Tuần lễ cấp cao APEC tại San Francisco:

Kiến tạo tương lai châu Á-Thái Bình Dương tự cường và phát triển bền vững

Thứ Năm, 16/11/2023, 07:59

Với chủ đề "Kiến tạo tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người", Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 tại San Francisco (Mỹ) là dịp để các nền kinh tế thành viên thảo luận, nhất trí các biện pháp khuyến khích khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển cởi mở, năng động hơn và cải thiện khả năng phục hồi.

Diễn ra từ ngày 11 đến 17/11 tại thành phố San Francisco, bang California (Mỹ), các sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 chứng kiến sự tham dự của các nhà lãnh đạo và đông đảo quan chức cấp cao, bộ trưởng các nền kinh tế thành viên APEC cùng hàng ngàn lãnh đạo các doanh nghiệp lớn hoạt động trong khu vực, tập trung thảo luận về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; khoa học, nghiên cứu và đổi mới; công nghệ quan trọng và mới nổi; năng lượng sạch; cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao; trao quyền kinh tế cho phụ nữ và tính bao trùm. Các cuộc họp này sẽ đặt nền tảng cho việc thúc đẩy hợp tác trong APEC năm sau và đóng vai trò quan trọng củng cố chủ đề APEC năm nay là "Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người" trong nhiều năm tới.

Phát biểu tại Hội nghị Liên Bộ trưởng APEC ngày 14/11 (giờ San Francisco), sự kiện có vai trò quan trọng nhằm chuẩn bị nội dung cho phiên thảo luận cấp cao của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC (dự kiến diễn ra ngày 16-17/11), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định, các nội dung kết nối, đổi mới, tăng cường tính toàn diện và giải phóng tiềm năng con người là các ưu tiên trong những sự kiện tại tuần lễ cấp cao.

Kiến tạo tương lai châu Á-Thái Bình Dương tự cường và phát triển bền vững -0
Đại diện các nền kinh tế dự Hội nghị Liên Bộ trưởng APEC 2023.

Theo ông Blinken, dù các nền kinh tế đã đạt nhiều tiến bộ trong tiến trình hướng đến tương lai thịnh vượng hơn, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn đối mặt nhiều thách thức kinh tế. "Mỗi người trong chúng ta đều nhận ra rằng sự bất bình đẳng trong nội bộ và giữa các quốc gia sẽ cản trở sự phát triển của toàn bộ khu vực", ông đánh giá. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và xung đột tại Ukraine đang ảnh hưởng đến an ninh lương thực và năng lượng. Tuy nhiên, ông tin rằng, "APEC là một diễn đàn hùng mạnh" và có thể thúc đẩy khu vực phát triển kiên cường, bền vững và kết nối hơn.

Về phần mình, bà Katherine Tai cảnh báo mối đe dọa của các chuỗi cung ứng bấp bênh, sự gia tăng bất công và sự mất an ninh kinh tế, cũng như khủng hoảng khí hậu ngày một tồi tệ và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Đại diện Thương mại Mỹ tin rằng các nền kinh tế APEC cần đưa các khái niệm về "tính toàn diện và bền vững" làm tiêu chuẩn của thương mại và đầu tư.

Tại hội nghị, các bộ trưởng APEC cũng đề nghị cần tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); nâng cao năng lực của các thành viên trong thực hiện các hiệp định thương mại toàn diện và chất lượng cao; nỗ lực hơn nữa giải quyết các điểm nghẽn nhằm củng cố các chuỗi cung ứng an toàn, tự cường, bền vững và mở. Hội nghị nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, minh bạch và bao trùm; bảo đảm tăng trưởng kinh tế đem lại lợi ích cho mọi người dân; tạo điều kiện để người dân tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề và việc làm bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, đại diện các nền kinh tế thành viên đã đánh giá triển vọng kinh tế và tài chính toàn cầu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như bàn bạc về nỗ lực cải cách tài chính nhằm thúc đẩy kinh tế dài hạn. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, châu Á - Thái Bình Dương là trung tâm kinh tế thế giới. "Các thành viên APEC đại diện cho một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất và năng động nhất trên thế giới, thúc đẩy cả tăng trưởng và đổi mới", bà nêu rõ. "Vì vậy, những hành động chúng ta thực hiện có ý nghĩa không chỉ đối với nền kinh tế của chúng ta mà là các thách thức mang tính toàn cầu".

Bên cạnh các vấn đề truyền thống của APEC, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden rất chú trọng thúc đẩy thảo luận về sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) tại các sự kiện ở San Francisco. Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin, có 12/21 nền kinh tế thuộc APEC đang tham gia các cuộc thảo luận về IPEF. Ngoài lãnh đạo cấp cao, 12 nền kinh tế đó cử tới San Francisco các bộ trưởng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại và những quan chức khác phụ trách APEC và IPEF.

Theo Reuters, tiến trình thảo luận của các nền kinh tế tham gia đàm phán IPEF tập trung vào 4 trụ cột - thương mại công bằng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng. Kết thúc phiên làm việc ngày 14/11, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo xác nhận các bên đã đạt đồng thuận về 3 trong số 4 trụ cột đàm phán IPEF.

Việt Nam kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng xanh trong APEC

Theo tin của Bộ Ngoại giao, phát biểu tại Hội nghị Liên Bộ trưởng APEC, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao kết quả hợp tác APEC trong năm 2023. Nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao sức cạnh tranh và tính tự cường của các nền kinh tế, ứng phó với thách thức về biến đổi khí hậu và suy giảm tăng trưởng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất ba ưu tiên hợp tác APEC gồm: Thứ nhất, tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Các thành viên APEC cần đẩy nhanh những chương trình hợp tác về thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, mô hình kinh tế xanh - sinh học - tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi năng lượng công bằng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Thứ hai, tận dụng tiến bộ của khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng bền vững và bao trùm. Hợp tác APEC phải hướng đến việc hỗ trợ các nền kinh tế xây dựng kết cấu hạ tầng và lực lượng lao động số, tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, phòng, chống thiên tai, y tế, giáo dục.

Thứ ba, lấy con người là trung tâm của hợp tác APEC. Các dự án và hoạt động APEC cần góp phần xây dựng hệ thống giáo dục và y tế công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế và xã hội.

Thái Hà
.
.
.