Chuyển hồ sơ vụ Khaisilk sang cơ quan điều tra

Thứ Hai, 30/10/2017, 18:25
Liên quan đến vụ thương hiệu lớn Khaisilk bán lụa Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam, chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đích thân chủ trì một cuộc họp với lực lượng Quản lý thị trường về hướng xử lý. Tuy nhiên, cuộc họp này báo chí không được tham dự.


Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được, tại cuộc họp này, Bộ trưởng Công Thương đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cửa hàng 113 Hàng Gai (Hà Nội) bán hàng 2 nhãn mác sang cho cơ quan điều tra công an TP Hà Nội xem xét mức độ vi phạm. 

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu  Cục Quản lý thị trường có văn bản gửi cơ quan điều tra công an TP Hà Nội đề nghị hỗ trợ Bộ Công Thương và lực lượng chức năng  làm rõ mối liên hệ cũng như vai trò của tập đoàn Khải Đức với thương hiệu Khaisilk và việc kinh doanh của cửa hàng số 113 Hàng Gai trong việc dùng nhãn mác giả Made in Viet Nam để lừa người tiêu dùng. 

Từ đó làm rõ những vi phạm của tập đoàn Khải Đức và Khaisilk trong việc tiêu thụ các hàng hoá Made in Trung Quốc giả nhãn mác hàng hoá Việt Nam trong nhiều năm qua.

Một số PV đã chờ đợi trước cửa phòng họp của Bộ Công Thương để tìm hiểu kết quả buổi họp

Trong phạm vi thẩm quyền của Bộ, ông Trần Tuấn Anh đã yêu cầu lập đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của cơ quan thuế, hải quan, cơ quan chức năng của Bộ Khoa học & Công nghệ, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Hiêp hội dệt may và Cảnh sát kinh tế của Bộ Công an để thực hiện sớm việc kiểm tra toàn bộ hệ thống hoạt động của tập đoàn Khải Đức. 

Các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương sẽ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Vụ Pháp chế, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường… 

Ông Trần Tuấn Anh yêu cầu “Cục Quản lý thị trường làm đầu mối, làm việc với tập đoàn Khải Đức với những nội dung cụ thể nhằm làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Khaisilk và tập đoàn Khải Đức trong việc lừa đảo người tiêu dùng”. 

Bộ Công Thương cũng sẽ đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an giúp giám định chất lượng của các sản phẩm lụa gắn mác Khaisilk bị thu giữ vừa qua tại cửa hàng 113 Hàng Gai vừa, làm rõ những sai phạm về chất lượng, chỉ dẫn địa lý hàng hoá cũng như xuất xứ hàng hoá. Những kết quả này sẽ giúp xác định mức độ sai phạm, củng cố cơ sở để điều tra vụ việc bán hàng giả nhãn mác của cửa hàng 113 Hàng Gai.

Nhiều khách hàng rất bức xúc vì cảm giác bị lừa khi mua hàng Khaisilk với giá cắt cổ

Sau khi họp kín, Bộ Công Thương đã chính thức ra thông cáo ngắn gọn. Ngoài những thông tin đã đề cập ở trên, thông cáo của Bộ Công Thương cho biết: Bộ này sẽ đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh của Công ty TNHH Khải Đức tại 113 Hàng Gai.

Vụ việc Khaisilk từ một nghi vấn của khách hàng đã trở thành việc lớn, thu hút sự chú ý của người dân cả nước quan chức nhiều địa phương có cửa hàng của thương hiệu này tọa lạc. 

Trước đó, sáng 30-10, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng của TP này làm rõ vụ việc này, vì làm ảnh hưởng đến du lịch thành phố. Tại TP Hồ Chí Minh, Khaisilk có 3 cử hàng và đều đã đóng cửa sau khi báo chí đưa tin. 

Hiện nay, kết quả kiểm tra duy nhất đối với vi phạm của Khaisilk là từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội qua việc kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cửa hàng này do bà Nguyễn Thị Thu Nga làm chủ hộ kinh doanh. 

Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga cho biết cửa hàng này chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất, nhưng “do sơ xuất trong quản lý và trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20-10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China", sau đó khâu nhãn "KHAISILK Made in Vietnam" để bán cho khách hàng”. 

Tổng số hàng hóa mà cửa hàng này đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc và còn tồn 56 chiếc. Giá niêm yết các sản phẩm này là 644.000 đồng/chiếc, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng. Toàn bộ số hàng trên đang được thu giữ.

Điều đáng nói ở chỗ, trước đó chủ thương hiệu này là ông Hoàng Khải đã thừa nhận đang kinh doanh sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc với tỷ lệ khoảng 50%. Ông này cũng cho biết đã nhập hàng Trung Quốc từ lâu. 

Vũ Hân
.
.
.