Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp "yếu" phục hồi sau đại dịch

Thứ Sáu, 12/11/2021, 09:46

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua chúng ta mới tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp "khỏe", đang có doanh thu, lợi nhuận được hưởng ưu đái, miễn thuế, giãn thuế. Còn doanh nghiệp "yếu" chưa được hỗ trợ các chính sách tài khóa. Bộ sẽ lưu ý vấn đề này để tham mưu cho Chính phủ.

Tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng có nửa buổi sáng để giải đáp các vấn đề liên quan lĩnh vực Bộ mình quản lý mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu.

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Anh Trí đặt ra vào cuối giờ chiều 11/11 về làn sóng người lao động về quê, chiến lược đầu tư như thế nào để đảm bảo căn cơ, không xảy ra tình trạng này trong tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước hết chúng ta phải nhìn nhận việc này theo hướng đầy đủ hơn, phải coi đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến cả kinh tế - xã hội (KTXH), an ninh trật tự.

Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp
Toàn cảnh hội trường.

"Đây là vấn đề chưa có tiền lệ, chúng ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, và là nhu cầu khách quan. Về chủ quan là khả năng dự báo, ứng phó, xử lý tình huống của chúng ta, là bài học quý có thể rút ra trong thời gian chống dịch vừa qua", Bộ trưởng đánh giá.

Ở góc độ đầu tư, theo ông có 4 vấn đề liên quan: thứ nhất vấn đề quy hoạch, thứ hai vấn đề đầu tư, thứ ba cơ chế, chính sách; thứ tư là về xây dựng thị trường lao động để đảm bảo định hướng phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng miền, giữa các địa phương, giảm bớt hiện tượng này trong tương lai, để vấn đề cung - cầu lao động được dịch chuyển, phát triển hợp lý...

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) tranh luận, bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trong hoạch định KTXH với những thách thức đa chiều, đa khó khăn, tuy nhiên chương trình phục hồi kinh tế cần tính toán nợ công, tránh tăng rủi ro. ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nêu ý kiến các chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội phục hồi sau đại dịch thì cần gói hỗ trợ tiền mặt 3-4% GDP, song như thế có thể làm bội chi ngân sách. Báo cáo KTXH của Chính phủ không thể hiện rõ kế hoạch tổng thể và tổng mức chi về chính sách tài khóa và tiền tệ. Các gói còn rất riêng lẻ, đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm vấn đề này?

Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp
ĐBQH Trịnh Xuân An tranh luận tại hội trường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề tăng bội chi và nợ công, khả năng hấp thụ của nền kinh tế đảm bảo hiệu quả, tránh phá vỡ an toàn nền tài chính chung và hệ thống ngân hàng là vấn đề được Bộ KH&ĐT lưu ý trong quá trình xây dựng chương trình này, được tính toán hết sức thận trọng. Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính toán dư địa tài chính để sử dụng những công cụ tài khóa, chính sách tiền tệ vào các nhiệm vụ.

"Đồng tình ý kiến các đại biểu, đây là vấn đề hết sức quan trọng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, nên cần tính toán thận trọng để làm sao vừa phục hồi nền kinh tế, tận dụng các cơ hội, mục tiêu trong dài hạn, vừa cân nhắc an toàn, ổn định kinh tế vĩ mô", ông nêu quan điểm.

Về ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lâm Hiển, Bộ trưởng cho rằng, nếu chúng ta không nới trần nợ công và không nới trần bội chi thì chắc chắn không có nguồn lực phục hồi và phát triển. Nhưng nếu nới cao quá, không kiểm soát được, hiệu quả không đảm bảo sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài cho nền kinh tế, mất kinh tế vĩ mô, mất cân bằng các cân đối lớn thì còn nguy hiểm hơn.

Theo ông, hiện Bộ KH&ĐT đã xây dựng kịch bản, đang phối hợp với các bộ ngành tính toán một cách thận trọng, kỹ lưỡng, báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi báo cáo Quốc hội. Song ông khẳng định cũng sẽ lưu ý ý kiến đại biểu trong quá trình xây dựng kế hoạch.

Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi của đại biểu.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị cần đánh giá kỹ hơn số liệu hơn 91.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, đặc biệt khi đa số doanh nghiệp này số vốn dưới 5 tỷ đồng, "rút lui thì coi như đã chết, không thể hồi phục". Mà hệ thống này mất đi, chúng ta sẽ khó đạt chỉ tiêu 6,5% tăng trưởng GDP?

Tư lệnh ngành KH&ĐT cho hay, khó khăn của các doanh nghiệp hiện tập trung mấy vấn đề: Do tổng thầu và sản lượng doanh thu giảm mạnh; khó khăn về dòng tiền vì sản xuất phải tạm dừng, giãn hoãn; chi phí đầu vào tăng cao; việc thiếu hụt nguyên liệu; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu bị gián đoạn, lưu thông hàng hóa khó khăn; thiếu chuyên gia lao động.

Từ khi có Nghị quyết 105 và Nghị quyết 28 của Chính phủ, các doanh nghiệp cơ bản phấn khởi, mở cửa sản xuất. Các doanh nghiệp phía nam trên 90% khôi phục, 70-75% doanh nghiệp quay trở lại hoạt động... nhưng khó khăn tồn tại trong thời gian hiện nay vẫn là nguồn vốn, dòng tiền, chi phí đầu vào, thiếu hụt lao động, chi phí phòng, chống dịch, việc thực thi quy định phòng, chống dịch ở các cấp chưa thống nhất, đang còn cản trở khó khăn...

"Thời gian qua chúng ta mới tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp "khỏe", đang có doanh thu, lợi nhuận được hưởng ưu đái, miễn thuế, giãn thuế. Còn doanh nghiệp "yếu", chưa có doanh thu thì chưa được hỗ trợ các chính sách tài khóa. Chúng tôi sẽ lưu ý vấn đề này để tham mưu cho Chính phủ có chính sách cần thiết hỗ trợ cho các doanh nghiệp hết sức khó khăn, tránh đổ vỡ các doanh nghiệp này trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tính toán gói hỗ trợ lãi suất hợp lý

Trả lời làm rõ thêm câu hỏi của đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc tình hình sản xuất kinh doanh. Vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã vào cuộc rất quyết liệt. Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã giảm sâu lãi suất 3 đợt, đồng thời chỉ dạo, kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1,66% so với trước dịch. Từ khi có dịch đến nay, tổng mức giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm. Hệ thống ngân hàng cũng giảm phí khoảng 2.000 tỷ đồng cho các khách hàng, giúp giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp và người dân.

"Chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương để góp phần kiểm soát lạm phát và vai trò huyết mạch của hệ thống tín dụng trong đảm bảo an toàn, khả năng chi trả cho người dân. Đồng thời đảm bảo các cân đối lớn như nợ công, bội chi ngân sách", Thống đốc NHNN lý giải.

Vừa qua, đánh giá hoạt động của ngân hàng năm 2021, chỉ tiêu đạt lạm phát dưới 4% như Quốc hội đề ra có khả năng đạt được. Tuy nhiên, năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn. Khi nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hệ thống cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động của mình để tiếp tục giảm lãi suất, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống. Tiếp tục phối hợp các bộ ngành tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô hợp lý, song cũng phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Quỳnh Vinh
.
.
.