Định hình quan hệ đối tác toàn diện

Thứ Bảy, 29/07/2023, 08:30

Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi lần thứ 2 diễn ra trong các ngày 27-28/7 tại TP St. Petersburg, Liên bang Nga là sự kiện cấp cao nhất và có quy mô lớn nhất trong quan hệ Nga - châu Phi từ trước đến nay, thu hút sự tham gia của 17 nguyên thủ quốc gia và gần 50 phái đoàn của các nước châu Phi. Hội nghị lần này không chỉ mang tính kinh tế mà còn là hội nghị mang ý nghĩa nhân đạo.

Đồng ý với các nhà lãnh đạo châu Phi về hợp tác kinh tế và nhân đạo lâu dài, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga coi mối quan hệ đối tác với châu Phi là mối quan hệ quan trọng và Moscow mong muốn đẩy lên thành mối quan hệ toàn diện. Nga luôn đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp ngũ cốc cho châu Phi, bao gồm cả viện trợ nhân đạo thông qua Liên hợp quốc (LHQ). Vì vậy, năm 2022, Nga đã gửi 11,5 triệu tấn sang Lục địa đen và riêng nửa đầu năm nay, dù trong bối cảnh bị trừng phạt, con số này đã là 10 triệu tấn. Nga sẵn sàng cung cấp miễn phí hàng trăm nghìn tấn ngũ cốc cho các quốc gia châu Phi có nhu cầu, đồng thời, Nga sẽ giúp châu Phi thiết lập nền nông nghiệp của riêng mình.

Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng trong những tháng tới sẽ cung cấp miễn phí cho Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea từ 25.000 đến 50.000 tấn ngũ cốc. Chúng tôi đảm bảo cung cấp và vận chuyển miễn phí những sản phẩm này đến người tiêu dùng”.

Định hình quan hệ đối tác toàn diện -0
Tổng thống Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Phi bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi ở St. Petersburg.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng bày tỏ tin tưởng triển vọng ghép Liên minh châu Phi (AU) với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Điều này giúp hình thành một hành lang vận tải Bắc - Nam để đưa hàng hóa của Nga đến Biển Arab và từ đó đến Lục địa Đen. Trong khi đó, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga Kirill khẳng định, người Nga và người châu Phi xích lại gần nhau bởi lòng trung thành với các giá trị truyền thống: Tình yêu và sự tôn trọng lịch sử. Ông tin tưởng chắc chắn rằng Nga và châu Phi sẽ cung cấp cho thế giới một mô hình xây dựng về quan hệ trung thực và công bằng giữa các dân tộc.

Về phần mình, với thái độ hết sức thân thiện, đại diện các nước châu Phi đề cập sự cần thiết phải hoàn thành hoạt động đặc biệt ở Ukraine càng sớm càng tốt và khôi phục chuỗi cung ứng ngũ cốc và phân bón. Với tư cách là người đứng đầu Comoros, Chủ tịch AU Azali Assoumani cho biết, xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn trên lục địa. Ông kêu gọi tất cả những người tham gia quá trình này tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc. Các nước cần đấu tranh vì hòa bình bền vững giữa Nga và Ukraine. Chủ tịch AU bày tỏ hy vọng hợp tác chặt chẽ với Nga trên mọi lĩnh vực. Ông lưu ý, các nước châu Phi gần đây đã tạo ra một khu vực thương mại tự do và đang cố gắng hình thành một chương trình nghị sự phát triển chung. Trong khuôn khổ quan hệ hợp tác Nga-Phi, ông Azali Assoumani đề xuất tập trung vào quan hệ đối tác công - tư và các lĩnh vực hứa hẹn nhất bao gồm nông nghiệp, năng lượng và chăm sóc sức khỏe.

Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh, Tổng thống Vladimir Putin đã có bài viết với tiêu đề “Nga và châu Phi: Nỗ lực chung vì hòa bình, tiến bộ và tương lai thành công”. Trong bài viết, ông cho biết, mối quan hệ đối tác giữa Nga và châu Phi có nguồn gốc sâu xa và bền chặt và “luôn nổi bật bởi sự ổn định, tin cậy và thiện chí”, đề cập đến sự hợp tác lâu dài của Moscow với lục địa này cùng sự hỗ trợ quy mô lớn cho các nước châu Phi trong giai đoạn khủng hoảng thời Xô Viết. Theo ông, hiện nay, mối quan hệ đối tác mang tính xây dựng, tin cậy, hướng tới tương lai giữa Nga và châu Phi đặc biệt có ý nghĩa và quan trọng khi “các trung tâm quyền lực và ảnh hưởng kinh tế và chính trị mới xuất hiện trên thế giới”.

Ông nêu rõ: “Chúng tôi chắc chắn rằng một trật tự thế giới đa cực mới, những đường nét của nó đã được hình thành, sẽ công bằng và dân chủ hơn. Chắc chắn rằng châu Phi, cùng với châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh, sẽ có vị trí xứng đáng trong đó và cuối cùng sẽ tự giải phóng mình khỏi di sản cay đắng của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và kiểu mới”. Nhà lãnh đạo Nga cho biết Moscow “ủng hộ việc trao cho các nước châu Phi vị trí xứng đáng trong các cấu trúc quyết định số phận của thế giới, bao gồm Hội đồng Bảo an LHQ và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cũng như cải cách các tổ chức tài chính và thương mại toàn cầu theo cách đáp ứng lợi ích của họ”.

Đề cập đến mối quan hệ thương mại giữa Nga và châu Phi, người đứng đầu Điện Kremlin thông báo: “Kim ngạch thương mại của Nga với các nước châu Phi đã tăng lên vào năm 2022 và đạt gần 18 tỷ đô la Mỹ (USD). Tuy nhiên, tất cả các bên đều nhận thấy rõ tiềm năng của quan hệ đối tác kinh tế và thương mại giữa hai bên còn rất lớn. Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc cung cấp lương thực liên tục cho sư phát triển kinh tế xã hội và ổn định chính trị của các quốc gia châu Phi”. Ông đặc biệt đề cập đến Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen, với mục đích ban đầu là đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia dễ bị tổn thương ở “Nam bán cầu”.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của thỏa thuận đã không đạt được, với 70% ngũ cốc của Ukraine được đưa đến các nước có thu nhập trung bình cao và cao, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), trong khi các nước nghèo nhận được chưa đến 3% nguồn cung cấp lương thực. Qua đó, Tổng thống Vladimir đảm bảo với các quốc gia châu Phi rằng, Nga có khả năng thay thế ngũ cốc của Ukraine cả trên cơ sở thương mại và hỗ trợ: “Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để cung cấp ngũ cốc, thực phẩm, phân bón và các hàng hóa khác cho châu Phi. Chúng tôi dự định tiếp tục hỗ trợ các quốc gia châu Phi trong việc xây dựng năng lực nguồn nhân lực quốc gia của họ”.

Kết thúc bài viết, ông nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ kinh tế của Nga với Lục địa đen: “Chúng tôi rất coi trọng Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai và hy vọng hội nghị sẽ thông qua một tuyên bố toàn diện, một số tuyên bố chung và thông qua Kế hoạch hành động của Diễn đàn Đối tác Nga - châu Phi đến năm 2026”. Ông vạch ra sự cần thiết phải phát triển hơn nữa hợp tác giáo dục, văn hóa, nhân đạo, thể thao và truyền thông đại chúng giữa các quốc gia châu Phi và Nga.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.