ASEAN với 56 năm duy trì hòa bình và an ninh

Thứ Ba, 08/08/2023, 22:19

Ngày 8/8, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 56 năm Ngày thành lập (8/8/1967 - 8/8/2023). Thành tựu nổi bật nhất của tổ chức khu vực này trong 6 năm tồn tại và phát triển là duy trì được hòa bình và an ninh, cũng như việc mở rộng thành 10 nước, và sắp tới là 11 nước với việc kết nạp Timor-Leste, qua đó quy tụ toàn bộ khu vực Đông Nam Á thành một cộng đồng.

Vốn được thành lập trong giai đoạn cao điểm của Chiến tranh Lạnh, ASEAN hiện đang có vai trò rất mạnh mẽ trong khu vực và cộng đồng toàn cầu, giữ vị thế “trung tâm” trong các cấu trúc khu vực và hiện cũng có tư cách pháp nhân với việc thông qua Hiến chương ASEAN vào năm 2008. Với việc 10 quốc gia thành viên hiện đều có Đại sứ - Đại diện thường trực tại ASEAN, bên cạnh Đại sứ của các nước đối tác đối thoại và Đại sứ kiêm nhiệm của hàng loạt nước khác, có thể nói rằng ASEAN đang phát triển mạnh mẽ trên khía cạnh quan hệ ngoại giao.

ASEAN với 56 năm duy trì hòa bình và an ninh -0
Lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 56 năm thành lập Hiệp hội tại trụ sở Bộ Ngoại giao.

Xét về mặt cộng đồng, ASEAN chứng kiến các hoạt động kết nối, giao lưu nhân dân ngày càng tăng; công dân ASEAN hiện có thể đi lại tự do trong khu vực mà không cần thị thực. ASEAN trở thành cứ điểm sản xuất và thị trường đơn nhất trên cơ sở một cộng đồng kinh tế. Cộng đồng kinh tế ASEAN ngày càng mở rộng, thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của các đối tác thương mại.

ASEAN đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ...; có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand; đang tiến hành đàm phán FTA với Canada và thảo luận khả năng ký kết FTA với các khu vực mậu dịch khác như Liên minh châu Âu (EU) nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn từ thương mại tự do cho các công dân của mình.

ASEAN hiện có một Ban Thư ký làm việc cần mẫn để phục vụ các lợi ích cốt lõi của toàn khối, cũng như lợi ích của từng quốc gia thành viên, và làm việc với các đối tác bên ngoài để họ tiếp tục hỗ trợ các chương trình nghị sự của ASEAN, đặc biệt là công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy kết nối và hội nhập, đồng thời đảm bảo ASEAN tiếp tục phát triển và đi lên.

Và để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, thích ứng hơn, phù hợp hơn, đồng thời duy trì sự thống nhất, đoàn kết và vai trò trung tâm của mình, ASEAN đã thành lập Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN tới năm 2045 nhằm đưa ra các khuyến nghị, đề xuất để các nhà lãnh đạo thông qua vào năm 2025, nhằm biến ASEAN trở nên vững mạnh hơn, sẵn sàng ứng phó với các thách thức.

Hiện các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang tích cực thực hiện 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN nhằm ổn định an ninh và giải quyết các thách thức trong khu vực. Trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tổ chức khu vực này đã đạt được một số thành tựu cụ thể. Thứ nhất, đó là nguyên tắc hợp tác. ASEAN đặt ra các cơ chế đối thoại, nơi các nước thành viên có thể bày tỏ quan điểm trong một thế giới ngày càng hội nhập. Các cơ chế bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM)... Những diễn đàn, hội thảo giữa lãnh đạo các nước trong tương lai sẽ giúp ASEAN gắn kết, hòa bình, ổn định với trách nhiệm chung về an ninh toàn diện. Trụ cột này hướng tới mục tiêu ASEAN là một khu vực năng động.

Thứ hai, đó là giải quyết và ngăn chặn xung đột. ASEAN đang đóng vai trò tích cực, chủ động và linh hoạt trong việc ngăn ngừa xung đột trong khu vực như vấn đề Biển Đông, thông qua Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đang tiến hành đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Về tự do hóa thương mại, ASEAN đã xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử giữa các nước nhằm bảo đảm quyền lợi từ xuất nhập khẩu hàng hóa cho tới các loại dịch vụ quốc tế trong ASEAN. Tiếp đến là thuận lợi hóa thủ tục đầu tư.

Các nước ASEAN có yêu cầu khác nhau đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và nhập khẩu, việc xây dựng trụ cột kinh tế giúp đơn giản hóa những yêu cầu này và làm gia tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của từng quốc gia. Trụ cột này cũng thúc đẩy quan hệ đối tác đầu tư giữa các doanh nghiệp lớn trong ASEAN. Cuối cùng là các thành tựu trong Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN được tạo ra làm cầu nối văn hóa giữa các nước trong khu vực.

Về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, ASEAN đang thực thi sáng kiến trao đổi hợp tác giáo dục nội khối, bao gồm trao đổi sinh viên, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cũng như chất lượng giáo dục đào tạo của các nước. Về trao đổi và bảo tồn văn hóa, mục tiêu này đang được thực thi thông qua các lễ hội và sự kiện văn hóa nhằm nâng cao hiểu biết và đa dạng hóa văn hóa trong xu hướng hội nhập, nhưng vẫn bảo tồn được những nét văn hóa riêng của các nước thành viên. Trụ cột này giúp giới thiệu, bảo tồn những thành tựu về văn hóa, kinh tế của mỗi quốc gia trong khu vực, giới thiệu với người dân các nước thành viên về lịch sử cũng như mang đến những cơ hội giao lưu như trao đổi, giao lưu văn hóa giữa các trường đại học, cơ hội việc làm, chương trình nghiên cứu chuyên sâu nhằm đa dạng hóa sự phát triển nguồn nhân lực trẻ.

Ba trụ cột nêu trên sẽ mở ra rất nhiều cơ hội phát triển và hợp tác, nhưng đồng thời đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho mỗi quốc gia. Điều quan trọng là các quốc gia ASEAN vẫn sẽ luôn tôn trọng và đồng hành cùng nhau trên con đường phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa giúp đỡ lẫn nhau nhằm hướng tới một khối thịnh vượng chung và tăng cường vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

Khổng Hà  (tổng hợp)
.
.
.