Không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ Tư, 22/11/2023, 09:14

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường, thế trận lòng dân vững chắc, tình hình chính trị, xã hội ổn định, quy mô, trình độ kinh tế được nâng lên, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Nghị quyết số 23-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã khẳng định: Thông qua việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội đã từng bước được phát huy. Việc tập hợp nhân dân với các hình thức đa dạng có bước phát triển mới. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên được mở rộng, vai trò và vị trí trong xã hội được nâng cao, nội dung hoạt động phong phú, thiết thực hơn, đã động viên, lôi cuốn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được mở rộng hơn, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc -0
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí  Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhân dân thôn Đông Dương, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định ngày 14/11/2023.

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, với những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống, bảo đảm hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường, phát huy, ghi nhận những bước phát triển nhanh chóng và toàn diện của đất nước trên nhiều lĩnh vực và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Kể từ khi được ban hành, Nghị quyết số 23-NQ/TW đã được các cấp, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Quá trình thực hiện Nghị quyết, hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng tổ chức cơ sở đảng được nâng cao, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được triển khai ngày càng sâu rộng, từng bước vững chắc và thực sự đi vào cuộc sống, nhất là việc phát huy dân chủ ở cơ sở đạt kết quả tích cực. Ý thức dân chủ và trình độ làm chủ của nhân dân được nâng lên; các thiết chế dân chủ được hoàn thiện; sự đồng thuận, đoàn kết, kỷ luật trong các hoạt động đời sống xã hội được tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ được củng cố vững chắc, tạo không khí phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nội dung, phương thức quản lý điều hành của cơ quan Nhà nước các cấp đã có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng trong việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thời gian qua, Chính phủ, các ban, bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống khung chính sách, văn bản hướng dẫn, bộ máy quản lý, điều hành các cấp và chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã ghi nhận được một số kết quả tích cực. Đây là những chương trình, mục tiêu quốc gia ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc -0
 Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La ngày 16/11/2022

Đặc biệt, nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt, không một phút chần chừ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của toàn dân, bằng truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” được nhân dân phát huy mạnh mẽ trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” mà nước ta đã vượt qua đại dịch COVID-19. Đó là một thách thức rất lớn, không chỉ với riêng Việt Nam mà còn đối với toàn nhân loại, diễn ra ở quy mô, cấp độ phòng, chống dịch chưa có tiền lệ…

MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai tầng xã hội, dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài. Để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh cao cả của mình, Mặt trận và các tổ chức tổ chính trị - xã hội đã nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, làm tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên và nhân dân làm trọng tâm; góp phần giải quyết nhiều vấn đề thiết thực và các vấn đề phức tạp trong quá trình phát triển; tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân.

Hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng luôn đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với Nhà nước, các cấp chính quyền và phát huy sức mạnh tổng hợp trong cả hệ thống chính trị. Từ đó tạo ra nhiều phong trào, mô hình thu hút, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, giai tầng trong xã hội, cá nhân tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia.

Hệ thống Mặt trận các cấp luôn đồng hành cùng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở khơi dậy, phát huy cao độ, nâng tầm các giá trị đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên, khích lệ, phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quan tâm, chăm lo các gia đình chính sách, những người có công, hộ nghèo, ở vùng sâu, vùng xa và người yếu thế.

Không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc -0
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhân dân tổ dân phố Văn Xá, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ngày 18/11/2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn kết quả còn thấp; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, khu vực còn lớn; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên được giao trọng trách trong hệ thống chính trị có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Do vậy, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là lực lượng nòng cốt tổ chức thực hiện, trên nền tảng liên minh chính trị giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức nhằm tạo ra nguồn sức mạnh, động lực và nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, là quan điểm nhất quán, định hướng chiến lược để phát triển đất nước. Thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Để củng cố, phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải hết sức coi trọng việc thực hiện dân chủ, công bằng và bình đẳng xã hội, chống đặc quyền, đặc lợi ở mọi cấp, mọi ngành, trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội.

TS. Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam
.
.
.