Quyết định mang tính lịch sử của EU

Thứ Bảy, 16/12/2023, 09:17

Tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra vào cuối giờ chiều 14/12 (giờ địa phương – rạng sáng 15/12 giờ Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã gây bất ngờ khi công bố quyết định của nhóm 27 về việc mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine và Moldova, hướng tới lần mở rộng đầu tiên sau hơn một thập niên. Đây được đánh giá là một quyết định quan trọng trong lịch sử của EU thời gian gần đây.

Thông qua mạng xã hội X, ông Charles Michel nhấn mạnh, điều này là một tín hiệu tích cực và là niềm hy vọng cho người dân Ukraine cũng như người dân châu Âu. Nhấn mạnh đây là một thời điểm lịch sử và nó cho thấy uy tín và sức mạnh của EU, ông viết: “Quyết định đã được đưa ra. Chúng tôi nhất trí mở các cuộc đàm phán với Ukraine và với Moldova. Chúng tôi đang cấp quy chế cho Georgia và với Bosnia_Herzegovina, chúng tôi dự định sẽ mở các cuộc đàm phán và một báo cáo sẽ được đưa ra vào tháng 3, dựa vào đó, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định. Điều này thực sự quan trọng. Chúng tôi muốn hỗ trợ Ukraine. Và quyết định này của các quốc gia thành viên là vô cùng quan trọng đối với uy tín của EU”.

Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán đã có thể bắt đầu và thông điệp rất rõ ràng. Chúng tôi đứng về phía người dân Ukraine và sự thống nhất của EU là không thay đổi, ngay cả vào thời điểm khó khăn nhất”.

Quyết định mang tính lịch sử của EU -0
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 2 ở Brussels. Ảnh: AP

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, quyết định của EU mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine thể hiện “một dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ” và đưa ra “quan điểm” cho đất nước này. Ngay sau khi quyết định được công bố, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố trên mạng xã hội X rằng, đây là một chiến thắng cho Kiev cũng như cho toàn châu Âu dù quá trình từ khi bắt đầu đàm phán cho tới khi Ukraine trở thành thành viên EU có thể mất tới nhiều năm. Ông đồng thời đã thực hiện cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để gửi lời cảm ơn đến người đồng cấp về sự ủng hộ của nước Pháp dành cho Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, đây là một quyết định hợp lý, cân bằng và cần thiết đối với nguyện vọng của người dân Ukraine. Mặc dù đây là một quyết định quan trọng của khối 27 nhưng tất cả chỉ mới là bước khởi đầu. Việc xác định các khuôn khổ đàm phán cũng như việc triệu tập Hội nghị liên chính phủ cần thiết có lẽ sẽ cần nhiều thời gian và chỉ diễn ra vào trung tuần năm 2024. Và điều này một lần nữa sẽ đòi hỏi một cuộc bỏ phiếu nhất trí của nhóm 27.

EU đã xác định việc mở rộng là “một khoản đầu tư địa chiến lược cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng” trong Tuyên bố Granada được thông qua tại Tây Ban Nha hồi tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên tiến trình này chưa bao giờ là dễ dàng bởi không mấy quốc gia có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về dân chủ, kinh tế thị trường và pháp quyền của EU. Các cuộc khủng hoảng nợ, làn sóng di cư, Brexit và sự trỗi dậy của làn sóng hoài nghi châu Âu cũng góp phần khiến liên minh trở nên e ngại trong việc mở rộng hàng ngũ trong những năm gần đây. Trên thực tế, kể từ sau lần gia nhập của Croatia năm 2013, khối vẫn chưa thể kết nạp thêm bất kỳ thành viên mới nào. Khi đó, quá trình kết nạp Croatia, quốc gia có tình hình ít phức tạp hơn Ukraine, cũng kéo dài 10 năm.

Đối với trường hợp Ukraine, nước này nộp đơn xin gia nhập EU một tháng sau khi xung đột với Nga nổ ra và giành được tư cách ứng cử viên chỉ 3 tháng sau đó, một tốc độ nhanh nhất trong lịch sử EU. Tuy nhiên, việc liệu Ukraine có đủ sức vượt qua con đường dốc để gia nhập EU hay không lại là vấn đề khác.

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nhấn mạnh việc này sẽ không thể xong trong một đêm mà có thể kéo dài trong vài năm tới trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã vẫn giữ nguyên quan điểm phản đối nhưng vì tập thể, nên ông từ chối sử dụng quyền phủ quyết và đồng ý rời phòng khi lãnh đạo 26 nước thành viên còn lại đồng ý mở đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine. Ông khẳng định: “Quan điểm của Hungary rất rõ ràng. Đối với chúng tôi, Ukraine chưa sẵn sàng để bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU. Đó hoàn toàn là một quyết định không phù hợp và phi lý”.

Ukraine có dân số 44 triệu người và lớn hơn bất kỳ thành viên EU nào về mặt địa lý. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Ukraine thấp hơn 1/3 mức trung bình của EU xét về sức mua. Việc Ukraine trở thành thành viên EU có nghĩa là nước này sẽ ngay lập tức nhận được nguồn vốn ròng để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp khổng lồ của mình.

Một nghiên cứu nội bộ của EU vào tháng 7 cho thấy nếu Ukraine là thành viên trong khối, nước này sẽ nhận được 96,5 tỷ euro (tương đương 106 tỷ USD) theo Chính sách nông nghiệp chung của khối trong 7 năm và 61 tỷ euro khác theo chính sách gắn kết của EU, nhằm mục đích cân bằng mức sống trên toàn khối. Nghiên cứu của EU chỉ ra tổng cộng trong ngân sách 7 năm của EU, Ukraine sẽ đủ điều kiện nhận được 186,3 tỷ euro. Điều này có nghĩa là nhiều quốc gia hiện nhận tiền ròng của EU sẽ trở thành người đóng góp và những người đóng góp hiện tại sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với hầu hết 27 thành viên hiện tại của EU.

Bên cạnh đó, Ukraine là một cường quốc nông nghiệp với diện tích đất canh tác là 41 triệu ha. Phần lớn sản phẩm nông nghiệp nước này đang được EU nhập khẩu. Tuy nhiên, với tư cách là thành viên EU, Ukraine sẽ trở thành một phần của thị trường chung EU, không bị vướng thuế quan hay hạn ngạch và hàng hóa có thể di chuyển tự do qua biên giới. Các quan chức kỳ vọng Ukraine có thể sẽ tăng sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu sang EU. Nhưng điều này có thể sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ nông dân trên khắp EU, tạo sức ép lớn lên các chính phủ. Việc trở thành thành viên của EU cũng mở cửa toàn bộ thị trường lao động EU cho hàng triệu nhân công Ukraine. Điều này làm gợi nhớ đến bài học một lượng lớn người Ba Lan đến Anh sau khi Ba Lan gia nhập EU vào năm 2004 – trở thành một trong những yếu tố chính dẫn đến Brexit. Các nước EU khác đã đưa ra các giai đoạn chuyển tiếp kéo dài trước khi mở cửa thị trường lao động cho các thành viên EU mới từ phía Đông.

Cũng tại hội nghị, ông Charles Michel xác nhận rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu chưa nhất trí về kế hoạch ngân sách, trong đó có vấn đề hỗ trợ Ukraine. Theo ông, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận lại về vấn đề này vào đầu năm sau. EU chưa đạt đồng thuận về kế hoạch ngân sách nói trên do Thủ tướng Viktor Orban đã phủ quyết khoản hỗ trợ 50 tỷ euro (gần 55 tỷ USD) cho Ukraine. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga, trong đó nhắm mục tiêu vào mặt hàng kim cương và thắt chặt việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga..

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.