Khen thưởng phải căn cứ vào công trạng mới đảm bảo công bằng

Thứ Sáu, 29/10/2021, 08:49

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 2, ngày 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Khen thưởng không được nể nang, hình thức

Thảo luận về Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng việc khen thưởng hiện nay còn có sự nể nang; còn phân định cấp trên với cấp dưới, dẫn đến hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua đôi lúc vẫn mang tính hình thức.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nể nang nhường thành tích, kết quả cho nhau để bảo đảm có thời gian liên tục.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi lần này cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất cần quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục chủ yếu do cơ quan, đơn vị phụ trách công tác thi đua, khen thưởng hoặc tổ chức phát hiện các nhân tố tích cực cần khen thưởng, nhằm bảo đảm ý nghĩa thật sự trong công tác khen thưởng đột xuất; kịp thời biểu dương, lan tỏa phong trào, tránh gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân được đề nghị.

Cho rằng công tác thi đua, khen thưởng còn chung chung, chưa được cụ thể hóa, khó định lượng, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, nội dung thi đua trong dự thảo luật sửa đổi vẫn còn mang nặng tính hành chính và tính chất nhà nước; đề nghị khen thưởng căn cứ vào công trạng chứ không phải là thành tích sẽ bớt tính tràn lan, hình thức.

Hơn nữa, dự thảo Luật cần có quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, của cá nhân trong thi đua, đề nghị khen thưởng và quyết định khen thưởng.

Bỏ hay giữ việc xét tặng danh hiệu đối với nhạc sỹ?

Một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm là so với quy định hiện hành, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với nhạc sĩ, phát thanh viên.

Về nội dung này, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng, không nên bỏ xét tặng danh hiệu này đối với nhạc sĩ. Đại biểu nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú nhưng vẫn giữ lại đối tượng là nhạc sĩ vì đây là người đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo.“Nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, nhạc sĩ không phải nghệ sĩ biểu diễn, nhưng phải khẳng định rằng, họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, biên đạo…

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lại cho rằng, từ lâu, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là giải thưởng dành cho các tác phẩm xuất sắc, nếu nhạc sĩ có tác phẩm hay, xuất sắc, được ghi nhận thì sẽ được trao tặng các giải thưởng này. Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú là tặng cho người biểu diễn nghệ thuật. Trong trường hợp nhạc sĩ cũng tham gia biểu diễn thì có thể được xét tặng danh hiệu này, còn ngược lại khi không nên xét tặng.

Kiến nghị ưu đãi rõ ràng với nhà làm phim nước ngoài

Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị chính sách ưu đãi về sản xuất phim trong nước cũng như chính sách về thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam phải tạo được đột phá. “Một quy định mang tính đột phá cần thể hiện rõ mức độ ưu đãi ra sao? Cụ thể và hấp dẫn thế nào?

Thủ tục ưu đãi có minh bạch thuận lợi và nhanh chóng không? Nếu Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi được thông qua với chính sách khuyến khích ưu đãi theo hướng này chắc chắn sẽ là lời kêu gọi hấp dẫn nhất để mời chào các nhà sản xuất phim nước ngoài đến Việt Nam” - đại biểu nêu vấn đề và đề nghị đưa ra chính sách ưu đãi cụ thể, phù hợp để thu hút các nhà làm phim nước ngoài.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cũng quan tâm đến vấn đề này, đề nghị bổ sung khái niệm “Phim hợp tác sản xuất với nước ngoài” vào dự thảo Luật, đây là khái niệm quan trọng đối với hoạt động điện ảnh ở các nước và trên thế giới, theo đó, Luật mới có thể quy định một cách chặt chẽ “quyền lợi”, nghĩa vụ” và “chế tài” đối với các phim hợp tác.

Cần có hệ thống kiểm soát trẻ em xem phim trên mạng

Tham gia góp ý dự án Luật Điện ảnh sửa đổi, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) góp ý nhiều vấn đề liên quan đến phổ biến phim trên không gian mạng, phân loại phim, quy định sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Đại biểu đặc biệt lưu ý việc kiểm soát để trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của mình.

Nếu tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng có thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em để người lớn quản lý được phim nào trẻ em được vào xem phù hợp với lứa tuổi của các em thì được áp dụng ưu tiên hậu kiểm... Nội dung này giao Chính phủ quy định chi tiết.

Phương Thủy
.
.
.