Lấy ý kiến rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu

Thứ Ba, 15/11/2022, 09:50

Bộ Công Thương vừa có công văn hoả tốc số 7197 và 7198 gửi các Bộ và cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh thành phố về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Công văn số 7197 gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ và Công văn số 7198 gửi UBND các tỉnh, thành phố lấy ý kiến cụ thể về các vấn đề như: chu kỳ điều hành giá xăng dầu; quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Lấy ý kiến rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu -0
Thị trường xăng dầu đang diễn biến phức tạp.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và thực tiễn quản lý mặt hàng xăng dầu trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, cơ quan ngang bộ tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, có ý kiến đối với các nội dung đề xuất sửa đổi nêu trên và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung khác (nếu có).

Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Công Thương đề nghị cử đại diện tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Thời gian qua, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế, tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, sau đó lan ra các địa phương phía Bắc. Điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Đồng thời, Bộ Công Thương cần khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021 ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014 ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý Nhà nước, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong tháng 11 này.

Có nên rút ngắn kỳ điều hành?

Về vấn đề chu kỳ điều hành giá xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, nên rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống 3-5 ngày/ lần thậm chí theo ngày, thay vì 10 ngày như hiện nay. Bởi, việc điều hành linh hoạt sẽ phù hợp hơn với doanh nghiệp và người dân cũng như cả nền kinh tế.

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo các quy định của nhà nước nhưng trong bối cảnh hiện nay, các quy định đã bộc lộ nhiều bất cập cần xem xét và sửa đổi để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người dân. Khi sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP thì chu kỳ tính giá cần phải tính toán lại. Nếu như giai đoạn này chưa có đủ điều kiện làm được như các nước trên thế giới, tức là bám sát giá thị trường thế giới và điều hành giá hàng ngày thì có thể rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày, nhằm phù hợp với phương thức hiện nay mà các doanh nghiệp đầu mối đang mua xăng dầu trên thị trường thế giới để phản ánh sát hơn, giảm thiểu lệch pha giá thị trường trong nước và giá thế giới.

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, nên điều hành một cách uyển chuyển và linh hoạt để đảm bảo lợi ích cho các bên. Trước mắt, có thể giảm chu kỳ điều hành xuống 5 ngày. Việc điều hành giá theo cơ chế thị trường là điều không dễ vì giá sẽ thay đổi liên tục theo thế giới và thị trường mà thiếu đi sự điều hành, can thiệp của nhà nước. Mặt tốt là việc này giúp giải quyết các vấn đề đang hiện hữu trên thị trường xăng dầu như hiện nay; các bộ, ngành cũng không phải xử lý các tình huống đặc biệt. Nhưng ngược lại, khi giá xăng tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, CPI và cả nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực giá.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì cho rằng, đứng trên quan điểm người dân, doanh nghiệp thì rút ngắn sẽ có lợi, nhưng với nhà nước, trong điều hành vĩ mô, thì cần cân nhắc. Đây là tham vọng nhưng sẽ khó để thực hiện điều chỉnh hàng ngày, bởi xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế, việc thay đổi liên tục sẽ khiến khó kiểm soát được lạm phát. Ngoài ra còn nhiều vấn đề từ nhập khẩu, phân phối… cần có cơ chế vận hành từ các bộ, ngành, doanh nghiệp…

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giữa các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp cung ứng và các doanh nghiệp bán lẻ cần xem xét lại cơ chế. Mỗi doanh nghiệp cần độc lập, tự chủ và nếu kinh doanh lỗ phải chấp nhận. Ngoài ra, hiện chúng ta cũng đã tự túc được 70-80% tiêu dùng trong nước, vì vậy, chúng ta cần xây dựng thị trường trong nước tự túc mới có thể xuyên suốt, không bị tác động ảnh hưởng, cũng như Nhà nước sẽ không phải can thiệp nhiều.

Lưu Hiệp
.
.
.