Cựu phi công kể chuyện lái máy bay thời chiến

Thứ Tư, 24/04/2024, 08:41

Ngày 23/4, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Hành trình chinh phục bầu trời”, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và 65 năm Ngày truyền thống của Đoàn bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (1/5/1959 – 1/5/2024).

Tại chương trình giao lưu, các diễn giả ôn lại lịch sử, truyền thống hào hùng của Trung đoàn Không quân vận tải 919, quá trình phát triển, trưởng thành của Trung đoàn và được Đoàn bay 919 kế thừa, tiếp nối.

Mở đầu buổi giao lưu, ông Trần Hữu Thọ, cựu sĩ quan dẫn đường của một trong các tổ bay IL-14 (hiện nghỉ hưu ở TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ nhiều kỷ niệm. Nguyên phi công Đoàn bay 919, lứa phi công thứ hai nhiều lúc xúc động rơi nước mắt khi kể lại hành trình chinh phục bầu trời. Năm 1968, ông Thọ nhận nhiệm vụ lái máy bay xuất kích trực tiếp vào ném bom chi viện cho Thừa Thiên Huế. Thời điểm bay qua Khe Sanh (Quảng Trị)-vĩ tuyến 17, ông cảm thấy rất xót xa khi thấy được khung cảnh đất nước bị tàn phá. “Khi bay qua khu vực quê nhà, tôi nhớ đến mẹ và trong lòng thầm nói: Mẹ ơi, trên đầu mẹ không phải là máy bay địch đâu, mà là máy bay của chúng con, của con trai mẹ lái. Giờ con đã trưởng thành, về trả thù cho bố mẹ đây”, ông Thọ thổ lộ.

Cựu phi công kể chuyện lái máy bay thời chiến -0
Ông Trần Hữu Thọ (người cầm micro) và ông Phạm Huy Vận (người ngồi kế bên) - nguyên phi công Đoàn bay 919 chia sẻ tại buổi giao lưu Hành trình Chinh phục bầu trời.

Trước đó, giai đoạn năm 1965-1967, những phi công quân sự như ông Thọ bay suốt ngày đêm để thả dù, chi viện biên giới cho Lào, có chuyến vào miền Nam. Có những chuyến bay thả hàng, yêu cầu phải bay cách khu vưc thả hàng khoảng 20m nhưng ông cùng đồng đội thường cố gắng điều khiển máy bay với khoảng cách 7-10m so với mặt nước và căn chỉnh thả hàng không được xa quá để người dân không vất vả bơi ra lấy đồ. “Song có lẽ đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm phi công của tôi là vào năm 1967, sau một chặng bay dài, tôi cùng đồng đội trở về đơn vị đúng thời khắc giao thừa thì bất ngờ nhận được bức thư trong đó có bài thơ Bác viết, lẵng hoa và cả bánh mứt của bác Hồ gửi tặng động viên”, ông Thọ xúc động kể. Về sau, mỗi lần khó khăn, kỷ niệm về món quà của Bác Hồ lại ùa về, như động lực giúp chúng tôi vượt qua mỗi chuyến bay an toàn.

Ngồi kế bên ông Thọ, lật lại từng trang ký ức, ông Phạm Huy Vận, nguyên phi công, nguyên Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919 bồi hồi: “Thuở ấy, nước ta đang trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ. Lớp học phi công khóa đó phải học tại nhà dân hoặc đình chùa. Có những trận đánh, phía Mỹ rải bom nhiều lần trúng vào nhà dân nhiều, học viên đang học vội vã chạy ra hào. Vì thế, cảnh vừa học vừa sơ tán và tìm chỗ trú ẩn tránh bom là “cơm bữa”. “Đặc biệt, những mô hình học về bay không có, nên phải vừa học vừa tưởng tượng lại những lời dạy của phi công đi trước mà thực hành. Những phi công trước trở thành giáo viên dạy lại”, ông Vận nhớ lại thời khắc khó khăn. Với quyết tâm học, vượt qua mọi khó khăn, ông Vận cùng học viên khác đã hoàn thành khoá học vào năm 1968. Là hoa tiêu dẫn đường nên khi tốt nghiệp, ông có thể bay tất cả các máy bay mà Trung đoàn 919 có. Trong quá trình bay, lớp phi công như ông Vận cũng gặp nhiều thử thách mà có lẽ đến giờ thế hệ phi công hiện nay cũng không thể biết hoặc được trải nghiệm. “Ngày ấy, khoa học công nghệ chưa phát triển, dòng máy bay cường kích Ilyushin Il-2 của Liên Xô chế tạo không có điều hoà, nhà vệ sinh. Bay càng cao thì càng bị tác động bởi nhiệt độ bên ngoài, càng rét và lạnh. Có lúc, tay chạm vào thành máy bay mà như cảm giác bị điện giật. Do không có radar dẫn đường, có đám mây là mặc nhiên chui vào, khi nào thấy ánh sáng thì lại bay ra. Thậm chí, có lần đang bay nhìn ra ngoài thấy cánh quạt đứng yên vì lạnh quá nên động cơ bị chết. Lúc đó, phi công xử lý bằng cách cầm vào tay ga lắc đi lắc lại một chút, động cơ sẽ chạy lại”, ông Vận chia sẻ.

Cách đây 65 năm vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1959, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, Trung đoàn Không quân vận tải 919, đơn vị bay vận tải quân sự - hàng không dân dụng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được thành lập. Đây cũng là đơn vị tiền thân của Đoàn Bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện nay. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã trực tiếp tham gia chiến đấu, đồng thời, thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng, lập nên nhiều chiến công vang dội như đánh chìm và bắn hỏng hai tàu địch trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; chở phái đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán và ký Hiệp định Paris lịch sử; cứu trợ đồng bào lũ lụt trong trận vỡ đê sông Hồng năm 1971…

Năm 1993, Đoàn Bay 919 chuyển sang hàng không dân dụng, những phi công quân sự ngày trước cũng chuyển ngành sang và đều hoàn thành các nhiệm vụ được giao đó là mục tiêu phát triển kinh tế.

Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân cho biết Trung đoàn không quân năm xưa nay là Đoàn bay 919 trở thành nòng cốt của Hàng không dân dụng Việt Nam, đã xây dựng nên hãng hàng không rất có uy tín trong bản đồ hàng không thế giới. Theo Thiếu tướng Việt, Đoàn bay 919 là bộ phận không thể tách rời, không thể thiếu trong hội nhập, đối ngoại quốc tế, cầu nối quảng bá văn hóa, đất nước con người Việt Nam ra thế giới, có đóng góp hiệu quả, to lớn trong sự phát triển kinh tế đất nước.

Ông Tô Ngọc Giang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, Đoàn trưởng Đoàn bay 919 cho biết, trong suốt quá trình 30 năm phát triển của Vietnam Airlines, Đoàn bay 919 luôn được đánh giá là đơn vị nòng cốt, then chốt trong các hoạt của Tổng công ty. “Đoàn bay 919 đã nhận và đưa vào khai thác các dòng máy bay hiện đại nhất của Vietnam Airlines trong từng thời kỳ như A320, B777, A330, đến nay là B787 và A350. Đoàn bay cũng đảm nhận những chuyến bay chở khách, chuyên cơ, bảo đảm chỉ số đúng giờ cao cũng góp phần lớn vào nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Giang nói. Theo ông Giang, phi công Đoàn bay 919 cũng tham gia các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, dân sinh như thực hiện các chuyến bay giải cứu lao động Lybia, bay thẳng vào vùng dịch COVID-19 để sơ tán công dân Việt Nam về nước… Phi công Đoàn bay hiện nay vẫn giữ được chất lính, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Phạm Huyền
.
.
.