Bước ngoặt nguy hiểm trong cuộc xung đột ở Ukraine

Thứ Sáu, 27/01/2023, 07:47

Việc Mỹ và đồng minh châu Âu tuyên bố viện trợ Ukraine hàng chục xe tăng tối tân khó đảo ngược cục diện chiến trường một cách nhanh chóng, nhưng nó tạo tiền đề để Kiev nhận thêm các loại vũ khí hạng nặng mới và có thể đẩy căng thẳng với Nga leo thang tới ngưỡng nguy hiểm.

Trong thông báo phát đi rạng sáng 26/1 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông đã chấp thuận đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin về việc viện trợ Ukraine một tiểu đoàn 31 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất, coi đây là động thái cần thiết để Kiev “nâng cao năng lực phòng thủ và đạt được các mục tiêu chiến lược”, ABCNews đưa tin. Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ sẽ giúp Ukraine huấn luyện binh sĩ sử dụng xe tăng M1 Abrams và cung cấp phụ tùng thay thế. Ông Biden không nêu rõ việc chuyển giao diễn ra khi nào nhưng xác nhận quá trình đó “sẽ mất thời gian”. “Những chiếc xe tăng này là bằng chứng rõ ràng về cam kết bền bỉ, không lay chuyển của chúng tôi với Ukraine, cũng như sự tin tưởng của chúng tôi vào năng lực quân đội Ukraine”, ông Biden nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram thông báo nước này sẽ gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 tới Ukraine dù chưa công bố số lượng và thời điểm cụ thể. “Na Uy ủng hộ việc viện trợ xe tăng chiến đấu cho Ukraine”, Bộ trưởng Gram nói. Theo Politico, một số nước châu Âu khác cũng đang cân nhắc chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Kiev, với tổng số lượng có thể lên đến hơn 80 chiếc, tương đương khoảng hai tiểu đoàn xe tăng. Trong khi đó, Ukraine kì vọng 12 quốc gia phương Tây có thể sớm viện trợ họ tới 100 xe tăng Leopard 2.

Bước ngoặt nguy hiểm trong cuộc xung đột ở Ukraine -0
M1 Abrams được đánh giá là mẫu xe tăng tốt nhất của Mỹ. Ảnh: Getty Images

Các động thái kể trên được đưa ra sau khi Đức hôm 25/1 đồng ý gửi 14 xe tăng Leopard 2 sang Ukraine và mở đường cho các quốc gia châu Âu khác sở hữu mẫu xe tăng này gửi thiết giáp của họ tới Ukraine nhằm cải thiện kho vũ khí tổng hợp mà Kiev cần để mở các cuộc phản công mới. Việc bàn giao xe tăng Leopard 2 của Đức có thể diễn ra trong khoảng 3 tháng nữa. Động thái của Đức và Mỹ đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine. Kiev từ lâu đã kêu gọi Đức và các đối tác phương Tây cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2, nhưng vấp phải sự do dự từ các quan chức và nhà lập pháp ở Berlin.

Phát biểu trước quốc hội Đức cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tìm cách trấn an dư luận khi nhấn mạnh, Đức sẽ không tham gia trực tiếp cuộc xung đột ở Ukraine mà vẫn đang tiếp tục tìm cách “ngăn chặn sự leo thang giữa Nga và NATO”. “Việc gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine là kết quả của một quá trình tham vấn căng thẳng với các đồng minh và đối tác quốc tế. Thực tế là đang có một cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu, cách không xa Berlin”, ông Scholz giải thích.

Tuy nhiên, Nga không đồng tình với cách lập luận của phương Tây và cảnh báo phản ứng quyết liệt. Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov ngày 25/1 gọi việc phương Tây gửi xe tăng sang Ukraine là bước đi “gây hấn trắng trợn”, còn Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev coi đây là hành động “cực kì nguy hiểm” đẩy căng thẳng lên “mức đối đầu mới”. Từ Moscow, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov một lần nữa nhấn mạnh, việc phương Tây chuyển giao thiết giáp hạng nặng không giúp Kiev đạt tiến triển trên chiến trường mà chỉ dẫn tới đổ máu không cần thiết. Ông Peskov cảnh báo Nga cũng có thể coi Mỹ và châu Âu là các bên “can dự trực tiếp” vào cuộc xung đột ở Ukraine. Vài giờ sau các tuyên bố đó, Nga trong ngày 26/1 đã mở một đợt không kích tên lửa quy mô lớn vào các mục tiêu trên khắp lãnh thổ Ukraine. Quân đội Ukraine như thường lệ tuyên bố họ đánh chặn được lượng lớn hỏa lực Nga, nhưng thừa nhận hứng thiệt hại ở một số khu vực.

Theo Reuters, xe tăng M1 Abrams và Leopard 2 là hai mẫu thiết giáp chiến đấu uy lực bậc nhất thế giới do Mỹ và Đức phát triển. Với chiến tuyến kéo dài gần 1.000km, cơ số khoảng 3 tiểu đoàn xe tăng mà phương Tây hứa gửi sang Ukraine không thể đảo ngược cục diện xung đột, đó là chưa kể các rào cản về bảo trì, đạn dược và phương tiện hỗ trợ. Tuy nhiên, với đặc tính kĩ thuật vượt trội các loại thiết giáp mà quân đội Ukraine đang vận hành, chúng vẫn có thể gây thiệt hại lớn hơn cho quân đội Nga khi đi vào chiến đấu thực tế, nhất là ở chiến trường Donbass.

Bên cạnh đó, việc sẵn sàng viện trợ Kiev xe tăng hiện đại cho thấy phương Tây đã sẵn sàng với kịch bản xung đột ở Ukraine tiếp tục kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Bước đi này còn khiến Kiev giữ hi vọng nhận thêm những loại vũ khí tối tân hơn như máy bay chiến đấu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối ngày 25/1 đã thúc giục phương Tây sớm cân nhắc viện trợ máy bay phản lực và tên lửa tầm xa. “Đó là giấc mơ và cũng là nhiệm vụ”, ông Zelensky mô tả.

Bước sang tháng chiến sự thứ 12, Nga và Ukraine đều đã hứng chịu những tổn thất đáng kể trên chiến trường, nhưng chưa bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Ở mặt trận Donetsk, Nga có ưu thế khi giành quyền kiểm soát thị trấn nhỏ Soledar sau nhiều tuần giao tranh và đang bao vây thị trấn Bakhmut lân cận. Theo các nhà quan sát, thời tiết lạnh giá vào mùa Đông khiến giao tranh khó mở rộng bởi khả năng cơ động và hậu cần của hai bên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chiến sự có thể diễn ra ác liệt hơn khi thời tiết ấm dần lên, trong bối cảnh Ukraine và khối phương Tây hậu thuẫn họ đặt cược vào khả năng chiến thắng của Kiev trên chiến trường; còn Nga cương quyết không rút quân tới khi mọi yêu cầu về an ninh và lãnh thổ được đáp ứng.

Thái Hà
.
.
.