Phim do nước ngoài sản xuất tại Việt Nam phải có kịch bản đầy đủ bằng tiếng Việt

Thứ Tư, 25/05/2022, 18:09

Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi, các đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, phù hợp, để làm sao phát huy được giá trị điện ảnh của nước nhà.

Chiều 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh dự thảo Luật gồm 8 Chương 50 Điều được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Dự thảo Luật đạt được sự đồng thuận nhất trí giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình.

Bổ sung nhiều quy định mới

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa. Do đó rất cần có các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế. 

Vì vậy, dự thảo Luật được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.

trần thanh mẫn.jpeg -0
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Đối với vấn đề đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp giấy phép phân loại phim, căn cứ yêu cầu thẩm định, phân loại đối với từng loại phim, điều kiện thực hiện, thẩm quyền và thực tế quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, dự thảo Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên toàn quốc; UBND cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên địa bàn quản lý. Quá trình xin ý kiến cơ bản nhận được sự đồng thuận của các địa phương, các cơ quan, tổ chức và các cơ sở điện ảnh.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, dự thảo Luật bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Đầu tư; quy định cụ thể tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim không vượt quá 51% vốn điều lệ để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh…

Về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam, Dự thảo Luật đã mở rộng chủ thể được tổ chức các cuộc liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim. Liên hoan Phim Việt Nam và Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội nhằm định hướng tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, định hướng sáng tác trong lĩnh vực nghệ thuật.

Việc mở cửa dịch vụ văn hoá không được dễ dãi

Phát biểu góp ý về dự án Luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điện ảnh vừa là một ngành hoạt động văn hóa, vừa là ngành kinh tế sáng tạo, tạo ra sản phẩm kép về văn hóa tinh thần. Hiện nay, điện ảnh sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, lưu hành và phố biến sản phẩm. Điện ảnh có thể tạo ra giá trị vật chất rất lớn và trở thành ngành kinh tế lớn của một quốc gia.

Điện ảnh đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, nhu cầu giải trí của người dân, nhất là những người trẻ. Một số quốc gia còn tài trợ và hỗ trợ ngành điện ảnh của họ trong công cuộc xâm chiếm thị trường điện ảnh quốc tế. Có trường hợp còn được sử dụng vì mục đích chính trị và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

9 - trương trọng nghĩa - tp.hcm.jpg -0
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu cũng chỉ rõ, bên cạnh việc khẳng định những yếu tố tích cực, việc nhập khẩu văn hóa phẩm nói chung và điện ảnh nói riêng cũng có những mặt tiêu cực và tác hại trước mặt, lâu dài, nhu cầu đối của một bộ phận xã hội với sản phẩm văn hóa nước ngoài mạnh mẽ hơn đối với sản phẩm văn hóa trong nước.

Các nhà sản xuất phim nước ngoài rất biết khai thác, khuyếch trương nhu cầu này để thu lợi trên đất nước ta, đẩy lùi nhu cầu văn hóa Việt Nam trên chính sân nhà của chúng ta. “Việc mở cửa hàng hóa dịch vụ cần có lộ trình và cần có những điều khoản bảo lưu. Tuy nhiên lĩnh vực văn hóa đang thiếu biện pháp này. Vì vậy, tôi đề nghị việc mở cửa đối với sản phẩm dịch vụ văn hóa phải khác, không thể dễ dãi hơn so với mở cửa cho sản phẩm dịch vụ hàng hóa vật chất” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.  

Phim do nước ngoài sản xuất tại Việt Nam phải có kịch bản bằng tiếng Việt đầy đủ

Quan tâm đến nội dung cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Điều 13 dự thảo Luật, đại biểu Tô Ái Vang  (đoàn Sóc Trăng) bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ). Theo đại biểu, kịch bản phim là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng thẩm định phim của các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về việc đánh giá chất lượng, hiệu quả đối với cơ quan được giao đặt hàng và phổ biến phim để đánh giá tính hiệu quả mang lại đối với những dự án phim sử dụng ngân sách Nhà nước, tránh trường hợp sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng không mang lại hiệu quả cao.

8 - tô ái vang - sóc trăng.jpg -0
Đại biểu Tô Ái Vang phát biểu tại phiên họp.

Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, nhiều bộ phim do nước ngoài sản xuất tại Việt Nam họ không gửi bản dịch đầy đủ mà chỉ gửi bản tóm tắt nên không kiểm soát được. Thậm chí, có bộ phim nội dung quay tại Việt Nam thì rất tốt nhưng khi về nước họ lồng các ý tưởng sai lệch vào.

“Chính vì vậy, việc quy định phải các nhà sản xuất phim nước ngoài quay tại Việt Nam phải có kịch bản đầy đủ bằng tiếng Việt, phải kiểm duyệt nội dung là rất cần thiết” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Kiến nghị kiểm tra việc phổ biến phim trên không gian mạng

Liên quan đến quy định phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Tô Ái Vang cho rằng quy định này rất phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Tuy nhiên để đảm bảo chặt chẽ, đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 5 Điều 21 theo hướng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim, việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật.

7 - trần khánh thu - thái bình.jpg -0
Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu tại phiên họp.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề nghị thực hiện hậu kiểm đối với phim trên không gian mạng; đồng thời quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét, làm rõ quyền tác giả của thành viên khác trong đoàn làm phim, là các đối tượng đa dạng, chưa được quy định rõ ràng, cụ thể, đảm bảo thống nhất với Luật Sở hữu trí tuệ; rà soát các quy định về phân loại phim; cấp giấy phép phân loại phim; tiêu chí kiểm duyệt phim.

Thu Thuỷ
.
.
.