Cần nhìn nhận tính đại cục của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm

Chủ Nhật, 21/06/2015, 19:12
Góp ý về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng, Việc tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài trong quá trình làm luật là cần thiết, song nó phải phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, không nên vận dụng một cách máy móc...

Bị can, bị cáo cũng có nghĩa vụ khai báo thành khẩn

Trước hết, tôi cho rằng yêu cầu đặt ra của dự án bộ luật là sau khi sửa đổi phải đảm bảo tiến bộ hơn, dễ thực hiện hơn bộ luật cũ, đảm bảo thực sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đảm bảo các thủ tục tố tụng công khai, minh bạch, dân chủ, đơn giản để người dân dễ tiếp cận công lý. Song, một yêu cầu cũng rất quan trọng đặt ra là phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, đảm bảo tính khả thi cao của bộ luật.

Việc tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài trong quá trình làm luật là cần thiết, song nó phải phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, không nên vận dụng một cách máy móc, theo hướng quá nhân đạo, quá đề cao quyền con người của kẻ phạm tội, làm khó cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Từ kinh nghiệm thực tiễn, tôi xin đưa ra cảnh báo, quy định theo hướng đó sẽ gây khó khăn, cả trở lớn, thậm chí “bó chân, bó tay” các cơ quan điều tra, hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đang diễn biến hết sức quyết liệt hiện nay. Đồng thời, làm nhụt ý chí tấn công tội phạm, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, mất uy tín của lực lượng công an và trở thành điều kiện để kẻ phạm tội triệt để lợi dụng. Vì vậy, chúng ta cần dự báo được sau khi bộ luật này có hiệu lực thi hành thì tính khả thi của nó thế nào, hiệu quả răn đe, tấn công trấn áp tội phạm ra sao.

Chúng ta cần nhìn nhận tính đại cục của mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm chứ không phải ở một vài trường hợp cụ thể. Hiệu quả của công tác này hoàn toàn phụ thuộc vào các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó các cơ quan điều tra là lực lượng nòng cốt, lực lượng công an là mũi nhọn của cuộc đấu tranh.

Dự thảo bộ luật quy định “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Theo tôi, quy định thế này dễ gây cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hiểu lầm, cho rằng đây là quyền tự do của mình trong việc trình bày hoặc không trình bày lời khai và khuyến khích họ im lặng (thực chất, đây là một cách nói khác của quyền im lặng). Điều mà lẽ ra sau khi gây án họ phải có trách nhiệm hợp tác với cơ quan điều tra, khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình để giúp cơ quan điều tra nhanh trong làm rõ tội phạm thì họ lại im lặng.

Tôi cho rằng quy định như dự thảo mới chỉ nhân đạo, chú trọng một chiều đến quyền của kẻ phạm tội (đối tượng xã hội phải lên án) mà chưa thực sự chú trọng đến quyền con người, quyền công dân của nạn nhân, của người bị hại (chủ thể pháp luật bảo vệ). Quy định như vậy, thực sự bất lợi và gây khó khăn cho công tác xét hỏi, lấy lời khai của CQĐT để điều tra làm rõ tội phạm. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với yêu cầu, đòi hỏi phải đấu tranh quyết liệt trấn áp tội phạm, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Do đó, tôi đề nghị đã quy định cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền được trình bày lời khai thì cũng nên quy định nghĩa vụ phải khai báo những vấn đề liên quan đến vụ án, đến hành vi vi phạm pháp luật và nên có quy định khuyến khích người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo khai báo thành khẩn để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước.

Tôi đề nghị dự thảo bộ luật sửa lại là: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền và nghĩa vụ khai báo, có quyền trình bày ý kiến, song không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội”. Quy định như vậy sẽ tạo ra nhận thức thống nhất trong hoạt động lấy lời khai, tránh việc bức cung, nhục hình.

Thiếu tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh

Quy định cho bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu là không khả thi

Về quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án, tôi không đồng tình như quy định của dự thảo, vì quy định như vậy là không thực tế, không khả thi, nhất là với các vụ án có nhiều bị can, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thì lượng tài liệu rất nhiều, việc ghi chép mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ đưa vụ án ra xét xử...).

Mặt khác, với nhiều vụ án, giai đoạn hồ sơ thuộc loại “tối mật”, “tuyệt mật” không được phép sao chụp, không đảm bảo an toàn cho hồ sơ vụ án... nên không thể quy định quyền được đọc, ghi chép tài liệu đối với tất cả các vụ án như dự thảo được. Tuy nhiên, theo tôi có thể quy định “trong trường hợp bị can, bị cáo không có người bào chữa mà có yêu cầu thì sau khi kết thúc điều tra, họ có quyền được đọc bản sao và ghi chép tài liệu trích trong hồ sơ vụ án có liên quan trực tiếp đến việc buộc tội họ”.

Về bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, tôi cho rằng quy định như vậy là không cần thiết, không phù hợp với điều kiện thực tế và không thể thực hiện được. Mục đích của ghi âm, ghi hình là chống bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai. Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hôị, tỷ lệ này là rất nhỏ (khoảng 0,02%). CQĐT các cấp hiện nay, chỉ tính riêng lực lượng công an đã có hàng nghìn đầu mối, và hàng năm phải thụ lý hàng trăm nghìn vụ án, do đó không thể bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình, lưu trữ, bảo quản tài liệu, và nếu có cũng sẽ gây lãng phí lớn, không cần thiết. Thủ tục xin phê duyệt, giám sát và việc đọc tài liệu trên băng đĩa ghi âm, ghi hình rất phức tạp.

Thực tế cho thấy, trong một đơn vị điều tra, cùng một thời điểm có thể thụ lý nhiều vụ án và trong một số vụ án có thể phải tiến hành hỏi cung đồng thời nhiều đối tượng... thì việc bố trí đủ thiết bị ghi âm, ghi hình cho ĐTV làm án là cực kỳ khó khăn. Mặt khác, có rất nhiều vụ án đơn giản, phạm pháp quả tang, đối tượng nhận tội ngay hoặc nhiều vụ án có luật sư tham gia và kiểm sát viên giám sát ngay từ đầu thì việc ghi âm, ghi hình hoàn toàn không cần thiết, lãng phí. Quy định này sẽ gây khó khăn lớn cho công tác điều tra, xét hỏi của cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đối với các vụ án phức tạp, có mức án chung thân, tử hình hoặc các bị can, bị cáo kêu oan nhiều lần thì có thể tiến hành ghi âm, ghi hình, và trên thực thế, CQĐT đã chủ động làm điều này.

Về căn cứ tạm giam: đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tôi nhất trí như dự thảo. Với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng mà BLHS đã quy định phạt tù thì đều có thể áp dụng biện pháp tạm giam để tránh việc bị can bỏ trốn, tiêu huỷ chứng cứ, cản trở điều tra. Về thời hạn tạm giam, tôi đề nghị giữ nguyên như hiện hành, không nên quy định rút ngắn thời hạn tmaj giam mà nên quy định thời hạn tạm giam phải phù hợp với thời hạn điều tra, vì đây là biện pháp ngăn chặn bị can, bị cáo bỏ trốn, tiêu huỷ chứng cứ, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Thực tế cho thấy, có nhiều vụ án đã hết thời hạn tạm giam mà vẫn còn thời hạn điều tra, nhưng không thể thả bị can, bị cáo được, nhất là các vụ án xâm phạm An ninh Quốc gia, cướp, giết người, buôn bán ma tuý có tổ chức... Cần phải sửa đổi quy định liên quan đến vấn đề này.

.
.
.