Tận dụng công nghệ trong thi đấu cờ vua

Chủ Nhật, 19/09/2021, 08:44

Dịch COVID-19 đã khiến hoạt động của nhiều môn thể thao bị đảo lộn. Nhiều giải đấu của nhiều môn thể thao bị hủy bỏ nhưng với cờ vua, hình thức thi đấu trực tuyến (online) vẫn quy tụ được các kỳ thủ, giúp cờ vua giữ được nhịp sống.

Như nhận định của nhiều chuyên gia, đây không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà là giải pháp về lâu dài, nhất là ở thể thức cờ nhanh, cờ chớp. Quan trọng là tận dụng cách làm mới này như thế nào.

Vẫn thi đấu trong mùa dịch

Trong gần 2 năm qua, những giải đấu cờ vua trực tuyến đã trở nên quen thuộc với các kỳ thủ trước diễn biến của dịch COVID-19. Với người chơi cờ, đó là may mắn bởi so với nhiều môn khác, nhất là những môn cần đến sự so đọ trực tiếp, mang tính đối kháng thì người chơi muốn thi đấu trực tuyến cũng không được.

Còn với cờ vua, chỉ cần một chiếc máy tính, điện thoại thông minh… là có thể giải quyết được nhu cầu thi đấu. Vấn đề chống gian lận khi thi đấu trực tuyến cũng đã có những giải pháp được Liên đoàn cờ vua thế giới đưa ra, kiểu như kỳ thủ ngồi độc lập trong phòng và có 2 thiết bị ghi phát hình để Ban tổ chức theo dõi được tình trạng thi đấu của kỳ thủ, qua đó bảo đảm không có gian lận, mách nước.

Tất nhiên, như lý giải của Trưởng bộ môn cờ Hà Nội Đặng Vũ Dũng thì thi đấu trực tuyến chủ yếu phù hợp với thể thức cờ nhanh, cờ chớp – vốn kết thúc ván đấu nhanh còn với cờ truyền thống có nhiều ván đấu diễn ra hàng giờ đồng hồ thì vẫn cần thi đấu trực tiếp. Một phần vì người xem khó có thể bỏ ra vài ba giờ để theo dõi một ván cờ truyền thống, mặt khác, giáp mặt khi đối đầu cờ truyền thống cũng đòi hỏi sức chịu đựng, thần kinh thép của người chơi. Mà điều này chỉ thể hiện rõ khi “mặt đối mặt” trên bàn cờ.

Dù vậy, thi đấu cờ nhanh, cờ chớp, đặc biệt cờ nhanh vẫn là lựa chọn của nhiều người chơi cờ, cũng đã quá tốt, đáp ứng phần nào nhu cầu cọ xát của người chơi, VĐV. Thế nên, các giải cờ trên thế giới cũng như Việt Nam theo hình thức trực tuyến vẫn được tổ chức đều đặn. Ngay các kỳ thủ Việt Nam cũng có điều kiện thi thố quốc tế. Trong đó, gần đây nhất là ở World Cup cờ vua các nhóm tuổi trẻ thế giới, hàng chục kỳ thủ Việt Nam đã tham dự để rồi giành 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. Không kể đến thành tích, chỉ việc được so tài với các kỳ thủ trên thế giới, không mất thực tế thi đấu cũng là cái được với các kỳ thủ Việt Nam.

Rồi ngay các giải cờ phong trào tại Việt Nam cũng vẫn duy trì nhịp sống của mình bằng các giải đấu trực tuyến, từ giải cấp trường, cấp huyện, tỉnh đến giải các CLB có sự tham dự của các kỳ thủ trên toàn quốc, thậm chí từ nước ngoài tham dự. Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh – Chủ nhiệm CLB cờ Kiện tướng tương lai kể rằng, từ tháng 4/2020 khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến đầu tháng 9, anh và các cộng sự đã tổ chức được 4 giải đấu Kiện tướng tương lai mở rộng theo hình thức trực tuyến, có tính hệ số elo để giúp các kỳ thủ nâng hệ số elo cao hơn nhằm đủ điều kiện dự nhiều giải quốc tế.

Dịp giãn cách xã hội, nhu cầu chơi cờ và thi đấu cờ tăng cao nên mỗi giải thường có hơn 300 VĐV tham dự. Đáng chú ý, có giải đã có sự góp mặt từ các VĐV nước ngoài, người Việt ở nước ngoài, trong đó có Mỹ. Theo ông Bùi Vinh, nếu tổ chức trực tiếp, chưa chắc đã có nhiều VĐV nước ngoài và người Việt ở nước ngoài tham dự nhiều đến vậy. Đơn giản chi phí để đi lại Việt Nam dự giải quá nhiều, vượt quá khả năng tài chính của nhiều VĐV. Còn khi thi đấu trực tuyến, VĐV chỉ đóng lệ phí thi đấu khoảng 5 USD và tham dự giải. Rồi khi tổ chức giải theo hình thức trực tuyến, ông Bùi Vinh và các cộng sự lại có điều kiện tổ chức bình luận trực tiếp các ván cờ thu hút sự chú ý của người xem.

Sự góp mặt bình luận của các Đại Kiện tướng quốc tế ở Việt Nam như Nguyễn Anh Dũng, Bùi Vinh hay Kiện tướng quốc tế Nguyễn Văn Hải đã mang đến một tầm vóc mới cho giải đấu, nhận được hiệu ứng tích cực từ người xem. Như Đại Kiện tướng quốc tế Nguyễn Anh Dũng từng nhận định thì thi đấu cờ trực tuyến cũng mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho các kỳ thủ và quan trọng nhất là vẫn giúp các kỳ thủ giữ được cảm giác thi đấu, điều đã trở nên xa xỉ với nhiều môn thể thao ở Việt Nam hiện nay.

co.jpg -0
VĐV thi đấu cờ online luôn có camera bên cạnh để giúp Ban tổ chức giám sát, bảo đảm yêu cầu tham dự giải.

Tận dụng công nghệ để tạo sân chơi

Cũng không ngẫu nhiên mà ông Bùi Vinh rất tự tin vào việc duy trì hình thức tổ chức theo hình thức trực tuyến cho giải đấu lớn nhất trong năm tại Hà Nội và có lẽ là cả nước mà CLB Kiện tướng tương lai đứng lên phối hợp với Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức vài năm gần đây là Giải vô địch cờ vua nhanh Hà Nội mở rộng tranh Cúp Kiện tướng tương lai vào tháng 11 tới. Giải đấu dự kiến thu hút trên 1.000 kỳ thủ.

Theo ông Bùi Vinh, thi đấu trực tuyến mang đến giải pháp giúp giải đấu không bị gián đoạn, bảo đảm được duy trì hằng năm. Vấn đề của Ban Tổ chức chỉ là sắp xếp lịch thi đấu cho từng nhóm tuổi để hệ thống máy móc của Ban Tổ chức không bị quá tải. Những người tổ chức giải đủ kinh nghiệm để xử lý việc này nên bảo đảm giải đấu vẫn sẽ diễn ra, dù lâu hơn so với khi tổ chức trực tiếp. Nhưng đổi lại khâu chuẩn bị cũng sẽ đỡ vất vả, giúp nhà tổ chức và cả người chơi không bị tốn kém vào các chi phí ngoài lệ phí thi đấu.

Điều này khiến người ta lại nghĩ đến việc các giải đấu cờ đỉnh cao, cả trong nước và quốc tế, vẫn cần được tổ chức nhiều hơn tại Việt Nam với giải pháp trực tuyến. Thực tế, với việc tổ chức giải đấu theo hình thức trực tuyến, tổ chức đăng cai các giải đấu quốc tế hoàn toàn là việc trong tầm tay của Liên đoàn Cờ Việt Nam và nhiều đơn vị khác. Trước đây, kinh phí luôn là bài toán khó giải khi tổ chức các giải đấu quốc tế ở Việt Nam từ việc thuê địa điểm thi đấu, chi phí ăn ở, đi lại cho ban tổ chức, trọng tài… Nhưng khi chi phí tổ chức đã giảm đáng kể so với việc tổ chức các giải đấu trực tiếp thì cần tính đến nhiều hơn đến việc tổ chức, đăng cai các giải đấu quốc tế nội dung cờ nhanh, cờ chớp. Như thế vừa giúp các kỳ thủ Việt Nam nâng hệ số elo để đủ điều kiện dự nhiều giải quốc tế khác, vừa nhanh chóng nâng tầm để tiếp thêm động lực thi đấu đỉnh cao. Ở khía cạnh khác, việc này cũng mang đến nguồn thu đáng kể cho nhà tổ chức, đặc biệt nếu Liên đoàn Cờ Việt Nam hay Liên đoàn cờ địa phương nào đó đứng lên tổ chức. Việc này cũng bù đắp phần nào cho nguồn thu từ kinh phí tài trợ - được dự báo sẽ không nhiều, thậm chí không có trong thời gian tới khi các doanh nghiệp còn gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Ở mảng phong trào, các đơn vị đang chứng tỏ sự chủ động nắm bắt những thay đổi về xu hướng tổ chức giải đấu với việc áp dụng thành tựu công nghệ. Và từ đó, hướng đi, cách làm từ thi đấu trực tuyến đã mở ra cho các sân chơi đỉnh cao của cờ Việt Nam. Vấn đề là những nhà quản lý sẽ tận dụng cách làm trên như thế nào để giải bài toán thiếu sân chơi đỉnh cao, nâng tầm cho các kỳ thủ Việt Nam. Từ đó đáp ứng được yêu cầu về hệ số elo quốc tế để được thi đấu ở các giải quốc tế, kéo theo việc nâng trình độ, tăng thu nhập... như nhiều người vẫn đau đáu lâu nay.

Phải tạo điều kiện nâng hệ số elo

Theo Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, không riêng cờ tiêu chuẩn, ở nội dung cờ nhanh, cờ chớp, các kỳ thủ Việt Nam cũng thiệt thòi khi ít được thi đấu quốc tế để nâng hệ số elo, qua đó mất cơ hội được hưởng ưu tiên khi đăng ký dự nhiều giải quốc tế (thường miễn phí cho kỳ thủ có hệ số elo cao theo quy định của Ban tổ chức hoặc tặng một khoản phí để kỳ thủ dự giải). Trong khi đó, trình độ cờ của các kỳ thủ Việt Nam vẫn bị đánh giá là cao hơn hệ số elo mà họ đang sở hữu. Và để giải quyết chỉ còn cách tạo điều kiện để họ được thi đấu các giải có tích lũy hệ số elo trong đó thi đấu trực tuyến đang là cơ hội tốt cho các kỳ thủ.     

Minh Hà     

Minh Khuê
.
.
.