Hội nghị Thượng đỉnh EU: Tìm đáp án cho loạt vấn đề nóng

Thứ Sáu, 30/06/2023, 06:12

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày 29-30/6 tại Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) không chỉ thảo luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine, mà còn đi tìm lời giải cho bài toán kinh tế, an ninh quốc phòng, di cư và nhất là quan hệ đối ngoại, trong đó bao gồm mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong thư mời được Chủ tịch Charles Michel gửi đến các thành viên Hội đồng Châu Âu trước thềm hội nghị, thông điệp đầu tiên được nhấn mạnh chính là việc tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine trong thời gian lâu nhất có thể, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và quân sự bền vững.

ảnh.jpg -0
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, kể từ khi xung đột nổ ra, EU và các quốc gia thành viên đã viện trợ hơn 77 tỷ euro cho Ukraine và người dân nước này, đồng thời áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga. Gần đây nhất, hôm 21/6, EU đã nhất trí bổ sung 3,5 tỷ euro vào Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), quỹ được dùng để viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine không còn là vấn đề chiếm sóng thượng đỉnh EU, Politico nhận định.

“Năm ngoái tại Versailles, chúng ta đã nhất trí chịu trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh và quốc phòng châu Âu. Giờ là lúc đánh giá và thảo luận về cách tăng tốc việc thực hiện đúng cam kết của mình”, Chủ tịch Michel nhấn mạnh, gián tiếp đề cập đến Tuyên bố Versailles về các biện pháp nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của EU và “La bàn chiến lược”.

Năm ngoái, EU đã thông qua một kế hoạch về quốc phòng và an ninh đầy tham vọng mang tên "La bàn chiến lược," trong đó hướng tới năng lực tự chủ quốc phòng. Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch này là cả một quá trình đầy khó khăn và thách thức do có nhiều yếu tố như sự khác biệt về năng lực quốc phòng và ngân sách của mỗi nước thành viên. Vì vậy, trong ngày 30/6, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ đưa ra hướng dẫn bổ sung về năng lực an ninh và quốc phòng của EU, đặc biệt là về mua sắm, đầu tư và sản xuất.

Theo Politico, quan điểm kinh tế sẽ là nội dung chính thứ ba được đưa ra thảo luận, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng vẫn đang trên đà phục hồi hậu đại dịch COVID-19. Các nhà lãnh đạo EU sẽ cùng đánh giá tiến độ trong việc tăng khả năng cạnh tranh, củng cố cơ sở kinh tế, tăng cường an ninh và khả năng phục hồi kinh tế của toàn khối, từ đó đề ra các hướng đi tiếp theo để vực dậy nền kinh tế chung.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về cách xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và phù hợp với tương lai để đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài, bao gồm quyết tâm hành động để cải thiện thị trường chung, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật số và dịch vụ, đồng thời giải quyết các lỗ hổng kinh tế bộc lộ từ các cuộc khủng hoảng gần đây.

Song song với kinh tế, di cư – vấn đề nhức nhối của EU – cũng sẽ được đề cập. Kể từ khi Tổ chức Di cư quốc tế (IoM) khởi động dự án người di cư mất tích vào năm 2014, ước tính có khoảng 27.000 người di cư được ghi nhận là đã chết hoặc mất tích khi tìm đường vào châu Âu qua Địa Trung Hải. Tuy nhiên điều này không ngăn cản được người di cư tìm cách chạy  trốn nghèo đói và xung đột để đi tìm miền đất mới.

“Vụ đắm tàu bi thảm gần đây ở Địa Trung Hải, và nhiều sinh mạng đã thiệt mạng, là một lời nhắc nhở rõ ràng về việc chúng ta cần tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ trước thách thức di cư ở châu Âu”, Chủ tịch Michel khẳng định trước thềm hội nghị. 

Mặc dù đã có nhiều cuộc đàm phán được đưa ra, song giới phân tích cho rằng đã có rất ít tiến bộ thực sự trong việc tạo ra các tuyến đường an toàn và hợp pháp cho những người xin tị nạn đến châu Âu. Ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết sẽ trình bày kế hoạch tăng cường biên giới của EU, nhấn mạnh rằng cơ quan biên giới Frontex nên được cải tổ và cần có nhiều quỹ hơn để giúp các quốc gia đối mặt với vấn đề di cư.

Đáng chú ý, mối quan hệ với Trung Quốc cũng được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh lần này. “Đây sẽ là cơ hội để khẳng định lại lập trường rộng mở và thống nhất của chúng ta đối với Trung Quốc”, Chủ tịch Michel bày tỏ. Đầu tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng các nước EU đã thông qua các nguyên tắc chính trong điều chỉnh chính sách quan hệ với Trung Quốc.

Hôm 22/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bên lề Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính Toàn cầu mới. Tại cuộc gặp, lãnh đạo EU cho biết sẵn sàng tăng cường liên lạc và trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc nhằm phát triển quan hệ hợp tác các cấp, thúc đẩy quan hệ EU-Trung Quốc, để cùng nhau phát triển, giải quyết các vấn đề toàn cầu về khí hậu, y tế và các lĩnh vực khác, cũng như góp phần xây dựng thế giới mở và đa cực.

Theo Reuters, những vấn đề đặt lên bàn nghị sự thượng đỉnh EU đều không còn là những vấn đề mới, nhưng lại là những vấn đề đã đặt ra các thách thức cho EU cả trong ngắn và dài hạn, khó có thể giải quyết chỉ trong một chương trình nghị sự và đòi hỏi tinh thần đoàn kết và sự dung hòa giữa 27 nước thành viên để đạt được đồng thuận chung.

An Nhiên
.
.
.