"Nóng" nghị trường về việc đại biểu nên tranh luận, hùng biện hay đọc giấy?

Thứ Tư, 02/11/2022, 18:11

Tại phiên thảo luận, các đại biểu  đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đồng thời cho rằng việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp với 31 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm đề ra.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 2/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đồng thời cho rằng việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp với 31 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm đề ra, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tăng tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội; đề xuất phương án tích cực hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng của dự thảo.  

  -0
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, tại các phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, nhất là các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, cách thảo luận như hiện nay sẽ có nhiều đại biểu Quốc hội được thảo luận và được lắng nghe ý kiến ở tất cả các đoàn, đề cập được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhưng lại quá dàn trải. Đại biểu đề nghị nên có quy định đổi mới theo hướng sau khi thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chọn một số vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và còn nhiều quan điểm khác nhau để thảo luận ở hội trường, dành thời gian bàn thảo, tranh luận cho sáng tỏ. Từ đó có thể đưa ra các quyết sách đúng tầm và thông báo trước cho đại biểu Quốc hội vài ngày để các đại biểu có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị và tiến hành thảo luận theo cái thứ tự ưu tiên. “Với cách thức này, những ai nắm chắc, nắm sâu vấn đề gì thì sẽ bấm nút để đăng ký tham gia, không cần nhường nhau để mỗi đoàn đều có đại diện được phát biểu như hiện nay, nhưng quan trọng hơn là sẽ tránh được những thông tin trùng lắp, dàn trải” – đại biểu nhấn mạnh.

Cũng phát biểu về đối mới phương thức thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng,  hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay phần nhiều là tham luận, chính vì vậy, đổi mới căn bản nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần định nghĩa rõ hai hình thức thảo luận là thảo luận ở tổ, ở đoàn để làm rõ. Đây là bước sàng lọc vấn đề, để khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau. “Khi làm được điều này, sẽ giúp tăng tính minh bạch, rạch ròi cho những vấn đề đã thống nhất khi thảo luận ở đoàn, ở tổ, khi thảo luận tại hội trường sẽ hướng đến phân tích những vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn” – đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp. “Với những phiên họp có quá nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, cần rút ngắn thời lượng phát biểu của các đại biểu ngay từ đầu phiên họp, tránh tình huống rút ngắn thời gian của các đại biểu phát biểu sau, không đảm bảo tính bình đẳng trong tổ chức phiên họp” – đại biểu đề nghị.

  -0
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu quan điểm.

Đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ, việc nâng cao hiệu quả phiên họp tổ, phiên họp tại đoàn sẽ mang đến 3 tác dụng, đó là thúc đẩy quá trình chuyển đổi Quốc hội từ tham luận sang tranh luận; nâng cao chất lượng quyết định của Quốc hội; rèn luyện kỹ năng tranh luận, hùng biện của đại biểu Quốc hội. “Đây là vấn đề quan trọng, liên hệ mật thiết đến chất lượng nhân sự của Quốc hội, cần lưu ý để chuẩn bị tốt nhân sự cho Quốc hội các khóa sau” – đại biểu nhấn mạnh.

  -0
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) tranh luận.

Tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đồng tình với ý kiến về nâng cao chất lượng của Kỳ họp quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, để nâng cao chất lượng Kỳ họp Quốc hội thì cần một lộ trình phát triển. “Đại biểu Lê Thanh Vân có nêu yêu cầu về hùng biện, tuy vấn đề này rất tốt nhưng các đại biểu đại diện cho các vùng miền khác nhau, trình độ khác nhau, văn hóa khác nhau và nghề nghiệp khác nhau. Do vậy, có những đại biểu tham gia Quốc hội nhiều, có kỹ năng nói tốt hoặc đã được đào tạo kỹ năng thuyết trình trước công chúng. Nhưng có những đại biểu lần đầu tham gia nên đến đây có khi chỉ phản ánh tiếng nói trung thực với cử tri để lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội biết. Nếu yêu cầu không dùng giấy và không được đọc thì khó. Vì nếu không quy định rõ vấn đề này thì có những đại biểu lần đầu tham gia sẽ e ngại trong quá trình phát biểu” – đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm.

Cũng quan tâm đến nội dung phát biểu, tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đây là việc rất cần thiết, rất tiến bộ, những ý kiến có thể khác với ý kiến của mình, nhưng cũng mở ra các góc nhìn mới. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng “chen luận” vì đây là vấn đề về văn hóa nghị trường. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần quy định số lần tranh luận tối đa của mỗi đại biểu trong một phiên họp; đồng thời nêu quan điểm về vấn đề phát biểu tại hội trường dù phát biểu dựa trên văn bản hay không, vấn đề mấu chốt vẫn là phát biểu phải hay, phải tốt, mang tính xây dựng cao, trách nhiệm cao.

Phương Thuỷ
.
.
.