Kỳ đài Hà Nội Dấu ấn xưa vẫn còn đó

Thứ Ba, 31/01/2017, 08:21
Nằm trong quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long, Kỳ đài Hà Nội (tên thường gọi là Cột cờ Hà Nội) là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất hiện nay. Mang trong mình những dấu ấn lịch sử gắn liền với những ký ức hào hùng của dân tộc, di tích lịch sử, văn hóa này hiện đang là một điểm tham quan không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế.


Kiến trúc đặc biệt trong hệ thống thành

Trong kho lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam còn lưu giữ 2 cuốn tài liệu ngả màu theo thời gian trong đó ghi chép tỉ mỉ và chi tiết về quá trình thi công cũng như kiến trúc, lịch sử của công trình đặc biệt này.

Cột cờ Hà Nội là tên gọi thường dùng của người dân cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu qua các tư liệu, đặc biệt là các tư liệu cũ về thành Thăng Long thời Nguyễn, hầu hết trong bố cục thành đều có kỳ đài. Kỳ đài thường bố trí ở mặt tiền hoặc trung tâm của khu cấm cung và tất nhiên là trong khu vực hoàng cung.

 Đơn cử như Kinh thành Huế được Gia Long xây đắp từ năm đầu lên ngôi (1802) và được chọn làm kinh đô của các vua Nguyễn. Kỳ đài là một công trình rất lớn, cao, đồng thời còn là nơi quan sát, một trận địa pháo gồm 23 khẩu. Công trình này xây 3 cấp, cao 17,50m trên cùng chính giữa là cột cờ bằng gỗ cao 29,52m. Còn Trấn thành Gia Định (tương đương Tổng trấn Bắc Hà) bắt đầu khởi công xây dựng năm 1750. Giữa sân cung điện cho xây kỳ đài ba tầng, trên có tòa vọng lâu bát giác ban ngày kéo cờ, ban đêm kéo đèn làm hiệu cho các quán.

Tổng trấn Bắc Thành (Thành Thăng Long) Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Từ đời Lê về trước, kinh đô đều đặt ở đây, lại có tên là Thành Phụng Thiên ở trong thành Đại La. Thành lâu năm sụp đổ, đến đời Tây Sơn theo nền cũ đắp thành quanh từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng. Bản triều đầu đời Gia Long lấy làm sở lỵ Bắc thành. Năm thứ 3, triều thần bàn rằng thể chế Tây Sơn không hợp quy củ, tâu xin sửa đổi. Năm thứ 4 sai quan đốc sức việc đắp thành và xây dựng kỳ đài. Qua cấu trúc của một số tòa thành tiêu biểu thời Nguyễn, chúng ta thấy kỳ đài là một công trình nằm trong hệ thống cấu trúc của thành, nó có chức năng riêng và quy mô kiến trúc lớn so với bất cứ công trình nào trong thành cung”.

Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Với chức năng là một vọng canh, cột cờ nằm cách Đoan Môn khoảng 300m, cách điện Kính Thiên 500m và cách cửa Bắc gần 1.000m. Từ trên đỉnh của cột cờ có thể quan sát cả một vùng rộng lớn bên trong và ngoài khu thành cổ. Nhìn tổng thể cột cờ gồm những khối lăng trụ xếp chồng nhau. Ở mỗi cấp tường xây dựng trang trí bằng những hoa văn khác nhau,  tạo được nét mềm mại và vẻ đẹp riêng cho từng cấp.

Cửa hướng Đông trên có đắp hai chữ "Nghênh húc" (đón ánh nắng ban mai), cửa hướng Tây với "Hồi quang" (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam với "Hướng minh" (hướng về ánh sáng). Ở cửa hướng Bắc được bố trí hai cầu thang lên sân thượng phía bên phải và trái, mỗi cầu thang gồm 14 bậc, có tay vịn bằng sắt. Sân thượng được bao quanh bằng lan can gỗ cùng với tường hoa trổ những hình lục giác có hình vuông ở giữa, được đan lồng với nhau trông tựa hình mạng nhện.

Thân cột cờ hình trụ 8 cạnh, thon dần lên trên, cao 18,2m, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng bằng 39 cửa hình hoa thị và 6 cửa hình dẻ quạt. Những cửa  này được đặt dọc các mặt, mỗi mặt có từ 4 đến 5 lỗ. Nhờ có các cửa thông hơi chạy xung quanh thân cột nên ánh sáng tự nhiên và không khí lúc nào cũng được thông thoáng.

Đỉnh Cột cờ (Vọng canh) được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, cao 3,3m, có 8 cửa sổ tương ứng 8 mặt, có thể đủ cho 5-6 người đứng quan sát. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4m, cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cao 8m).  Phần mái giống như hình nón đội, xương mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói và giữa đỉnh mái có cột sắt cùng với ròng rọc để treo cờ. Tổng chiều cao của phần xây dựng của Cột cờ Hà Nội là 33,4m. Nếu tính cả phần cột thép để treo cờ là hơn 40m.

Biểu tượng thiêng liêng của Thủ đô qua dấu ấn thăng trầm lịch sử

Theo hồ sơ tư liệu còn lưu giữ thì vào những năm 1894-1896 sau khi đã chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp bắt đầu dỡ bỏ nhiều kiến trúc trong thành và triệt phá các cổng thành, san phẳng để mở các đường phố mới.

Cột cờ cũng là một trong những kiến trúc nằm trong Hoàng thành nhưng may mắn thoát khỏi sự phá hủy của thực dân Pháp. Theo những nghiên cứu để lại, lý do thực dân Pháp không phá hủy Cột cờ Hà Nội do công trình này có chiều cao khá đặc biệt, thời kỳ đó ít có kiến trúc nào so sánh bằng lại có vọng canh nhìn xa và bao quát được mọi hướng.

Pháp chiếm khu vực Hoàng thành làm đại bản doanh của bộ máy xâm lược ở Đông Dương và khu Cột cờ được sử dụng làm khu vực thu phát tín hiệu thông tin vô tuyến điện.  Đây cũng là doanh trại của đơn vị thông tin của Pháp. Chúng đã sử dụng chiều cao của cột cờ làm cột thu phát tin tức. Từ đây chúng đã phát đi khắp Đông Dương những chỉ thị, mệnh lệnh tác chiến để chỉ huy các chiến dịch.

Ngày 10-10-1954, Hà Nội tưng bừng cờ hoa đón những đoàn quân về giải phóng Thủ đô. 15h ngày lịch sử ấy, sau một hồi còi dài từ Nhà hát thành phố Hà Nội, Đoàn quân nhạc cử quốc thiều, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên một cách trang trọng trong lễ thượng cờ chính thức trên Cột cờ Hà Nội.

Trong những ngày Mỹ ném bom Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu đã chủ trương thành lập một Tiểu đội gồm 12 người với tên gọi Tiểu đội Cột cờ. Nhiệm vụ của đơn vị này là hằng ngày trèo lên Cột cờ để quan sát tình hình máy bay Mỹ ném bom Hà Nội sau đó báo cáo lại cấp trên tình hình những nơi bị ném bom trong khu vực. Từ vị trí quan sát trọng yếu này, những chiến sỹ Tiểu đội Cột cờ ngày ấy đã dũng cảm bất chấp hiểm nguy. Mỗi khi máy bay địch ném bom, các anh vẫn kiên cường bám trụ trận địa quan sát báo cáo tình hình lại với cấp trên để kịp thời đưa ra phương án giải quyết.

Từ năm 1986 đến nay lá cờ được treo thường trực trên đỉnh cột thay vì chỉ treo vào những ngày lễ như trước đó. Được biết nhiệm vụ trông nom bảo quản lá cờ thiêng liêng ấy được giao cho các cán bộ, chiến sĩ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Hành chính, Tổng hợp - Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: Lá cờ treo trên đỉnh cột cờ Hà Nội kích cỡ 4mx6m và được thiết kế rất đặc biệt. Vải cờ, chỉ khâu phải loại tốt. Do khổ lớn nên hiện tại chỉ có một hai cơ sở có thể may được loại cờ trên. Để đảm bảo thường xuyên có cờ thay trong các trường hợp cờ bị hỏng, rách, từ đầu năm đơn vị phải đặt may sẵn 20 lá cờ. Bất kể lúc nào khi cờ bị rách hoặc hơi bạc màu là các anh phải lập tức thay cờ mới. Có khi vừa thay cờ xong nhưng gặp đúng hôm mưa bão thì hai hôm sau các anh phải thay lá cờ khác.

Từ khi mở cửa đến nay, đã có hàng triệu lượt khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Trong số đó có rất nhiều vị khách mong muốn được lên thăm Cột cờ Hà Nội. Theo những cán bộ làm công tác tại Bảo tàng, vào những ngày lễ đặc biệt trong năm khách phải xếp hàng để lên thăm Cột cờ. Đối với hầu hết du khách, được tận mắt xem lại một công trình kiến trúc tồn tại hơn 100 năm nay đã trở thành hình tượng trong đời sống nhân dân là một niềm vinh dự.

Ngay khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh “Cột cờ Hà Nội” đã được in trang trọng trên đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành lần đầu tiên. Hình ảnh Cột cờ cũng đã được làm mẫu trên các con tem, bìa sách, áp phích nhiều năm qua. Trải qua hơn nửa thế kỷ, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội mãi mãi là biểu tượng thiêng liêng trong mỗi trái tim người dân đất Việt.

Ngày 10-10-1954, Hà Nội tưng bừng cờ hoa đón những đoàn quân về giải phóng Thủ đô. 15h ngày lịch sử ấy, sau một hồi còi dài từ Nhà hát thành phố Hà Nội, Đoàn quân nhạc cử quốc thiều, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên một cách trang trọng trong lễ thượng cờ chính thức trên Cột cờ Hà Nội.

Đức Thọ
.
.
.