Kỳ vọng vào sự đột phá quan hệ Mỹ - Trung

Thứ Tư, 15/11/2023, 08:04

Như vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã xác nhận, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp và thảo luận về định hướng phát triển quan hệ song phương vào ngày 15/11 tới bên lề Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 ở khu vực Vịnh Francisco (Mỹ). Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo và là chuyến đi đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ kể từ năm 2017.

Ngoại giao là yếu tố quan trọng

Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thảo luận các yếu tố cơ bản nhất của mối quan hệ song phương Mỹ-Trung bao gồm tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường các kênh liên lạc và quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm để không để cạnh tranh biến thành xung đột. Ông cho rằng, ngoại giao là yếu tố quan trọng, qua đó tránh được những hiểu lầm và yếu tố bất ngờ, đồng thời cho biết, Washington hy vọng cuộc gặp sẽ có những kết quả cụ thể và đạt được tiến triển trong việc nối lại quan hệ giữa quân đội hai nước và ứng phó với việc mua bán fentanyl ở Mỹ. Các nội dung thảo luận khác cũng bao gồm các vấn đề toàn cầu như cuộc xung đột Israel - Hamas, cuộc xung đột ở Ukraine, trí thông minh nhân tạo, thương mại công bằng và quan hệ kinh tế.

Trong khi đó, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi sâu sắc về các vấn đề chiến lược, tổng thể và định hướng liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ, cũng như các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và phát triển thế giới. Bà nhấn mạnh, cạnh tranh giữa các nước lớn không phù hợp với xu thế thời đại, cũng không giải quyết được những vấn đề của Mỹ và những thách thức mà thế giới phải đối mặt. Bà khẳng định: “Trung Quốc không sợ cạnh tranh nhưng phản đối việc dùng cạnh tranh định nghĩa quan hệ Trung-Mỹ”. Ngoài ra, bà Mao Ninh cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn, các bên kỳ vọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò là động lực, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế thế giới. Bắc Kinh hy vọng các bên tập trung vào các nhu cầu cấp thiết của khu vực, thắt chặt đoàn kết và hợp tác, thực hiện toàn diện và cân bằng Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040, thúc đẩy hội nghị đạt kết quả tích cực, nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Kỳ vọng vào sự đột phá quan hệ Mỹ - Trung -0
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden tại cuộc gặp ở Bali, Indonesia ngày 14/11/2022.

Cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng song phương đã dịu bớt và đây là kết quả của kỳ “ngoại giao mùa hè thành công”, gồm một loạt chuyến thăm cấp cao của quan chức hai nước kể từ tháng 6. Ngoài ra, ngày 6/11 vừa qua, Trung Quốc và Mỹ đã nối lại tham vấn về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân vốn đã bị “đóng băng” trong nhiều năm. Hành động này được cho là nhằm tạo dựng niềm tin giữa hai nước trước thềm cuộc gặp, cũng như nhằm duy trì các kênh liên lạc mở, giảm nguy cơ tính toán sai lầm giữa hai bên.

Mới đây nhất, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính tuần trước cũng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng cải thiện quan hệ với Washington. Theo ông, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường liên lạc và đối thoại với Mỹ ở mọi cấp độ nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, quản lý các bất đồng một cách hợp lý và cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu. Những động thái đầy tích cực giữa Mỹ và Trung Quốc với các cuộc đối thoại song phương đang cho thấy nỗ lực cải thiện quan hệ của cả hai bên, giữa lúc quan hệ của hai cường quốc căng thẳng vì những bất đồng ngày một sâu sắc về an ninh và ổn định toàn cầu. Dù khó có khả năng mang lại một bước đột phá lớn, nhưng cuộc gặp được cho là cơ hội để hai nước Mỹ và Trung Quốc tiếp tục củng cố mối quan hệ song phương trong bối cảnh xung đột địa chính trị đang gia tăng hiện nay. Cuộc gặp có thể sẽ tạo ra một khuôn khổ nhằm quản lý thành công quan hệ cạnh tranh giữa hai cường quốc với mục đích tránh hiểu nhầm và những yếu tố bất ngờ. 

Những cử chỉ thân thiện

Có thể thấy, cả hai bên Trung Quốc và Mỹ đều có thái độ tích cực đối với cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Cùng với hàng loạt hoạt động song phương tiến hành kể từ tháng 6, nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp, hôm 9/11 – một ngày trước khi Trung Quốc xác nhận thông tin Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Joe Biden, Bắc Kinh đã công bố liên tiếp các tương tác tích cực giữa hai nước, bao gồm việc hai bên đạt “kết quả tích cực” tại cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu ở California và các chuyến bay thẳng hàng tuần giữa hai nước sẽ tăng gần 50%. Vào thời điểm thông tin chính thức được công bố, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong vẫn đang trong chuyến thăm Mỹ. Theo truyền thông Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm, ông và Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Janet Yellen đã tiến hành “nhiều cuộc hội đàm”. Hai bên cam kết thực hiện các đồng thuận quan trọng đạt được giữa nguyên thủ hai nước, “chuẩn bị kết quả kinh tế cho cuộc gặp giữa hai nguyên thủ tại San Francisco, đưa quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định”. Đây là hoạt động ngoại giao cuối cùng nhằm góp phần tạo nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên.

Bên cạnh đó, Trung Quốc - nhà nhập khẩu đậu nành hàng đầu thế giới - đã mua hơn 3 triệu tấn đậu tương từ Mỹ chỉ trong tuần qua. Cử chỉ thân thiện này cho thấy, trong bối cảnh hai nước đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn, với nhiều cặp gặp giữa quan chức hai nước thời gian gần đây, đậu tương một lần nữa trở lại vị trí trung tâm. Ngay tháng trước, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã ký 11 thoả thuận với các nhà kinh doanh nông sản Mỹ tại một diễn đàn kinh doanh - thoả thuận đầu tiên như vậy sau thời kỳ tranh cãi thương mại gay gắt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đậu tương Mỹ giá thường khá cao do chi phí vận chuyển cao nên thường cạnh tranh khó với đậu tương của Brazil và Argentina. Chính vì thế, việc Trung Quốc chấp nhận mua đậu tương của Mỹ dù giá đắt hơn là dấu hiệu thể hiện thiện chí của Trung Quốc trong góp phần cải thiện quan hệ giữa 2 nước. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Mỹ không muốn tách khỏi Trung Quốc và mong muốn một mối quan hệ kinh tế lành mạnh với Bắc Kinh nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nước. Các giao dịch mua mới nhất này diễn ra cùng thời điểm bà Janet Yellen tiếp đón Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại San Francisco.

Mong chờ của hai bên

Mục tiêu chuyến công du tới Mỹ lần này của Chủ tịch Trung Quốc là nhằm ngăn chặn cạnh tranh gay gắt giữa hai bên phát triển thành xung đột. Hai nước đang nhìn thấy cơ hội để giảm bớt căng thẳng trong một số vấn đề cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Mặc dù giữa hai nước vẫn còn tồn tại những bất đồng sâu sắc và nhiều điểm căng thẳng, nhưng dư luận nước này vẫn đặt kỳ vọng vào cuộc gặp, với hy vọng nó sẽ phát huy vai trò ổn định quan hệ song phương và tạo ra một bước ngoặt nào đó. Theo chuyên gia Trung Quốc, với những gì đang diễn ra, cả Bắc Kinh và Washington đều muốn có được kết quả thiết thực cho cuộc đối thoại lần này. Hai bên cũng sẽ trở nên thành thục hơn trong việc xử lý về mặt kỹ thuật các vấn đề rơi vào thế bế tắc giằng co, cũng như định liệu trước được những khó khăn trong việc thực hiện đồng thuận giữa nguyên thủ hai nước. Dù hai bên khó có những bước tiến lớn trong quan hệ sau cuộc gặp, nhưng giữa hai nước có thể đạt được những kết quả nhất định trên thực tế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.