Dấu ấn hoàn thiện pháp luật về tư pháp

Thứ Ba, 19/05/2015, 20:26
Với trọng tâm là công tác lập pháp, kỳ họp thứ 9 (khai mạc sáng 20-5), Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận các dự án luật lĩnh vực tư pháp, trong đó việc thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay.

1. Dấu ấn lập pháp về tư pháp được thể hiện rõ trong việc sửa đổi, bổ sung những luật, bộ luật lớn như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự; các dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật An toàn thông tin… Việc thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay.

Mục tiêu, quan điểm, nội dung sửa đổi các bộ luật này phù hợp với chủ trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các kết luận của Bộ Chính trị về công tác cải cách tư pháp và những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013.

Về vấn đề này, Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có chỉ đạo về việc tiếp thu ý kiến chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện tờ trình, báo cáo kết quả nghiên cứu, đề xuất nội dung dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (về công tác tư pháp và cải cách tư pháp), trình Tiểu ban văn kiện Đại hội XII của Đảng. Thời gian qua, các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục chỉ đạo việc chỉnh lý các dự án này.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Đây là vấn đề được Quốc hội quan tâm và tiến hành giám sát để đánh giá đúng thực trạng, làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp.

Tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, các ý kiến thống nhất đánh giá, những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, số người phạm tội với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhưng cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây. Tuy số người bị oan không nhiều, các trường hợp sai phạm đã hạn chế đáng kể và giảm dần theo từng năm nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì vấn đề này còn những bất cập cần được làm rõ để có hướng khắc phục.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII dành nhiều thời gian hoàn thiện lĩnh vực lập pháp về tư pháp.

2. Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành tiếp tục là nội dung được thảo luận và thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư tại kỳ họp lần này (kỳ họp trước Quốc hội cũng đã cho ý kiến). Đây là dự án đặc biệt quan trọng không chỉ về số vốn đầu tư “khủng” mà cả sự tác động đến kinh tế, xã hội.

Tại Hội nghị 11, BCH Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành, coi đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trung ương yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện dự án, cần lưu ý xác định rõ những tiêu chí, điều kiện tiền đề để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các sân bay trung chuyển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, lộ trình, phân kỳ đầu tư sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, sau khi lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội, xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, quan điểm là đồng ý chủ trương nhưng phải đảm bảo về hiệu quả của sân bay này như đất đai, suất đầu tư, có là sân bay trung chuyển không và quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế. Kỳ này, Quốc hội bàn chủ trương đầu tư, cách triển khai sao cho hiệu quả.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương cũng sẽ được Quốc hội thảo luận. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau nên phải tiến hành một cách thận trọng, từng bước vững chắc và đặt trong tổng thể việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Trên cơ sở Tờ trình của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã thảo luận, phân tích kỹ những ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án và đã quyết định chọn phương án “Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, Điều 110 Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân)”.

3. Là kỳ họp giữa năm và là năm cuối trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội nhiệm kỳ 2010-2015, Quốc hội quan tâm những mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, ngân sách và hoạch định cho nhiệm kỳ tới. Trong các tháng đầu năm 2015, điểm nổi bật nhất đã được Chính phủ khẳng định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua là kinh tế tiếp tục tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, những đánh giá của nhiều chuyên gia dưới nhiều góc độ khác nhau gửi về cho Chính phủ cũng khá lạc quan.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, chúng ta không nên quá lạc quan bởi những con số đó mà hãy nhìn vào những mặt mới xuất hiện cũng như tình hình chung biến động khó lường của kinh tế thế giới để tiếp tục tập trung hoàn thành những công việc đề ra với nỗ lực cao nhất. Những vấn đề này sẽ được Quốc hội sẽ đánh giá, làm rõ tại kỳ họp này, nhất là hiến kế giải pháp cho giai đoạn tới.

Đăng Minh
.
.
.