Tủi thân bóng chuyền nam

Thứ Sáu, 18/05/2018, 08:26
Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã công bố 2 giải đấu sẽ lần đầu xuất hiện trong làng bóng chuyền Việt Nam là Giải Bóng chuyền nam quốc tế LienVietPostBank 2018 và Giải Bóng chuyền U19 nữ châu Á LienVietPostBank 2018.


Hai giải đấu, cùng sự đồng hành của một nhà tài trợ có thể là thông tin ít gây chú ý ở một số môn thể thao khác nhưng lại tạo ra những dấu hiệu tích cực ở môn thể thao có sức hút hàng đầu ở Việt Nam này.

Tủi thân bóng chuyền nam

Từ nhiều năm nay, làng bóng chuyền Việt Nam có không ít giải đấu quốc tế dành cho các cầu thủ nữ. Đôi lúc những chân dài bóng chuyền còn lâm vào tình trạng “quá tải” do liên tục dự giải quốc tế trong và ngoài nước. Chuyện đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam và một số câu lạc bộ dự khoảng 3 giải quốc tế trong một năm tại Việt Nam đã trở nên bình thường.

Không khó lý giải điều này khi các cô gái bóng chuyền Việt Nam luôn có sức hút đặc biệt, dễ kéo khán giả đến sân hơn so với các đồng nghiệp nam. Cùng với sự cộng hưởng từ truyền thông, bóng chuyền nữ thường được chú ý. Các nhà tài trợ không bỏ qua điều này nên các giải bóng chuyền nữ quốc tế cũng được duy trì liên tục.

Trong những ngày qua, Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Bình Điền đang diễn ra tại Quảng Nam đã tạo điều kiện để các cô gái bóng chuyền Việt Nam có cơ hội cọ xát với các đội quốc tế. Từ nay đến cuối năm, ít nhất các cầu thủ nữ Việt Nam cũng được dự 1 giải quốc tế khác tại Việt Nam.

Các cầu thủ bóng chuyền nữ Việt Nam luôn có nhiều cơ hội thi đấu quốc tế ngay tại Việt Nam.

Đấy là mong ước của các cầu thủ bóng chuyền nam Việt Nam. Từ lâu, giấc mơ được tham dự các giải quốc tế do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức ngay tại Việt Nam đã trở nên xa xỉ với họ. Bóng chuyền nam Việt Nam không thiếu tiềm năng, người tài. Thậm chí, đôi lúc, cơ hội vô địch SEA Games của đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia còn rõ hơn so với đội tuyển nữ.

Một số tuyển thủ cũng trở nên quen mặt, biết tên với người hâm mộ, trong đó gần đây nhất là trường hợp của Ngô Văn Kiều hay Từ Thanh Thuận. Thậm chí, có giải đấu hội làng hồi đầu năm nay đã coi như “vỡ” do khán giả phản ứng Ban tổ chức chỉ vì Từ Thanh Thuận không xuất hiện như dự kiến, công bố. Tuy nhiên, so với các cô gái bóng chuyền Việt Nam, sức hút của các cầu thủ nam với người hâm mộ, giới truyền thông và cả các nhà tài trợ vẫn không bằng.

Những “hoa khôi” hay “người đẹp” bóng chuyền đương nhiên được chú ý hơn so với những “hotboy” bóng chuyền. Đấy cũng là một trong những lý do khiến bóng chuyền nam Việt Nam không có sân chơi quốc tế ngay tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Thêm sân chơi, thêm cơ hội

Chính Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam từng rất đau đầu khi tìm kiếm nhà tài trợ để tổ chức các giải bóng chuyền nam quốc tế tại Việt Nam. Họ cũng thừa hiểu rằng chỉ có thi đấu cọ xát mới nâng trình độ chuyên môn cho các cầu thủ. Còn kinh phí hiện tại từ bộ môn Bóng chuyền (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn cũng chỉ giúp các cầu thủ nam dự 1-3 giải quốc tế chính thống trong năm. Ngần ấy giải đấu khó nâng chất cho các cầu thủ nên bóng chuyền Việt Nam không thể đột phá về chuyên môn.

Trong khi đó, SEA Games 2021 diễn ra tại Việt Nam đã đến sầm sập. Nếu không có những hành động cụ thể thì đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia khó thực hiện được mục tiêu giành ngôi vô địch. Cũng vì thế, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam mới có những bước đi cụ thể, trong đó vận động được LienVietPostBank cùng đồng hành tổ chức Giải Bóng chuyền nam quốc tế tại Hà Nam từ ngày 25-5 tới.

Giải đấu hứa hẹn sẽ diễn ra với chất lượng chuyên môn cao nhờ sự góp mặt của đội tuyển 2 Trung Quốc, câu lạc bộ Burevestnik (Kazakhstan), Indonesia, Myanmar, Thái Lan và đội chủ nhà Việt Nam. Như ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam thì: “Mặc dù đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam chưa thật sự tạo nên sức hút và sự ưu ái như tuyển đội tuyển nữ, song gần đây có thể thấy thành tích của đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Chính vì muốn nâng tầm chuyên môn cho đội tuyển, Tổng cục TDTT cũng như Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã có những kế hoạch, chiến lược phát triển bộ môn này trong thời gian tới, trong đó có việc tổ chức giải quốc tế tại Việt Nam”.

Như thế, cơ hội nâng tầm đã mở ra với đội tuyển bóng chuyền nam. Thực tế, một giải đấu quốc tế tại Việt Nam vẫn chưa thể tác động đáng kể đến việc nâng cao trình độ cho các tuyển thủ Việt Nam bởi họ cần được thi đấu quốc tế cả trong và ngoài nước nhiều hơn. Nhưng ít ra, một hướng đi đã được cụ thể hóa để những người có trách nhiệm thêm động lực tạo nên sự chuyển biến về chất cho các tuyển thủ nam Việt Nam.

 Rõ ràng, việc tạo nên một sân chơi quốc tế ngay tại Việt Nam đã không còn “bất khả thi”. Quan trọng là các tuyển thủ Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội thi đấu quốc tế quý giá này như thế nào. Nếu họ tận dụng tốt thông qua những màn trình diễn ấn tượng và tạo nên sức hút với khán giả, có thể sẽ có thêm những giải đấu bóng chuyền quốc tế khác được tổ chức tại Việt Nam và đương nhiên, Giải Bóng chuyền nam quốc tế LienVietPostBank sẽ được duy trì.

Lần đầu tiên đăng cai giải đấu quốc tế với 16 đội

Sự đồng hành của doanh nghiệp còn giúp Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đăng cai giải vô địch Bóng chuyền U19 nữ châu Á Cup LienVietPostBank 2018, diễn ra tại Bắc Ninh từ ngày 10 đến 17-6. Giải đấu có tới 16 đội tham dự và đây là lần đầu tiên Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đăng cai tổ chức giải Bóng chuyền quốc tế với số lượng đội nhiều nhất từ trước tới nay. Việc đăng cai giải đấu này cũng được xem là thành công của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam trong khâu đào tạo đội ngũ vận động viên kế cận.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.