Trong chất vấn, đại biểu không hỏi vẫn có quyền tranh luận

Thứ Tư, 17/08/2022, 11:26

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đại biểu Quốc hội không tranh luận giữa các đại biểu với nhau, còn tranh luận đối với Bộ trưởng, trưởng ngành, người trả lời chất vấn thì hợp lý, dù không hỏi vẫn có thể tranh luận, đó là quyền của đại biểu Quốc hội.

Sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Chất vấn 1 phút, tranh luận 1-2 phút

Tờ trình do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày cho biết, sau gần 7 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo nghị quyết bổ sung 5 điều, sửa đổi 41 điều và kế thừa giữ nguyên 10 điều, trong đó gồm 24 vấn đề mới.

Trong chất vấn, đại biểu không hỏi vẫn có quyền tranh luận -0
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình.

Về việc tranh luận trong hoạt động chất vấn, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định thời gian tranh luận không quá 2 phút, vì thực tế tại các phiên chất vấn trong thời gian gần đây, mỗi đại biểu chỉ có 1 phút để chất vấn và phải đợi đến lượt mới được hỏi, trong khi có trường hợp đại biểu không có câu hỏi nhưng lại được quyền tranh luận, không cần đợi theo thứ tự đăng ký và có đến 2 phút để tranh luận là không công bằng.

"Do đó, đề nghị làm rõ nguyên tắc bất kỳ đại biểu nào hay chỉ đại biểu đặt câu hỏi đó mới có quyền tranh luận với người trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, cần làm rõ sự khác nhau giữa khái niệm tranh luận trong hoạt động chất vấn với khái niệm chất vấn lại", Tổng Thư ký Quốc hội nêu.

Trong chất vấn, đại biểu không hỏi vẫn có quyền tranh luận -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thảo luận tại phiên họp.

Có ý kiến cho rằng, tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì đại biểu Quốc hội cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu và không chỉ đại biểu có câu hỏi mà đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận với người bị chất vấn. Còn chất vấn lại được hiểu là đại biểu đã chất vấn nhưng không hài lòng với câu trả lời thì có quyền chất vấn lại người bị chất vấn.

Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã nội quy hóa đổi mới trong hoạt động chất vấn đã được thực tiễn kiểm nghiệm đó là giảm thời gian chất vấn, chất vấn lại xuống 1 phút. Theo đó, thời gian tranh luận cũng chỉ nên trong khoảng 1-2 phút.

Chủ tọa có thể kéo dài phiên họp nhưng phải được Quốc hội đồng ý

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần quy định rõ trường hợp nào được tranh luận, trường hợp nào được chất vấn lại. Trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, không nên bỏ qua quyền chất vấn lại của đại biểu không trực tiếp chất vấn, vì chất vấn là quyền của đại biểu nói chung chứ không phải của riêng đại biểu nào.

Trong chất vấn, đại biểu không hỏi vẫn có quyền tranh luận -0
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

"Bản chất tranh luận là để đi đến tận cùng vấn đề, tìm ra chân lý. Do vậy, không nên giới hạn tranh luận hay chất vấn lại, đó là quyền của đại biểu trong nghị trường và cũng chính là mở rộng dân chủ nghị trường" - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu quan điểm.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tranh luận trong chất vấn là quyền của đại biểu, do đó không nên giới hạn chỉ những đại biểu đặt câu hỏi mới có quyền tranh luận. "Chỉ không tranh luận giữa các đại biểu với nhau, còn tranh luận đối với Bộ trưởng, trưởng ngành, người trả lời chất vấn thì hợp lý, dù không hỏi vẫn có thể tranh luận, đó là quyền của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, đại biểu nào chất vấn thì được ưu tiên tranh luận trước", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Về thời gian tranh luận, không quá 2 phút như dự thảo là phù hợp. Thời gian chất vấn thì không quá 1 phút.

Trong chất vấn, đại biểu không hỏi vẫn có quyền tranh luận -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp.

Đối với thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mốc thời gian 7 phút là phù hợp, không nên rút xuống nữa. Quan trọng là làm sao để phiên họp nhiều người tham gia phát biểu nhất, nhất là những phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, thứ hai là người điều hành, chủ tọa có thể xin phép giảm thời gian xuống, nhưng không nên giảm dưới 5 phút, và được sự đồng ý của Quốc hội mới thực hiện.

Đề cập đến bức thư của cử tri TP Hồ Chí Minh về mong muốn rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dù chưa theo hướng này được nhưng nên có cách để rút bớt, chẳng hạn, với các phát biểu thảo luận tại tổ, đã được ghi nhận rồi, nhưng đến khi ra hội trường lại bê nguyên bài phát biểu đó ra phát biểu, thì có cần thiết không?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, nên chăng dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và cho Quốc hội trong điều hành phiên họp, theo tinh thần "Quốc hội làm hết việc chứ không hết giờ". "Tại khóa XIII, XIV, chúng ta cũng đã cho kéo dài thời gian phiên họp rồi. Có thể không phải 17h mà 17h30, 18h, thậm chí 19h. Có những phiên đông người, nội dung thảo luận nhiều, thấy cần thiết kéo dài thì làm, nhưng với điều kiện được Quốc hội đồng tình", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Quỳnh Vinh
.
.
.