Cần thêm thông tin để đánh giá kỹ lưỡng tác động của dự án kênh đào 1,7 tỷ USD của Campuchia

Thứ Ba, 23/04/2024, 16:45

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đề nghị Campuchia cần chia sẻ và minh bạch thêm thông tin chi tiết về dự án kênh đào Phù Nam - Techo.

Ngày 23/4, tại TP Cần Thơ, Uỷ ban Sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) có cuộc họp tham vấn với đại diện bộ, ngành Trung ương và các viện, trường, địa phương ở ĐBSCL về dự án kênh đào Phù Nam - Techo ở Campuchia.

Ông Trần Đức Phú, chuyên gia Ban Thư ký Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) cho biết: Ngày 8/8/2023, Uỷ ban sông Mê Kông quốc gia Campuchia (CNMC) gửi thông báo theo quy trình PNPCA (thủ tục thông báo, tham vấn trước và thoả thuận) về dự án kênh giao thông thuỷ Phù Nam - Techo nối sông Bassac (một nhánh của sông Mê Kông) ra cảng Kẹp của Campuchia. Thời gian xây dựng từ 2024-2027, với tổng kinh phí 1,7 tỷ USD.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định các số liệu cung cấp rất hạn chế và thông tin còn mơ hồ, hồ sơ không có báo cáo dự kiến quy trình vận hành hệ thống kênh đào, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMC).

Báo cáo gửi cho MRC chỉ đề cập đến chức năng kênh đào như một thủy lộ hay kênh giao thông thủy, không có những khẳng định chức năng khác của con kênh có phục vụ tưới – tiêu cho sản xuất nông nghiệp, lấy nước cho sinh hoạt và cung ứng cho hoạt động sản xuất công nghiệp hay không?

z5375813661708_c45b5bbce2a553d9f6340868b024df37.jpg -0
PGS-TS Lê Anh Tuấn phát biểu tại cuộc họp tham vấn về dự án kênh đào Phù Nam - Techo.

PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng nếu tính đầy đủ thì mùa khô, sau khi có kênh đào Phù Nam - Techo, nước trên sông Tiền và sông Hậu (2 phân lưu của sông Mê Kông) về đến ĐBSCL sẽ giảm hơn 50%.

“Những năm khô hạn như 2016 hay 2024, sự thiếu hụt sẽ tăng hơn trầm trọng. Đây là điều đáng suy nghĩ cho tương lai dòng chảy trên sông Hậu mùa khô, chứ không thể xem là không đáng kể. Chắc chắn là với mực suy giảm theo ước tính như thế này thì khả năng xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác vùng châu thổ trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường”, PGS-TS Lê Anh Tuấn phân tích.

Trong thông báo của CNMC có đề cập là tác động của dự án là không đáng kể. Tuy nhiên, đại diện một số Chi cục Thuỷ lợi ở ĐBSCL cho rằng các thông tin về dự án rất hạn chế, không đủ cơ sở để đưa ra kết luận. Vì vậy, Campuchia cần chia sẻ và minh bạch các thông tin chi tiết về dự án, bao gồm cả báo cáo khả thi và kết quả ĐTM của dự án cho các bên liên quan.

z5375813666812_afbb32cef3c7ac66335b778e12b90055.jpg -0
Vị trí và quy mô của dự án kênh đào Phù Nam - Techo.

Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An đề nghị MRC cần hỗ trợ các quốc gia tiến hành một nghiên cứu chung về tác động xuyên biên giới của dự án tới tất cả các lĩnh vực và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động. Đồng thời, MRC cần chia sẻ các kết quả đánh giá tác động cho quốc gia thành viên và các bên liên quan.

Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Chánh Văn phòng Thường trực VNMC ghi nhận và tập hợp các ý kiến được tham vấn để trao đổi với MRC và Campuchia về dự án.

Dự án kênh đào Phù Nam - Techo là một công trình thủy lộ nội địa. Điểm đầu nối với dòng Bassac gần cảng ở thủ đô Phnom Penh, kéo dài đi qua các tỉnh Kandal, tỉnh Takeo, tỉnh Kampot và kết nối với các cảng ở tỉnh Kep của Campuchia đổ ra vịnh Thái Lan.

Kênh đào dài 180 km, rộng 100 m phía đầu vào kênh và khoảng 80 m ở đầu ra, chiều sâu và độ rộng mặt cắt kênh dẫn đoạn giữa là 4,7 m x 50 m, đủ cho 2 tàu chạy theo 2 chiều trên kênh.

Công trình được thiết kế yêu cầu cho tàu có trọng tải 1.000 DWT. Trên kênh có 3 công trình âu thuyền tại 3 vị trí: âu thuyền nơi kết nối với sông Bassac, âu thuyền tại tỉnh Takeo và âu thuyền nới cửa ra tỉnh Kep. Lượng nước xả tối đa qua âu thuyền là 3,6 m3/giây (trung bình ngày).

Trên kênh có 11 cầu vượt, chiều dài cầu chính là 161 m và chiều dài lên cầu là 520 m.

Văn Vĩnh
.
.
.