Chưa quy định được xóa án tích với pháp nhân vì “quá khó”

Thứ Sáu, 11/08/2017, 16:20
Sáng 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp do Bộ Tư pháp chủ trì, soạn thảo. Với việc chưa đưa được điểm cốt lõi nhất là quy định xóa án tích đối với pháp nhân vào dự thảo, các thành viên Thường vụ Quốc hội đã nhất trí cho rằng dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Tuy UBTP thống nhất về việc cần thiết phải sửa đổi dự án luật để tương thích với các luật liên quan, nhưng nội dung sửa đổi lại chưa đạt yêu cầu. 

Thứ nhất, Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh thì chủ thể này cũng đồng thời có quyền yêu cầu xác nhận tình trạng án tích, nhằm tạo điều kiện tham gia các quan hệ kinh tế và giao dịch khác. Tuy nhiên, Tờ trình và dự thảo Luật lại không đặt vấn đề bổ sung quy định đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án luật

Bên cạnh đó, có tới 17/33 tội danh quy định tình tiết “đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là tình tiết định tội, trong đó có 14/17 tội danh đồng thời quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm ở khung hình phạt tăng nặng; có 11/33 tội danh quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm ở khung hình phạt tăng nặng, nên UBTP cho rằng, việc nghiên cứu, bổ sung quy định về án tích của pháp nhân thương mại vào dự thảo Luật là “yêu cầu bắt buộc”. 

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc bổ sung nội dung trên là chưa thể thực hiện được, vì theo quy định tại Điều 2 Luật Lý lịch Tư pháp (LLTP), thông tin về LLTP bao gồm án tích và tình trạng thi hành án – mà các thông tin về tình trạng thi hành án đối với pháp nhân thương mại và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin về thi hành án phải được quy định trong Luật Thi hành án hình sự (sẽ được sửa đổi trong thời gian tới).

Phát biểu về dự luật này, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng: Chính phủ có rất nhiều lý lẽ khi trình, nhưng cơ quan thẩm tra lại chưa đồng tình những vấn đề rất cốt lõi. Do đó, đề nghị cơ quan thẩm tra làm rõ có cần thiết phải sửa đổi luật này không, tính khả thi thế nào... từ đó, TVQH mới có đủ căn cứ để quyết định việc có trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 hay không. 

Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Nga cho biết: “Một trong những sửa đổi lớn nhất trong hệ thống tư pháp hình sự là đưa pháp nhân thương mại vào đối tượng chịu trách nhiệm hình sự. Đã có truy tố, xử án pháp nhân thương mại thì thi hành án không thể không có, nên khi thẩm tra chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chúng tôi đồng ý với việc phải sửa để cập nhật quy định mới của các luật liên quan. Tuy nhiên, sửa thế nào thì cách đây 10 ngày chúng tôi mới nhìn thấy dự thảo. Sự cần thiết thì chúng tôi đồng ý, nhưng nội dung cụ thể lại không được. Cái vướng lớn nhất của luật cần sửa đổi là pháp nhân thì chúng ta chưa nghĩ ra được. Có 2 điểm lớn của Luật này cần xử lý được: Thứ nhất là đưa pháp nhân vào, không có không được; Thứ 2, việc đề xuất bỏ phiếu LLTP số 2 cũng chưa thuyết phục”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên thảo luận

Về đề xuất bỏ phiếu LLTP số 2, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nêu một ví dụ: Vừa qua, chúng tôi điều tra vụ án 1 Giám đốc đã phạm tội lừa đảo, bị phạt tù 6 năm, nhưng sau đó một thời gian thì đương nhiên được xóa án tích. Khi xác nhận LLTP, Sở Tư pháp xác nhận là không có án tích, nên ngân hàng không biết rằng ông ta đã lừa đảo trước đây và đã bổ nhiệm. Ví dụ này cho thấy thông tin của LLTP phải đầy đủ và cần có các loại LLTP khác nhau (nếu một người đã được xóa án tích, LLTP số 1 sẽ ghi là không có án tích, nhưng LLTP số 2 sẽ ghi đầy đủ các án tích mà người đó đã được xóa). 

“Như UBTP có nêu, ở Pháp có 3 loại LLTP, loại dành cho cơ quan, tổ chức; loại dành cho cá nhân và loại dành cho cơ quan tư pháp. Đề nghị xem xét lại các nội dung cho thật kỹ, và phải có LLTP số 1 và số 2 – vì không chỉ có riêng cơ quan công an lấy LLTP về án tích; các cơ quan, tổ chức cũng cần những thông tin cụ thể hơn, nhất là khi bố trí nhân sự”.

Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho rằng việc dự thảo luật yêu cầu Viện Kiểm sát cung cấp cả quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định truy tố... cho Trung tâm LLTP để cập nhật cơ sở dữ liệu là không thể làm được và cũng không đúng với LLTP. 

Đồng tình việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết, vì chúng ta đang thực hiện lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đồng thời xây dựng Trung tâm LLTP, trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, hình thành một hệ thống thông tin đầy đủ về công dân; tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quý Vương vẫn nhấn mạnh vấn đề sửa đổi thế nào thì còn cần bàn.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dù chỉ sửa đổi một số điều, nhưng phạm vi sửa đổi phải xác định rõ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cùng UBTP ngồi lại xác định tất cả các vấn đề còn băn khoăn, báo cáo TVQH tại kỳ họp tới để TVQH quyết định trình ra kỳ họp thứ 4 hay chờ sửa Luật Thi hành án hình sự.

Vũ Hân
.
.
.