Gác lại giấc mơ để làm tròn nhiệm vụ

Thứ Tư, 06/12/2017, 09:37
Thể thao Hà Nội đang chờ đợi sẽ tiếp tục đóng góp Huy chương vàng cho Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD năm 2018 cũng như giữ vị thế số 1 tại Đại hội thể thao toàn quốc 2018 ngay ở Hà Nội.


Đáng chú ý, trong nhóm vận động viên được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu có không ít vận động viên nữ, những người đang đành tạm gác lại những việc cá nhân thiết yếu để hoàn thành mục tiêu.

Tạm gác kế hoạch làm mẹ

Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh) và Nguyễn Thị Thúy (Pencak Silat) đang là những niềm hy vọng vàng tại ASIAD. Cả hai đã kết hôn và đều đang đạt phong độ tốt nhất, trở thành những “hy vọng vàng” của thể thao Hà Nội cũng như Việt Nam ở những kỳ cuộc quan trọng trong năm 2018.

Hà Thị Nguyên (phải, ngoài cùng) tại Giải Taekwondo vô địch quốc gia năm 2017.

Từ đầu năm 2017 đến nay, vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo tiếp tục chứng tỏ là chủ lực của làng điền kinh Việt Nam. Cô giành HCV tại Giải điền kinh châu Á 2017 ở Ấn Độ và đó cũng là tấm HCV đầu tiên của nhảy xa nữ Việt Nam tại đấu trường châu lục. Đấy cũng là tấm HCV cấp châu lục thứ ba của Bùi Thị Thu Thảo trong năm 2017. Trước đó, cô đã giành 2 HCV ở Grand Prix điền kinh châu Á. 

Sau tấm HCV Giải vô địch châu Á 2017, Bùi Thị Thu Thảo tiếp tục giành tấm HCV SEA Games 29, hiện thực hóa mơ ước giành ngôi vô địch SEA Games từ cả chục năm nay. Giấc mơ ấy tưởng như không thể thực hiện khi trong làng điền kinh Đông Nam Á có mặt N.Londa (Indonesia) – cũng là vận động viên hàng đầu châu lục. 

Cơ hội lên ngôi vô địch ASIAD, SEA Games của Bùi Thị Thu Thảo từng không ít lần tan vỡ bởi sự xuất sắc của N.Londa. Nhưng rồi đến năm 2017, Bùi Thị Thu Thảo đã phá được cái “dớp” thất bại trước N.Londa. Tấm HCV ở SEA Games 29 đã tạo nên động lực tuyệt vời để cô hướng đến những mục tiêu xa hơn. 

Ngoài ra thành tích ổn định trong suốt năm 2017 khiến Bùi Thị Thu Thảo được giới chuyên môn đánh giá là vận động viên điền kinh Việt Nam duy nhất có khả năng tranh chấp ngôi vô địch ở ASIAD 2018.

Những thành tích ấn tượng trong năm 2017 của Bùi Thị Thu Thảo được coi là sự bù đắp phần nào cho những hy sinh thầm lặng của cô. Cuối năm 2015, cô kết hôn ở tuổi 23. 

Tuy vậy, vì những mục tiêu lớn của thể thao Hà Nội cũng như Việt Nam nên cô đành gác lại ý định làm mẹ. Bởi sau khi làm mẹ, vận động viên rất khó đạt được thể trạng như trước. Không dễ đưa ra quyết định ấy nhưng rồi mọi việc cũng được thu xếp. 

Tất nhiên, cô đã được gia đình hai bên và nhất là người chồng ủng hộ để hoàn thành nhiệm vụ với đơn vị chủ quản cũng như ngành Thể thao Việt Nam. Nếu không, cô khó có thể theo trọn con đường vận động viên thành tích cao và đạt được những thành công ấn tượng như trong thời gian qua.

Trường hợp của “hoa khôi” Pencak Silat Nguyễn Thị Thúy cũng tương tự. Nổi tiếng về sự duyên dáng, xinh đẹp cũng như tài năng, Nguyễn Thị Thúy thường là tâm điểm tại nhiều cuộc đấu Pencak Silat. Cô gái đang đầu quân cho Pencak Silat Hà Nội này từng giành ngôi vô địch thế giới, vô địch châu Á nội dung biểu diễn. Thế nhưng ở đấu trường SEA Games, cô lại chưa thể lên ngôi vô địch. 

Năm 2017, cô từng hy vọng sẽ giành tấm HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp vận động viên. Nhưng rồi vận may vẫn ngoảnh mặt dù tài năng, trình độ, đẳng cấp của cô vẫn được thể hiện trọn vẹn ở SEA Games 29 năm 2017. Chỉ giành HCB ở nội dung cá nhân lẫn đồng đội nữ là nỗi thất vọng với cô gái đã 26 tuổi này bởi cô đã xác định đó sẽ là kỳ SEA Games cuối trong sự nghiệp.

Thực tế, ở tuổi 26 mà vẫn tham gia thi đấu ở nội dung biểu diễn cũng là điều đáng nể. Ở độ tuổi này, nhiều bạn đồng lứa với Nguyễn Thị Thúy đã lấy chồng, sinh con, bỏ cuộc chơi để chuyển sang huấn luyện hoặc làm công việc khác. Nhưng chỉ có đam mê mới giữ chân cô gái này ở lại với đội tuyển quyền Pencak Silat Hà Nội, là đầu đàn cho nhóm vận động viên nội dung quyền. 

Điều ấy càng đáng trân trọng khi cô cũng đã kết hôn gần 2 năm nay với người đồng đội một thời tại Hà Nội là nhà vô địch SEA Games 28 Hoàng Quang Trung. 

Cũng như đồng nghiệp Bùi Thị Thu Thảo, cô cũng phải gác lại giấc mơ làm mẹ. Như Chủ nhiệm câu lạc bộ Pencak Silat Hà Nội Trần Thị Thu Hương chia sẻ thì Nguyễn Thị Thúy được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình nhà chồng nên mới có thể thi đấu đến tận bây giờ.

Năm 2018 lại là năm đặc biệt khi thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2018 và Đại hội thể thao Thủ đô diễn ra ở Hà Nội. Thế nên bộ đôi này nhận được nhiều kỳ vọng. Biết vậy nên cả hai cũng đều cố gắng vượt qua khó khăn bản thân để tròn nhiệm vụ với đơn vị chủ quản trong năm 2018 trước khi khởi động trở lại kế hoạch làm mẹ.

Thôi đành nợ môn

Cũng vì phải dành thời gian để các mục tiêu chuyên môn nên nhiều vận động viên không thể tốt nghiệp ĐH TDTT như dự kiến. Trước đây, làng bóng bàn Việt Nam từng có một Đoàn Kiến Quốc nợ môn đầm đìa vì bận thi đấu, tập huấn cùng câu lạc bộ cũng như đội tuyển quốc gia.

Hiện tại trong nhóm vận động viên trọng điểm của thể thao Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD cũng có không ít vận động viên đang phải chạy đua với thời gian để vừa tập huấn, thi đấu vừa hoàn thành chương trình Đại học TDTT nhằm chuẩn bị cho hậu sự nghiêp vận động viên. Trong số này có Hà Thị Nguyên – võ sĩ Taekwondo số 1 Việt Nam và Đông Nam Á hạng 67kg nữ. 

Cô gái người Yên Bái đầu quân cho thể thao Hà Nội theo cái cách ít người làm là tự viết thư gửi Giám đốc Sở Thể dục thể thao (nay là Sở Văn hóa – Thể thao) Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang để xin tập luyện thể thao đỉnh cao. 

Cuối cùng, cô gái người Yên Bái cũng được thỏa mãn ước mơ khi được Chủ nhiệm câu lạc bộ Taekwondo Hà Nội Đào Quốc Thắng (nay là Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) đưa về tập luyện tại câu lạc bộ. 

Ít năm trước, Hà Thị Nguyên đã quyết định theo học Đại học TDTT để thuận lợi hơn khi nghỉ thi đấu. Thế nhưng, những chuyến thi đấu và tập huấn quốc tế dồn dập khiến cô nợ khá nhiều môn. Vì vậy, cô đành thu xếp thời gian học bù sau khi kết thúc những cuộc thi đấu quốc tế của năm. 

Tuy nhiên, để có thể học bù hết cũng mất nhiều học phí. Không kể, những kế hoạch chuẩn bị dồn dập cho ASIAD 2018 cũng như Đại hội thể thao toàn quốc năm 2018 khiến cô gái 27 tuổi này có thể không kịp trả đủ số môn nợ.

Dù sao, năm 2018 cũng là năm đặc biệt với cô gái tài năng này như chính Hà Thị Nguyên từng có lần chia sẻ. Dù rất muốn lùi lại để dành đất diễn cho những vận động viên trẻ song Hà Thị Nguyên vẫn sẽ phải cày ải trong năm này để mang thành tích về cho thể thao Hà Nội cũng như Việt Nam.Thế nên, những đóng góp của những vận động viên nữ trên trong suốt thời gian qua mới càng đáng trân trọng.

Ngoại lệ cho Vũ Bích Hường

Trong làng thể thao Việt Nam cũng từng có một số vận động viên nữ tiếp tục đạt thành tích cao sau khi thực hiên thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, đó là ngoại lệ trong đó có trường hợp vận động viên nổi tiếng Vũ Bích Hường. Lấy chồng từ lúc đôi mươi rồi sinh con nhưng sau đó, động lực thoát nghèo và đam mê đã giúp chị thành công rực rỡ trên đường chạy với việc trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành HCV tại SEA Games (năm 1995).

Minh Hà
.
.
.