
.
.
.