Công an Hà Nam quyết liệt đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”

Thứ Ba, 09/11/2021, 08:39

Theo cơ quan Công an, việc tiến hành giao dịch giữa người cho vay và người đi vay của các tổ chức “tín dụng đen” thường rất kín đáo. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được vốn của ngân hàng. Đây là lí do mà “tín dụng đen” vẫn còn “đất” sống và lộng hành.

Quyết liệt đấu tranh tội phạm “tín dụng đen”

Hoạt động “tín dụng đen” kéo theo việc đòi nợ đã gây nên nhiều hệ lụy phức tạp. Đây cũng chính là nguyên nhân phát sinh tình hình tội phạm gây mất an ninh, trật tự ở cơ sở. Tại Hà Nam, để làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an các huyện, thị xã, thành phố tập trung lực lượng, xác lập chuyên án, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với tội phạm cho vay lãi nặng, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn và hệ lụy của hoạt động vay, mượn tiền liên quan đến “tín dụng đen”; chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, nhất là các đối tượng hình sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư… nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê.

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, tập trung xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, cơ quan chức năng tập trung lực lượng “đánh mạnh”, “đánh trúng” các ổ nhóm, đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính vi phạm pháp luật.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, các lực lượng chức năng Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện đấu tranh làm rõ 18 vụ, bắt 22 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay trái pháp luật, với tổng số tiền lên đến 50 tỷ đồng, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn.

image001.jpg -0
Cơ quan Công an khám xét nơi ở của đối tượng Linh ở Thanh Liêm và tang vật vụ án (Ảnh trước ngày 30/4/2021).

Người dân cần hết sức tỉnh táo, tránh “sập bẫy”

Theo Thượng tá Đỗ Hoài Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam, để triệt phá được các đường dây hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng Công an đã rất quyết tâm và bỏ nhiều công sức trong điều tra, thu thập tài liệu để chứng minh hành vi của các đối tượng.

Do các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường tìm cách lách luật nên trước đây, cơ quan Công an thường bắt các đối tượng thông qua tội danh khác, sau mở rộng điều tra liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi. Nhưng hiện nay, với những nỗ lực trong thu thập tài liệu và củng cố chứng cứ, cơ quan Công an đã bắt và khởi tố trực diện với các đối tượng về tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Điển hình, tháng 5/2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Quốc Lượng (SN 1991), Lại Văn Dương (SN 1988) và Nguyễn Xuân Hoằng (SN 1984), đều trú ở phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tổ chức đánh bạc dưới hình thức “số lô, số đề”. Nhóm đối tượng này cho vay với mức lãi suất 5 nghìn đồng/triệu đồng/ngày (tương đương 180%/năm). Đặc biệt, nhằm che giấu hành vi và để qua mắt cơ quan chức năng, nhóm đối tượng đã “biến tấu” việc cho vay nặng lãi dưới chiêu trò lập các hợp đồng mua bán “tài sản ảo” cho nạn nhân để hợp lý hóa việc cho vay nặng lãi.

Theo cơ quan công an, việc tiến hành giao dịch giữa người cho vay và người đi vay của các tổ chức “tín dụng đen” thường rất kín đáo. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được vốn của ngân hàng. Đây là lí do mà “tín dụng đen” vẫn còn “đất” sống và lộng hành.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Hoài Nam khuyến cáo: “Khi thực sự có nhu cầu vay vốn làm ăn, kinh doanh thì mỗi người dân cần tìm đến những kênh thông tin cho vay chính thống, như ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng được cấp phép. Trong trường hợp không may trở thành nạn nhân của ‘tín dụng đen’ cần hết sức bình tĩnh, khẩn trương báo cho cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời”.

Với mức lãi “khủng” tăng theo cấp số nhân, vấn nạn “tín dụng đen” khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng. Chính vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo để tránh “sập bẫy” “tín dụng đen”, gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, rất cần sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể; đặc biệt là sự hợp tác, trách nhiệm của mỗi gia đình, người dân trong công tác tố giác, đấu tranh phòng, chống, tội phạm, phục vụ cho việc điều tra, xử lý các đối tượng trước pháp luật.

Lan Anh- Lê Phượng
.
.
.