Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông giữa lúc căng thẳng leo thang

Thứ Ba, 06/02/2024, 08:23

Ngoại trưởng Mỹ đang có chuyến thăm đến chảo lửa Trung Đông, trong bối cảnh cuộc xung đột Israel– Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng như những cuộc không kích trả đũa của Washington nhằm vào các nhóm vũ trang ở Iraq và Syria có nguy cơ làm leo thang căng thẳng tại khu vực này.

Ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, đã bắt đầu chuyến công du Trung Đông từ ngày 4/2, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy đề xuất về một thỏa thuận tạm dừng giao tranh giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel để đổi lấy việc phóng thích các con tin. Đây là chuyến công du thứ 5 của ông Blinken tới khu vực này kể từ khi xung đột giữa Hamas-Israel bùng phát ngày 7/10 năm ngoái. Theo lịch trình được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, các điểm dừng của ông Blinken trong chuyến công du lần này bao gồm Arab Saudi, Israel, Ai Cập và Qatar. Chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh khu vực còn nhiều rối ren, cuộc chiến Israel – Hamas chưa tìm ra lối thoát trong khi nhiều mồi lửa xung đột khác cũng đang nhen nhóm.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông giữa lúc căng thẳng leo thang -0
Căng thẳng tiếp tục leo thang tại Trung Đông. Ảnh minh họa: Getty Images

Liên quan đến chiến sự tại Gaza, một thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa thể đạt được sau nhiều tuần nỗ lực trung gian của Qatar và Ai Cập. Mọi đê xuất ngừng bắn vẫn đang được xem xét, trao đổi giữa các bên. Phía Hamas vẫn muốn một thỏa thuận thả toàn bộ con tin phải đồng thời là một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, đồng nghĩa với việc Israel phải rút quân khỏi Gaza. Kênh truyền hình 12 của Israel đưa tin, đề xuất của phía Hamas bao gồm một thỏa thuận ngừng bắn 45 ngày, trong đó giai đoạn đầu trả tự do cho 35-40 con tin Israel, chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi và người bị thương. Mỗi con tin Israel được phóng thích sẽ đổi lấy 100-250 tù nhân Palestine đang bị giam giữ. Sau đó, có thể đàm phán gia hạn thêm lệnh ngừng bắn để thả thêm con tin Israel và tù nhân Palestine trong các giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận.

Trong khi đó, Israel kiên quyết rằng ngừng bắn dài ngày chỉ nhằm mục đích trao đổi con tin. Mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/2 nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không kết thúc chiến tranh trước khi hoàn thành tất cả các mục tiêu của mình – đó là loại bỏ Hamas, trả tự do cho tất cả các con tin và lời hứa rằng Gaza sẽ không còn là mối đe dọa đối với Israel nữa. Những nỗ lực giải phóng con tin của chúng tôi vẫn tiếp tục mọi lúc. Như tôi cũng đã nhấn mạnh trước Nội các – chúng tôi sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào, không bằng bất kỳ giá nào. Nhiều điều được truyền thông đưa tin như thể chúng tôi đã đồng ý, chẳng hạn như những gì liên quan đến việc thả những kẻ khủng bố. Chúng tôi không đồng ý điều này”.

Khi xung đột tại Dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lực lượng Houthi tại Yemen vẫn miệt mài tấn công các tàu hàng tại biển Đỏ có liên quan tới Israel, Mỹ và Anh, để thể hiện tình đoàn kết với người dân ơ Gaza. Còn Mỹ và Anh cũng thực hiện những đợt không kích “phủ đầu” mới nhằm vào lực lượng dân quân tại Yemen hồi cuối tuần qua. “Cuộc tấn công mới của chúng tôi được thực hiện sau khi nhận thấy Houthi tiếp tục tấn công tàu bè ở Biển Đỏ. Đây là điều không thể chấp nhận được, khiến mạng sống của những người vô tội gặp nguy hiểm và gây ra hậu quả kinh tế. Chính những cuộc tấn công của Houthi là lý do tại sao chúng tôi lại hành động để tự vệ, theo cách phù hợp và cùng với các đồng minh của mình”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định.

Cùng với sự leo thang căng thẳng ở Biển Đỏ, biên giới giữa Israel và Lebanon trong những ngày qua cũng chứng kiến các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah. Israel ngày 4/2 phải điều cả máy bay chiến đấu và xe tăng tấn công nhiều địa điểm của Hezbollah dọc biên giới để đáp trả vụ nhiều tên lửa từ Lebanon được phóng sang lãnh thổ Israel trước đó cùng ngày. Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant, cảnh báo nước này có nhiều công cụ tấn công có thể sử dụng trước lực lượng Hezbollah ở Lebanon nếu cần.

Đáng chú ý, nhóm vũ trang mang tên “Các lực lượng Iraq” ngày 5/2 tuyên bố đã tiến hành cuộc bắn phá nhằm vào một căn cứ của Mỹ bên trong lãnh thổ Syria trong đêm 4/2. Nhóm vũ trang Iraq không cho biết tên căn cứ bị tập kích, chủng loại vu khí sử dụng cũng như thiệt hại trong cuộc tấn công, mà chỉ khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào “các thành trì của kẻ thù”. Trong khi đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho biết rằng mục tiêu bị tấn công là căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Syria và cuộc tập kích đã gây thương vong cho lực lượng Mỹ bên trong căn cứ. Cuộc tấn công xảy ra một ngày sau khi truyền thông Mỹ dẫn lời hai quan chức quân đội nước này cho biết chiến dịch không kích của Mỹ vào các nhóm vũ trang được cho là “thân Iran” tại Iraq và Syria hôm 2/2 đã phá hủy 84 trong tổng số 85 mục tiêu nhắm đến. Chiến dịch không kích nhằm đáp trả cuộc tấn công nhằm vào căn cứ Mỹ tại Jordan hôm 28/1 khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng. Đây là những binh sĩ Mỹ đầu tiên tử vong trong làn sóng các cuộc tấn công vũ trang dồn dập nhằm vào các căn cứ Mỹ tại Trung Đông sau khi chiến sự bùng phát tại Dải Gaza hồi tháng 10/2023.

Có thể thấy rằng căng thẳng Trung Đông vẫn đang leo thang bất chấp nỗ lực của các bên, trở thành một bài toán khó cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi trở lại khu vực lần thứ 5 kể từ khi xảy ra xung đột Israel - Hamas. Tuy nhiên, theo Nhà Trắng, chuyến công du này sẽ chỉ tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza, khi mà một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột vẫn chưa được tìm ra.

Duy Tiến (tổng hợp)
.
.
.