Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ nói gì về vụ giải cứu Credit Suisse?

Thứ Hai, 20/03/2023, 14:26

Credit Suisse - nhà băng có tuổi đời 167 năm, đã chính thức về tay  UBS - ngân hàng đối thủ và lớn nhất Thuỵ Sĩ hôm 19/3 (giờ địa phương) sau thương vụ giải cứu lịch sử trị giá 3,25 tỷ USD. Theo giới chuyên gia, việc Credit Suisse bị loại khỏi cuộc chơi của các đại gia ngân hàng phản ánh rằng việc kiểm soát rủi ro, cũng như cách thức vận hành phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, đóng vai trò trọng yếu. 

Bloomberg hôm 19/3 dẫn tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ (SNB) cho hay, SNB đã làm việc với chính phủ Thụy Sĩ và Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (SFMSA) để thiết kế vụ sáp nhập của hai ngân hàng lớn nhất đất nước.

Tuyên bố của SNB khẳng định: "Với việc UBS tiếp quản Credit Suisse, chúng tôi đã tìm ra giải pháp để đảm bảo ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ trong tình huống đặc biệt”.

Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ nói gì về vụ giải cứu Credit Suisse? -0
Sau khi thâu tóm Credit Suisse, UBS được củng cố với tư cách là nhà quản lý tài sản lớn nhất toàn cầu. Ảnh: CNN.

Cụ thể, thương vụ thâu tóm được thực hiện thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu. Theo đó, Credit Suisse được định giá ở mức 3,25 tỉ USD, thấp hơn 60% giá trị vốn hóa của ngân hàng này vào thời điểm thị trường đóng cửa hôm 17/3.

Như vậy, với mỗi 22,48 cổ phiếu của Credit Suisse, cổ đông nắm giữ sẽ nhận được 1 cổ phiếu của UBS. Sau khi thâu tóm Credit Suisse, tổng giá trị tài sản nằm trong danh mục quản lý đầu tư của UBS sẽ lên tới 5.000 tỉ USD.

Theo Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter, đây là cách duy nhất để bình ổn các thị trường tài chính toàn cầu. Dù vậy, cách này cũng là khoản đặt cược khá rủi ro vì khiến kinh tế Thụy Sĩ giờ chỉ còn phụ thuộc vào một ngân hàng.

Được biết, những năm gần đây, Credit Suisse - vốn là ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sĩ, đã phải chật vật ứng phó một loạt thua lỗ và bê bối. Trong báo cáo thường niên của Credit Suisse, ngân hàng này lỗ 7,55 tỉ USD trong năm 2022. 

Bloomberg dẫn lời một số chuyên gia nhận định, loạt rắc rối đáng lưu ý nhất của Credit Suisse bắt đầu từ năm 2021, sau vụ sụp đổ của Greensill - công ty tài chính của Anh chuyên cho các doanh nghiệp vay ngắn hạn thông qua một mô hình kinh doanh phức tạp. Ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ đã mất 81% giá trị sau vụ phá sản của Greensilll vào tháng 3/2021. Credit Suisse đã phải đóng băng 10 tỉ USD liên quan đến Greensill.

Ngoài ra, Credit Suisse còn vướng vào vụ án hình sự như để những kẻ buôn ma tuý rửa tiền ở Bulgaria, mắc vào vụ tham nhũng ở Mozambique hay thậm chí một vụ bê bối gián điệp liên quan đến cựu nhân viên và giám đốc điều hành, một vụ rò rỉ lớn dữ liệu khách hàng cho giới truyền thông.

Tóm lại, theo giới chuyên gia, việc ngân hàng này quá tự tin vào khả năng kiểm soát rủi ro dòng tiền nhưng lại đánh mất niềm tin từ khách hàng, đã góp phần đẩy Credit Suisse ra khỏi cuộc chơi của các đại gia ngân hàng Thuỵ Sĩ. 

Hiện tại, SNB cam kết cung cấp một khoản vay lên tới 1007 tỉ USD để hỗ trợ thanh khoản cho UBS sau thương vụ mua lại Credit Suisse. Chính phủ Thụy Điển cũng cam kết hỗ trợ khoản lỗ lên đến 9 tỉ USD ở một số tài sản nhất định của Credit Suisse để giảm rủi ro cho UBS.

Trước đó, UBS từng đề nghị mua lại Credit Suisse với giá khoảng 1 tỉ USD. Nhưng Credit Suisse được cho là đã từ chối lời đề nghị này vì cho rằng mức định giá đó quá thấp và sẽ gây tổn hại cho cổ đông và nhân viên của ngân hàng.

Kim Khánh
.
.
.