Hàn Quốc: Vẫn bế tắc tình trạng khủng hoảng thiếu bác sĩ do đình công

Thứ Hai, 04/03/2024, 05:25

Chiều 3/3, hàng chục ngàn bác sĩ và sinh viên y khoa từ khắp đất nước đã tập trung tại Công viên Yeouido ở phía Tây Thủ đô Seoul để tiến hành cuộc tuần hành do Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), hội nghề nghiệp lớn nhất của các bác sĩ ở Hàn Quốc, lên kế hoạch. Đây là hành động mới nhất của các bác sĩ nhằm phản đối quyết định của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 sinh viên bắt đầu từ năm tới để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ.

Theo KMA, có khoảng 30.000 người tham gia cuộc biểu tình này trong khi con số ước tính của phía cảnh sát là 15.000. Đám đông người biểu tình mang theo những biểu ngữ có nội dung như "Chấm dứt áp bức bác sĩ", "Hãy chịu trách nhiệm về sự suy giảm chất lượng chăm sóc sức khỏe" hay "Tăng nhanh chỉ tiêu của trường y sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống y tế".

Thành viên cấp cao của KMA Park Sung-min phát biểu tại cuộc biểu tình rằng: "Chính sách y tế vô lý của Chính phủ đã gây ra sự phản kháng quy mô lớn của các bác sĩ thực tập sinh và sinh viên y khoa và các bác sĩ của chúng tôi đã trở thành một trong số đó". Sự phản kháng ngày càng mạnh mẽ hơn này xuất hiện sau khi chính phủ gia tăng áp lực đối với các bác sĩ tập sự với việc cảnh sát ngày 1/3 bắt đầu khám xét trụ sở và nhà riêng của những người đứng đầu KMA. Cảnh sát đã thu giữ các tài liệu liên quan đến biên bản họp của lãnh đạo KMA, nhật ký làm việc... Chính phủ cáo buộc rằng, nhóm lãnh đạo KMA đang xúi giục và tiếp tay cho hành động đình công tập thể bằng cách hỗ trợ và cung cấp hỗ trợ pháp lý cho việc các bác sĩ nội trú từ chức tập thể.

Về phía lực lượng chức năng, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul, ông Cho Ji-ho ngày 3/3 cho biết, hơn 3.000 cảnh sát đã được triển khai để kiểm soát đám đông và giao thông tại các địa điểm, tuyến phố mà người biểu tình đi qua. Trước đó cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay sau khi xuất hiện các thông tin trên mạng rằng, một số bác sĩ đang cố gắng lôi kéo các trình dược viên tham gia cuộc tuần hành phản đối kế hoạch của Chính phủ về tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường y.

Trong tuyên bố của mình, cơ quan trên cảnh báo "mọi hành vi bất hợp pháp sẽ bị xử lý theo nguyên tắc không khoan nhượng". Các quan chức Hàn Quốc cho biết cảnh sát đã tiến hành xem xét thông tin trên, đồng thời lưu ý những cáo buộc, nếu được xác thực, có thể cấu thành hành vi ép buộc trái phép và vi phạm Đạo luật Dịch vụ Y tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min tiếp tục kêu gọi các bác sĩ tập sự quay trở lại làm việc, khẳng định họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm nếu quay trở lại bệnh viện trong ngày 3/3.

Trước đó, nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật, trước yêu cầu của các bác sĩ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố "không đàm phán, không thỏa hiệp". Tuy nhiên, trên thực tế, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ sinh mệnh của người dân như đang vận hành phòng cấp cứu tại 409 cơ sở cấp cứu trên toàn quốc 24/24 giờ, đảm bảo không để xảy ra trở ngại nào đến tình trạng khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế công cộng sẽ vận hành hệ thống khám điều trị khẩn cấp. 97 bệnh viện công cộng sẽ kéo dài thời gian thăm khám trong ngày thường, cũng như triển khai khám chữa bệnh vào cuối tuần và ngày nghỉ lễ. 12 bệnh viện quân y cũng sẽ mở cửa để khám và điều trị cho người dân thường, phòng cấp cứu và mở rộng thăm khám cho bệnh nhân ngoại trú trong trường hợp cần thiết.

Bên cạnh đó, Chính phủ có kế hoạch sẽ cho phép việc khám chữa bệnh từ xa trong thời gian đội ngũ bác sĩ nội trú nghỉ việc tập thể, để các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và bệnh nhân nhẹ không gặp khó khăn trong việc tiếp cận với cơ quan y tế. Chính phủ cũng công bố danh sách các cơ sở y tế, hiệu thuốc mở cửa, đảm bảo các bệnh nhân có thể khám chữa bệnh trực tuyến. Dù thế nào chính phủ và các bác sĩ Hàn Quốc cần phải nhanh chóng đưa ra những thỏa thuận ban đầu và điều tối quan trọng là phải tôn trọng quyền lợi khám chữa bệnh của người dân được thông suốt.

Ngành y vốn được đánh giá là ngành kém hấp dẫn tại Hàn Quốc do vất vả, nhiều rủi ro lại có thu nhập không thoả đáng nên nhiều năm qua không thu hút được đủ nguồn nhân lực cần thiết. Theo truyền thông xứ sở kim chi, thu nhập giữa các bác sĩ thuộc các lĩnh vực khác nhau tại Hàn Quốc có sự chênh lệch rất lớn gây ra nhiều bất cập. Nhìn một cách tổng thể, ngành y tế Hàn Quốc đang phải đối diện với vấn đề "lỗ hổng y tế". Nhiều bác sĩ thôi việc đã khiến hoạt động khám chữa bệnh ngừng trệ và bệnh nhân là người phải chịu thiệt thòi nhất.

Đáng lo ngại là tỷ lệ tử vong do không kịp thời cứu chữa có thể gia tăng. Hàn Quốc hiện không trong tình trạng khẩn cấp như hồi dịch COVID-19 nhưng lại có bệnh nhân tử vong do không có bác sĩ cấp cứu là một điều khó chấp nhận. Ngay cả Bộ Y tế Hàn Quốc cũng cho rằng, việc các bác sĩ ngừng việc tập thể ở quy mô lớn là chưa từng xảy ra ở quốc gia nào trên thế giới. Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa chính phủ với ngành y tế cũng như với các Hiệp hội Y học có thể sẽ gia tăng và khó giải quyết. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã tố cáo lên Cảnh sát 5 người thuộc KMA với cáo buộc vi phạm Luật y tế, xúi giục và kích động hành vi gây cản trở công việc. Đây là lần đầu tiên Chính phủ tố giác các bác sĩ.

Có lẽ, chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành y cần phải đi kèm với các giải pháp cải thiện chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc mới có thể khuyến khích các y, bác sĩ gắn bó với nghề, góp phần để ngành y Hàn Quốc phát triển một cách bền vững.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.