Bàn giao gần 3ha đất đã xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa

Thứ Ba, 07/03/2023, 14:46

Ngày 7/3, tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức bàn giao phần mặt bằng đã xử lý ở khu vực Tây - Nam sân bay Biên Hòa thuộc Dự án xử lý ô nhiễm dioxin giai đoạn 1, cho Quân chủng Phòng không - Không quân…

Tại lễ bàn giao, USAID đã công bố kết quả xử lý giai đoạn 1 với gần khu vực 30.000 m2, tương đương khối lượng hơn 19.300 m3 đất hoàn thổ. Sau xử lý, khu vực có hàm lượng dioxin rất thấp, theo đúng thiết kế được phê duyệt và được tạo mặt bằng thoát nước cũng như trồng cỏ chống xói mòn bề mặt trước khi bàn giao cho Quân chủng Phòng không - Không quân. USAID cũng công bố bản hợp đồng mới, nâng tổng mức vốn đầu tư giai đoạn 2 lên đến 300 triệu USD để xử lý và làm sạch đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Khoản tài trợ mới này thể hiện rõ cam kết của Hoa Kỳ với Việt Nam hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện trong năm 2023. Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa được khởi công từ tháng 4/2019, có quy mô gấp gần 4 lần so với dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng và dự kiến mất 10 năm để hoàn thành.

Bàn giao hoàn gần 3ha đất đã xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa -0
Các đại biểu tham dự lễ ký bàn giao mặt bằng.

Tại buổi lễ, lãnh đạo USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã khánh thành một khu công viên ngay tại nơi diễn ra sự kiện. Khu công viên này do USAID và Quân chủng Phòng không - Không quân cùng thực hiện với hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhằm ghi dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tại lễ ký bàn giao hoàn trả mặt bằng, USAID chính thức bàn giao khu đất công viên này cho Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đây là khu vực đầu tiên trong sân bay Biên Hòa được xử lý sạch dioxin được bàn giao hoàn trả mặt bằng cho cho Bộ Quốc phòng. Trước đó, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hoàn thành xử lý dioxin khu đất đầu tiên nằm phía ngoài sân bay Biên Hòa, gần cổng 2.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao nỗ lực và kết quả hợp tác của phía Hoa Kỳ, nhất là USAID với các ban, bộ, ngành của Việt Nam trong triển khai thực hiện Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giải đoạn 1. Thay mặt Ban chỉ đạo 701, lãnh đạo Bộ Quốc Phòng Việt Nam - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia 701, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến  bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ. Đặc biệt gửi lời tri ân và cảm ơn tới ngài Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, người có đóng góp to lớn, vô cùng quan trọng thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong các lĩnh vực, nhất là việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Đồng thời trân trọng cảm ơn bà Tổng Giám đốc USAID, ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để triển khai có hiệu quả dự án đặc biệt, cấp bách và có ý nghĩa quan trọng.

Bàn giao hoàn gần 3ha đất đã xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa -0
Khánh thành khu công viên tại khu vực đã được xử lý dioxin trong sân bay Biên Hòa.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho rằng, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh ở các sân bay Việt Nam vẫn đang đặt ra những yêu cầu với khối lượng công việc rất lớn, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó còn khoảng hơn 4,8 triệu lượt người bị phơi nhiễm chất độc da cam dioxin và hơn 6 triệu ha còn nhiễm bom mìn, vật nổ trong chiến tranh cần có sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, của các tổ chức, cá nhân và ngoài nước, trong đó có Hoa Kỳ.

Để thực hiện có hiệu quả những nội dung đã cam kết, thời gian tới Bộ Quốc phòng với tư cách là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia 701 mong muốn đại sứ quán Hoa Kỳ và USAID quan tâm, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục tăng nguồn vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài Knapper nhấn mạnh, việc bàn giao mặt bằng đã xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa là bước tiến cụ thể hóa cho sự nỗ lực hàn gắn vết thương sau chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. 

Bà Samantha Power, Tổng Giám đốc USAID toàn cầu khẳng định, việc bàn giao khu đất trên đánh dấu cột mốc hợp tác vô cùng quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Quan hệ hợp tác được phát huy khi hai bên cùng ngồi lại, chung tay khắc phục những gì còn tồn tại sau chiến tranh.

Ngọc Sơn
.
.
.