Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Thứ Năm, 20/10/2022, 06:35

Sáng nay, 20/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình dự kiến, trước giờ khai mạc, các vị đại biểu Quốc hội sẽ đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 8h, Quốc hội họp phiên trù bị, thảo luận, biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp. 9h, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Dự kiến trong phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV...

Sáng nay, khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV -0
Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thông qua nghị quyết về đấu giá biển số ôtô theo quy trình 1 kỳ họp

Cũng theo dự kiến chương trình, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp các nội dung: Phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp; các phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; phiên giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức truyền hình trực tiếp các phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án luật: Thực hiện dân chủ ở cơ sở; khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và xem xét, cho ý kiến 7 dự án luật. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá - nghị quyết do Bộ Công an chủ trì soạn thảo sẽ được Quốc hội thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp. Việc xây dựng nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay để chủ phương tiện có quyền lựa chọn, khả thi khi thực hiện.

Cùng với đó, đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật và mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá; khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá quyền lựa chọn biển số; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số hiện nay để có thể số hóa hoàn toàn trong lĩnh vực đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân.

Do dự thảo Nghị quyết này có một số chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản. Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Cho ý kiến lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền được (sửa đổi) cũng được Quốc hội thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp nhằm bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ.

Đồng thời, góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tránh việc Việt Nam bị đưa vào "Danh sách Xám" và thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương, 65 điều, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu, trong đó, việc xây dựng dự án luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất đai; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến tạo động lực mới để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đồng thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.

Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Thông qua 7 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Các dự án luật Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.   

An Quỳnh
.
.
.