UBTV Quốc hội rà soát vấn đề oan sai trong tố tụng tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 18/12/2014, 22:07
Theo Văn phòng Quốc hội, sáng 18/12, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc trực tiếp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan điều tra ban đầu ở TP. Hồ Chí Minh để nghe báo cáo về quy trình tiến hành tố tụng, thực trạng tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động hình sự theo quy định pháp luật.

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đơn vị Công an, Toà án, Viện kiểm sát, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Cảnh sát biển 4 rà soát tổng thể số lượng số vụ oan sai, xem xét đánh giá thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân trách nhiệm dẫn đến tình trạng oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử án hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan từ thời điểm tháng 10/2011 đến tháng 9/2014. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ đạo tại phiên giám sát.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện đã rà soát các số liệu liên quan đến việc oan sai về hình sự và tố tụng hình sự, đình chỉ điều tra, căn cứ để đình chỉ điều tra vụ án, chất lượng điều tra vụ án. Công an thành phố đã tập hợp được tài liệu về án oan sai của Công an 17 quận, huyện và đang tiếp tục nỗ lực rà soát thêm. Đại diện của Viện kiểm sát, Toà án nhân dân thành phố cũng trình bày một số vấn đề được các cơ quan tố tụng quan tâm, như việc truy tố, xét xử đối với sản xuất kinh doanh hàng thương mại, có những thực phẩm và chất phụ gia thực phẩm còn khó xác định, gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó, việc xử lý tội phạm về tham ô, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và các loại tội phạm về ma tuý còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một bất cập khác cũng được các cơ quan tố tụng đưa ra là vấn đề thời hạn điều tra vụ án còn chưa hợp lý, nhiều vụ án phức tạp, nổi cộm, cần thêm nhiều thời gian để làm rõ…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong Hiến pháp mới đã ban hành năm 2013 cũng xác định những nguyên tắc rất cơ bản trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân, rất dân chủ tiến bộ đối với các cơ quan tư pháp như nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc 2 cấp xét xử, nguyên tắc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo của đương sự trong các vụ án. Đây là những vấn đề để chúng ta bảo đảm các hoạt động theo đúng Hiến pháp, pháp luật.

M.Đ.
.
.
.