Kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập lực lượng Biên phòng Việt Nam (3/3)

Thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả sự say mê, tâm huyết

Thứ Sáu, 03/03/2023, 05:45

Vượt qua những khó khăn, thách thức của điều kiện thời tiết, cơ sở vật chất và sự khác biệt về ngôn ngữ …, các thành viên Đội sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Trường trung cấp 24 Biên phòng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, xứng đáng với sự tin tưởng và trọng trách được giao.

Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của QĐND nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Đặt tính mạng, tài sản của người dân lên hàng đầu.

“Anh đã đi làm về, toàn đơn vị an toàn”, chỉ đến khi nhận được cuộc gọi của tôi, vợ và các con mới có thể yên tâm đi ngủ…”, Thiếu tá Trần Quốc Hương, Cụm trưởng cụm cơ động 1, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Đội trưởng Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn BĐBP, tham gia đoàn tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ, mở đầu câu chuyện với chúng tôi.. 

Thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả sự say mê, tâm huyết -0
Các huấn luyện viên và chó nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ tìm, kiếm tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 12/12, tổ công tác của Trường Trung cấp 24 Biên phòng nhận lệnh làm nhiệm vụ tham gia hỗ trợ, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Từ khi nhận lệnh đến lúc lên đường, Thiếu tá Trần Quốc Hương và đồng đội chỉ có vỏn vẹn một ngày để làm công tác chuẩn bị cho cả người và các chú cảnh khuyển. Ngoài các đồ dùng thiết yếu gồm túi ngủ, tất, giày, lương khô, mỳ tôm cho CBCS thực hiện nhiệm vụ, họ còn chuẩn bị áo chống rét cho chó nghiệp vụ, thịt hộp và cám khô… Thiếu tá Hương cho biết: "Đây không phải là lần đầu tiên chó nghiệp vụ di chuyển bằng máy bay nhưng đây là chuyến đi kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ nên công tác chuẩn bị được chúng tôi thực hiện một cách kỹ lưỡng. Trước khi lên máy bay, các thành viên của tổ phải cho cho chó nghiệp vụ vụ ăn và uống nước đầy đủ, đảm bảo trong vòng khoảng 10-12h đồng hồ, các chú cảnh khuyển không phải ăn lại".

“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi và đồng đội đã biết được những khó khăn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, sau thảm hoạ động đất… Nhưng khi đến thực địa, tận mắt chứng kiến cảnh tượng hoang tàn, đổ nát của cơ sở hạ tầng; hình ảnh người dân thiếu ăn, thiếu nước uống, không có chỗ ở, nhiều người bị thương nặng và hàng chục nghìn người đã chết đang nằm lại dưới những công trình sụp đổ do động đất gây ra, chúng tôi không thể kìm nén được cảm xúc trong lòng”- Thiếu tá Hương cho biết. Từ đó, anh và đồng đội càng thấu hiểu, cảm nhận sâu sắc hơn về những đau thương, mất mát của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm này. Khi ấy, mỗi thành viên trong Đội đều tự hứa với bản thân phải quyết tâm thực tốt, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, góp phần chia sẻ, giúp đỡ người dân, chính quyền địa phương nước bạn vượt qua khó khăn trước mắt. 

Ngay sau khi đến tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ - một trong số các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất do thảm họa động đất vừa qua gây ra, Đội đã chủ động, tích cực, khẩn trương phối hợp cùng. Thiếu tá Trần Quốc Hương cho biết, trước đó, anh và cùng đồng đội đã tham gia rất nhiều lần cứu hộ, cứu nạn ở trong nước như thuỷ điện Rào Trăng hay ở những vùng sạt lở nghiêm trọng. Vậy nhưng khi có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, mới thấy được khó khăn rất lớn. Giữa hàng triệu tấn bê tông và đất đá đổ xuống, công tác tìm, kiếm chẳng khác gì mò kim đáy bể…

Song ánh mắt vô vọng của những người dân Thổ Nhĩ Kỳ mòn mỏi chờ đợi với hy vọng tìm được người thân trong đổ nát khiến anh và đồng đội quên hết mệt mỏi. Bằng kinh nghiệm của bản thân, anh cùng đồng đội đã tìm ra những phương pháp mới để nhanh chóng tìm các nạn nhân.

Vì thế, ngay những ngày đầu tiên, chó nghiệp vụ đã nhanh chóng thích nghi với cường độ công việc, tìm được 2 vị trí người đã mất. Thiếu tá Hương tiếp lời: Thông thường, cái khó khăn nhất là sự thay đổi về thời tiết. Trước đó, trong quá trình huấn luyện, những chú cảnh khuyển này đã được luyện tập cơ bản. Những chú giống chó Becgie, đặc biệt là giống chó đang thực hiện nhiệm vụ thích hợp với khí xứ lạnh nên đã nhanh chúng thích nghi với điều kiện để Thiếu tá Hương và đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Chính vì thế, các chú cảnh khuyển này đã tích cực tham gia tìm kiếm…

Chia sẻ về những kỷ niệm đặc biệt nhất, Thiếu tá Trần Quốc Hương nói với tôi rằng, ấn tượng nhất với anh có lẽ là sự tin tưởng và tình cảm của người dân địa phương dành cho những  lính Bộ đội cụ Hồ. Khi nhìn thấy các anh, mọi người đều đặt tay lên ngực của mình…, thay lời muốn nói cảm ơn. Trong khoảnh khắc ấy, sự bất đồng về ngôn ngữ dường như đã không còn là trở ngại. Những hành động của người dân đã nói lên tất cả. 

Sáng mãi hình ảnh người lính

Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ nhiệm Bộ môn huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Phó đội trưởng Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn BĐBP nói với chúng tôi: Hôm nay, chúng tôi rất vui bởi đã thực hiện hoàn thành, phải nói là xuất sắc nhiệm vụ tìm kiêm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đất bạn Thổ Nhĩ Kỳ; giúp người dân tìm kiếm được 38 thi thể, bàn giao cho lực lượng chức năng nước sở tại. Cùng với đó là việc trở về nước an toàn, cả về người và chó nghiệp vụ.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa là người trực tiếp hướng dẫn chó nghiệp vụ tiến hành tìm kiếm. Khi nhìn thấy những thi thể dưới những đống đổ nát; trực tiếp đào bới thi thể và đưa ra bên ngoài, anh không khỏi thương tâm, đau xót… Trước những mất mát của đất nước và người dân Thổ Nhĩ Kỳ, anh và đồng đội quyết tâm, vượt qua những khó khăn, nguy hiểm để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm để giúp đỡ đất.

 Anh Nghĩa cho biết: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ riêng đoàn Việt Nam mà có hơn 40 quốc gia tham gia tìm kiếm cứu nạn. Trong số đó, đoàn của Việt Nam có vóc người nhỏ bé nhất… Nhưng bên trong mỗi dáng vóc nhỏ bé ấy lại là một tinh thần quả cảm, sự quyết tâm rất lớn, bởi anh và đồng đội xác định Tổ quốc giao cho chúng tôi một nhiệm vụ cao cả, thể hiện được tinh thần của người Việt Nam, bộ đội cụ Hồ, phẩm chất bộ đội cụ Hồ, trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Trong quá trình đó, Đại úy Nghĩa và đồng đội phải đối mặt với không ít khó khăn. Thời tiết của Hatay rất khắc nghiệt. Về ban đêm, nhiệt độ thường giảm xuống từ -3 đến -5 độ C nên buổi sáng sớm hầu như toàn bộ nước đều đóng băng hết… Vì vậy, tranh thủ vào ban ngày, khi nhiệt độ tăng lên từ 3 đến 5 độ, đội quyết tâm tìm kiếm. Ngoài khó khăn, họ còn phải đối mặt với hiểm nguy.

“Tại Hatay thường xuyên xảy ra những trận rung chấn, làm rung chuyển toàn bộ thành phố. Vào thời điểm đó, có những ngôi nhà đã bị sập hoàn toàn rồi nhưng có những ngôi nhà chưa bị sập…, nguy cơ có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Vì thế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ vừa quan sát hiện trường, vừa phải điều chó nghiệp vụ vào để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho huấn luyện viên và chó nghiệp vụ”- Đại uý Nghĩa cho biết.

Đồng chí Nghĩa và nhiều đồng chí huấn luyện viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không kể hiểm nguy đến tính mạng của cá nhân và cũng cả tính mạng của chó nghiệp vụ, có những lúc, họ dám chui vào những khe, những căn hầm của nhà dân để tìm kiếm những vị trí thi thể nạn nhân đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát...

Trong thực hiện nhiệm vụ từ đồng chí trưởng đoàn quán triệt cả đoàn đều coi người dân nước Thổ Nhĩ Kỳ như là người ruột thịt và bản thân mình. Chính vì vậy, tất cả công tác, nhiệm vụ họ đã làm bằng trái tim, làm bằng tâm huyết, làm bằng trách nhiệm, làm sao đúng như mong muốn của thủ trưởng bộ, như là các cơ quan ban, ngành, đặc biệt là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân nhân QĐND Việt Nam đã giao nhiệm vụ để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, động viên kịp thời của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên, trong điều kiện thời gian gấp Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xác định quyết tâm, trách nhiệm cao, chủ động tổ chức rà soát, lựa chọn được 9 đồng chí cán bộ, huấn luyện viên, nhân viên chuyên môn, tham gia thực hiện nhiệm vụ có nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ; 6 chó nghiệp vụ chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn có thể lực tốt, thần kinh linh hoạt.

Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị vật chất, trang thiết bị sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ khi có lệnh. Đến 22h05, ngày 12/2, Đội sử dụng chó nghiệp vụ tham gia cứu hộ, cứu nạn do thảm họa động đất xuất phát từ sân bay Quốc tế Nội Bài.

Sau nhiều chặng đường di chuyển bằng các phương tiện khác nhau, đến 15h30 giờ địa phương (19h30 ngày 13/2 giờ Hà Nội), Đội đến tỉnh Hatay, sau đó di chuyển bằng đường bộ khoảng 200km đến nơi triển khai nhiệm vụ tại xã Haci Omer Alpagot, huyện Antakya, tỉnh Hatay, đây là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất và dư chấn (ngày 20/2 vẫn xảy ra 2 trận động đất dư chấn mạnh 6,3 và 5,8 độ rích te). Mặc dù điều kiện khó khăn, nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ban đêm từ âm 6 độ C đến âm 10 độ C; lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt cho bộ đội thiếu thốn đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ của bộ đội và chó nghiệp vụ, xong đến 9h30 giờ địa phương (13h30 ngày 14/2 giờ Hà Nội) Đội sử dụng chó nghiệp vụ tham gia cứu hộ, cứu nạn nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại nhiều vị trí. Vào lúc 10h địa phương (14h Hà Nội), Đội bắt đầu triển khai nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Sau 1h, chó nghiệp vụ đã phát hiện vị trí đầu tiên có nguồn hơi người và bàn giao cho lực lượng sở tại sử dụng những trang bị nặng để phá dỡ, đưa nạn nhân ra ngoài.

Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đội sử dụng chó nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn đã triển khai tìm kiếm xác định 31 điểm, phát hiện 15 vị trí có nạn nhân trong đống đổ nát; đưa được 38 nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.

Xuân Mai
.
.
.