Trường hợp cấp bách, Cảnh sát cơ động phải xử lý ngay, không đợi quy trình

Thứ Sáu, 08/10/2021, 13:18

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường lấy ví dụ để tranh luận với ý kiến cho rằng, cần quy định về trình tự, thủ tục khi Cảnh sát cơ động (CSCĐ) yêu cầu cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình và vào nơi ở cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức giải cứu con tin, trấn áp hành vi khủng bố...

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 2, sáng 8/10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) thẩm tra chính thức dự án Luật CSCĐ. Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật CSCĐ; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương...

Khi đối tượng ôm lựu đạn lao vào tòa nhà, Cảnh sát cơ động phải hành động ngay -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và chỉ đạo phiên họp.

Xây dựng Luật CSCĐ là cần thiết cả về lý luận và thực tiễn

Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật CSCĐ, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án luật cho biết, Pháp lệnh CSCĐ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII thông qua năm 2013 là cơ sở pháp lý quan trọng để CSCĐ phát huy vai trò lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động gây phương hại đến ANTT, biểu tình, bạo loạn; trấn áp các đối tượng phạm tội nguy hiểm, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, sự kiện chính trị quan trọng... góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Việc xây dựng, ban hành Luật CSCĐ trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân và thống nhất với quy định của các luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng CSCĐ. Bên cạnh đó, luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại được xác định tại các văn kiện như: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, XIII và Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khi đối tượng ôm lựu đạn lao vào tòa nhà, Cảnh sát cơ động phải hành động ngay -0
Tư lệnh CSCĐ Phạm Quốc Cương trình bày tóm tắt tờ trình tại phiên họp.

Cũng theo Trung tướng Phạm Quốc Cương, tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phức tạp trong tình hình mới đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật về lực lượng CSCĐ để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách đối với lực lượng này. Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh CSCĐ sau 7 năm triển khai thi hành...

Dự thảo luật gồm 5 chương, 31 điều, nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của CSCĐ.

Trong đó, dự thảo Luật bổ sung thêm 2 quyền hạn mới, phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ, gồm: Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ, vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời, cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT. Thứ hai là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.

Khi đối tượng ôm lựu đạn lao vào tòa nhà, Cảnh sát cơ động phải hành động ngay -0
Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Minh Đức trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra.

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật CSCĐ, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, "ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng", trong đó có lực lượng CSCĐ.

Tờ trình của Chính phủ cũng đã thể hiện rõ đặc thù của CSCĐ là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu; được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật đặc chủng, hiện đại; phương án tác chiến đặc biệt; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân; việc huấn luyện và thực thi nhiệm vụ trong điều kiện, hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn, đòi hỏi CBCS phải có trình độ, năng lực, bản lĩnh và kỹ năng cao. Do đó, việc xây dựng Luật CSCĐ là rất cần thiết cả về lý luận và thực tiễn, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho CSCĐ thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của CSCĐ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Khi đối tượng ôm lựu đạn lao vào tòa nhà, Cảnh sát cơ động phải hành động ngay -0
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới điều hành thảo luận tại phiên họp.

Về hệ thống tổ chức của CSCĐ (Điều 13), Chính phủ đề nghị 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến: Phương án 1 giữ nguyên quy định hệ thống như dự thảo Luật, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án 2 tiếp thu kết luận của UBTVQH theo hướng bổ sung quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc CSCĐ gồm 6 lực lượng: Lực lượng tác chiến đặc biệt, lực lượng đặc nhiệm, lực lượng bảo vệ mục tiêu, lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ, lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và lực lượng CSCĐ dự bị chiến đấu.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, UBQPAN cơ bản nhất trí với Phương án 2 của dự thảo Luật để xác định rõ mô hình tổ chức, các bộ phận cấu thành lực lượng này, làm nổi bật tính đặc thù của CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của Chính phủ. Các ý kiến này cũng cho rằng nên giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết để đảm bảo đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, còn có ý kiến tán thành Phương án 1 và đề nghị giao Chính phủ quy định để bảo đảm chặt chẽ.

Việc trang cấp máy bay cho lực lượng vũ trang là xu thế tất yếu

Dưới sự điều hành của Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về nhiều nội dung liên quan dự án luật, những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của CSCĐ... Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trường hợp người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng để "ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái" (khoản 3, Điều 10) cần được làm rõ để bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, do quy định này có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, cho nên trong khi chưa sửa đổi các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đề nghị Chính phủ cần bổ sung một điều quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện hành vi ngăn chặn này.

Khi đối tượng ôm lựu đạn lao vào tòa nhà, Cảnh sát cơ động phải hành động ngay -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang thảo luận tại phiên họp.

"Tương tự, đối với quy định tại khoản 6 "yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức để giải cứu con tin, trấn áp hành vi khủng bố và tội phạm" cũng xâm phạm đến nơi ở hợp pháp của công dân, vì vậy, cũng cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện hành vi này ngay trong dự thảo Luật", ông nêu ý kiến.

Tranh luận về nội dung này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường cho rằng, không cần quy định về trình tự, thủ tục vào luật. "Vì một đối tượng ôm lựu đạn lao vào tòa nhà thì không thể đợi quy trình nào, mà CSCĐ phải đột nhập vào ngay, đây là trường hợp cấp bách. Nếu quy định trình tự, thủ tục trong việc cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình thì rất khó, lúc này người chỉ huy trận đánh phải tự quyết định, xử lý ngay. Tôi cũng chắc chắn rằng, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã có quy trình xử lý tình huống này rồi", ông lấy ví dụ.

Khi đối tượng ôm lựu đạn lao vào tòa nhà, Cảnh sát cơ động phải hành động ngay -0
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường thảo luận tại phiên họp.

Bên cạnh đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nêu thực tế việc trang cấp máy bay cho lực lượng vũ trang là xu thế tất yếu của thế giới, "ở các nước máy bay của người dân cũng bay đầy trên bầu trời", vấn đề ở đây là phải có sự thống nhất quản lý về đường bay, sân bay, không lưu...

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đánh giá cao trách nhiệm của Ban soạn thảo và UBQPAN trong xây dựng và thẩm tra dự án luật, bởi từ khi thẩm tra sơ bộ đến nay, dự thảo luật đã được chỉnh lý rất nhiều, lược bỏ những quy định không đặc thù của lực lượng CSCĐ. Ông cho rằng, những cái gì ưu việt, còn phù hợp trong Pháp lệnh thì nên giữ lại và phát triển.

Đối chiếu với Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, đại biểu thấy có 2 ý đã quy định trong Pháp lệnh và ông đồng tình dự án luật nên giữ lại: Đó là khoản 13, Điều 7 "Được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức để giải cứu con tin, trấn áp hành vi khủng bố và tội phạm có sử dụng vũ khí" và khoản 2, Điều 10 quy định "CSCĐ được giao quản lý, sử dụng tàu bay, tàu thủy"...

Khi đối tượng ôm lựu đạn lao vào tòa nhà, Cảnh sát cơ động phải hành động ngay -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Thay mặt Ban soạn thảo phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn sự quan tâm, trách nhiệm của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, UBQPAN của Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã luôn đồng hành với Cơ quan soạn thảo, ngày càng hoàn thiện hơn dự án luật này. Đồng chí Thứ trưởng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phát biểu, góp ý tại phiên họp để tiếp tục chỉnh sửa nội dung theo đúng quy định của pháp luật, trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, khóa XV.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao trách nhiệm và sự cầu thị của Ban soạn thảo, sau phiên thẩm tra sơ bộ và được UBTVQH xem xét, cho ý kiến đã khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, sửa lại tờ trình, hoàn thiện hồ sơ dự án luật bảo đảm đúng tiến độ; Thường trực UBQPAN đã chủ động, tích cực phối hợp Ban soạn thảo chuẩn bị tốt nội dung thẩm tra chính thức.

Khi đối tượng ôm lựu đạn lao vào tòa nhà, Cảnh sát cơ động phải hành động ngay -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu giải trình thêm tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, hầu hết các ý kiến tại phiên họp rất sâu sắc, tâm huyết, ngắn gọn, cụ thể với tư duy logic, mạch lạc hơn; qua đó khẳng định việc ban hành Luật CSCĐ là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của CSCĐ, qua đó nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong công tác này; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kết luận của UBTVQH và các ý kiến phát biểu tại phiên họp để tiếp tục tiếp thu, giải trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, cần lựa chọn những vấn đề "đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiệm" và nếu đưa vào luật phải "dễ làm, dễ hiểu, dễ thực hiện" theo hướng giảm bớt nghị định và thông tư, đổi mới hoạt động lập pháp. Ngoài ra, khi tính toán các vấn đề đặc thù bảo đảm cho lực lượng CSCĐ hoạt động cũng phải vừa đảm bảo bí mật quân sự, bí mật an ninh quốc gia, phương án tác chiến, tổ chức quân số, trang bị, vũ khí...

Kết lại nội dung này, Thiếu tướng Lê Tấn Tới khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo xác đáng, cụ thể của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu để nghiên cứu, thống nhất hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, xin ý kiến thành viên Ủy ban trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Về hệ thống tổ chức của CSCĐ, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chủ nhiệm UBQPAN đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, trình ra một phương án hợp lý trên cơ sở ý kiến các đại biểu, phối hợp Thường trực UBQPAN chỉnh sửa, hoàn chỉnh theo quy định.

Quỳnh Vinh
.
.
.